Bán bánh tráng trộn vì “hết nghề”
Đường Vạn Kiếp được biết đến là con đường ăn uống ở Sài Gòn, thực khách có thể thưởng thức rất nhiều món ăn khác nhau. Tuy nhiên, món bánh tráng thì chỉ có một. Chạy xe dọc theo đường Vạn Kiếp theo lời chỉ dẫn của bạn, tôi khá dễ dàng tìm thấy tấm biển “Bánh tráng trộn - cuốn - tỏi Vạn Kiếp”.
Quán bánh tráng Vạn kiếp ở trước một tiệm trà sữa nhỏ. Gọi là quán nhưng thực chất chỉ gồm một xe bánh tráng nhỏ và vài cái ghế nhựa cùng cái bàn nhỏ để khách dùng nếu muốn ngồi lại ăn. Ấy vậy mà quán vẫn tấp nập khách ra, vào.
|
Chị Nguyễn Trần Thị Thiên Thanh (39 tuổi) chủ quán bánh tráng chia sẻ: “Chị mở quán này được 5 năm. Học xong lớp 12, sau đó chị làm công nhân được một thời gian rồi cũng có chuyển một số nghề khác. Sau này có gia đình con cái rồi nên muốn dành nhiều thời gian cho gia đình hơn nên nghỉ việc. Vì quê gốc Tây Ninh nên chị cũng muốn mang món gì đó ở quê nhà lên để buôn bán. Thấy trên đường này cũng chưa có quán bánh tráng nào nên quyết định mở quán này luôn.”
Lý giải nguyên nhân quán thu hút được nhiều khách như vậy, chị Thanh cười: “Khách ăn lần đầu chủ yếu là ăn cho biết, nhưng buôn bán thì vốn nó vậy rồi. Bánh tráng của mình ăn hợp khẩu vị, vừa miệng của người ta thì người ta quay lại, dần thì thành quen mà quen rồi khó bỏ”.
|
Anh Hoàng Tô (24 tuổi, ngụ Bình Thạnh) một khách quen của quán chia sẻ trong lúc chờ chủ quán cuốn bánh: “Mình ăn ở đây cũng được 3 năm rồi, biết được quán này cũng là do có người quen chỉ cho. Nhà mình ở đầu đường nên buổi tối thường hay đi bộ lại đây mua bánh, bánh tráng ngon mà giá cả thì bình dân. Mình ít ăn bánh tráng ở quán khác nên không biết so sánh ra sao. Ăn bánh tráng ở đây quen rồi nên cũng không có ý định ăn ở chỗ khác”.
Bán hơn 100 phần trong 4 tiếng rưỡi
Bánh tráng Vạn Kiếp mở cửa từ 18 giờ đến 22 giờ 30, giờ đông khách nhất là khoảng 20 giờ. Vì là món ăn vặt nên giờ cao điểm của quán muộn hơn so với những quán ăn khác. Tuy nhiên, đó cũng là một điểm lợi thế, bánh tráng thường nhẹ bụng nên được nhiều người lựa chọn để ăn sau bữa tối.
|
Thực đơn của quán bao gồm có bánh tráng trộn, bánh tráng cuốn và bánh tráng tỏi. Bánh tráng trộn và bánh tráng cuốn thì không còn xa lạ. Bánh tráng tỏi là món lạ miệng nhất và cũng thu hút nhiều thực khách nhất.
Tỏi sau khi mua về sẽ bóc vỏ rồi băm nhỏ. Bắc chảo lên bếp chờ chảo nóng mới cho tỏi và dầu vào phi đến khi nào có màu vàng vừa mắt. Bánh tráng sẽ được xé nhỏ và bỏ đi những phần bánh cứng. Trước khi trộn gia vị thì bánh tráng sẽ được xịt một ít nước để mềm vừa phải. Sau đó cho tỏi và muối để làm bánh tráng tỏi.
Bánh tráng tỏi rất thơm, vị đậm đà mà không bị mặn. Bánh tráng có màu vàng nhạt dịu mắt chứ không đậm, bánh tráng rất dai và tương đối mềm vì đã được xịt qua một ít nước. Bánh tráng tỏi được làm sẵn, đóng bịch và treo sẵn trên xe hàng, khách đến chỉ cần gói đem về là được.
Khác với bánh tráng tỏi, bánh tráng trộn và bánh tráng cuộn lại được cuốn và trộn ngay tại chỗ. Có khách đến thì chị Thanh mới đeo bao tay, cuộn và trộn bánh.
Bánh tráng cuốn gồm có bò khô, ruốc, đậu phộng rang, hành phi, tỏi phi, sa tế, muối tôm và trứng cút. Bánh tráng trộn cũng tương tự nhưng có thêm mực khô, tắc và rau răm. Một vị khách ghé vào mua bánh tráng không ngại ngần khen: “Bánh tráng ở đây hả? Ngon mà sạch”.
Chị Thanh cho hay: “Bánh tráng được lấy từ Tây Ninh. Tắc và rau răm cũng được lựa chọn kỹ càng và rửa bằng nước muối trước. Hành, tỏi do chị tự phi luôn nên khách thích lắm. Có nhiều người ăn một lần thấy ngon rồi đặt mấy chục phần. Những lúc như vậy một mình chị xoay không kịp mà phải nhờ thêm cậu em họ giúp một tay".
Một phần bánh tráng Vạn Kiếp chỉ dao động trong từ 10.000 đến 20.000 đồng. Ngon, sạch và rẻ nên bánh tráng Vạn Kiếp dần trở thành một hàng quán quen của nhiều thực khách trong lúc vi vu dạo quanh Sài Gòn.
Bình luận (0)