Trong bộ tiểu thuyết võ hiệp Ỷ Thiên Đồ Long ký của Kim Dung có đoạn: Giáo chủ Minh giáo Trương Vô Kỵ thấy trên bàn của Quang Minh tả sứ Dương Tiêu cuốn sách Minh giáo lưu truyền Trung thổ ký nên giở xem. Sách viết rõ rằng Minh giáo xuất ở Ba Tư, nguyên danh là Mani giáo, do thờ phụng ánh sáng nên người Trung Hoa gọi là Minh giáo, cũng gọi là Bái hỏa giáo. Minh giáo truyền vào Trung thổ từ Diên Tải nguyên niên - đời Đường Võ Hậu.
Thích ứng thời vận
Lúc ấy, người Ba Tư tên là Phất Đa Diên mang bộ Tam Tông kinh của Minh giáo đến triều, là lần đầu tiên người Trung Quốc biết đến bộ kinh này.
Trên cơ sở “Phật giáo hóa” kiểu Trung Á, Mani giáo truyền sang Trung Quốc không gặp khó khăn gì đáng kể, chính thức được Võ Tắc Thiên công nhận vào năm 694 và phát triển mạnh vào năm 806 khi triều Đường cho Mani giáo lập chùa ở kinh đô Trường An, sắc tứ là “Đại Vân Quang Minh tự”. Sau đó, tại các thị trấn lớn như Thái Nguyên, Kinh Châu, Dương Châu, Hồng Châu, Việt Châu cũng đều có Đại Vân Quang Minh Tự. Minh giáo được truyền hợp pháp, phát triển rất thịnh từ dân chúng đến sĩ đại phu. Từ đó, Mani giáo truyền đi khắp các châu thuộc miền Nam Trung Hoa như Kinh Châu, Dương Châu, Hồng Châu... cực thịnh một thời, ảnh hưởng vào tận cung đình.
Đời Đường, thuyết Phật Di Lặc giáng sinh rất thịnh hành. Năm 695, nữ hoàng Võ Tắc Thiên tự xưng là “Phật Di Lặc hóa thân”, lấy danh nghĩa này xây dựng và thống trị triều Chu (690-705), ngụy tạo ra kinh điển có tên là Đại Vân kinh, ra chiếu lập những chùa Đại Vân ở khắp Trung Hoa. Nhiều nhân vật nổi tiếng đời Đường như cao tăng Huyền Trang, Khuy Căn, thi hào Bạch Cư Dị... đều là những người tin vào thuyết “Phật Di Lặc giáng sinh tịnh thổ” của Mani giáo.
Truyền giáo linh hoạt, đa dạng Mani giáo là một tôn giáo tổng hợp. Kinh điển Mani giáo được viết hơn 10 loại ngôn ngữ, phía Tây ảnh hưởng đến tận sa mạc Bắc Phi, phía Đông lan rộng đến vùng duyên hải Đông Nam Trung Quốc. Ở phương Tây, những vùng do Cơ Đốc giáo thống trị, Mani giáo bị xem là tà giáo của Cơ Đốc giáo; ở phương Đông thì lại lầm đó là một nhánh của Phật giáo. Như thế đủ thấy tính chất linh hoạt, đa dạng trong truyền giáo của Mani giáo. Theo khảo chứng, kinh điển và giáo nghĩa Mani giáo truyền sang phương Tây có rất ít nội dung Phật giáo nhưng truyền sang phương Đông thì sử dụng rất nhiều ngôn ngữ Phật giáo, giả danh Phật pháp, Phật danh, cho đến tự xưng là “Ma Ni Quang Phật”. Trong những bức bích họa Mani giáo phát hiện ở Tân Cương thường thấy vị thần của Mani giáo đứng trên đài sen. Mani giáo gọi thần là “Tiên Ý Phật”, “Di Số Phật” và cả “Di Lặc Phật”. |
Sau này, khi triều đình thực hiện chủ trương “Tôn Đạo ức Phật”, Đạo giáo thắng thế thì Mani giáo dần dần dung hợp với Đạo giáo. Quan điểm “tam tế” của Mani giáo gần với khái niệm “tam thanh” của Đạo giáo. Học giả người Pháp Pelliot đã phát hiện ở Đôn Hoàng bản kinh thất truyền từ lâu của Mani giáo là Lão Tử Tây thăng hóa hồ kinh trong Lão Tử hóa hồ kinh, nói rằng Lão Tử khi đi về phía Tây đã sang Ba Tư, “cưỡi ánh sáng tự nhiên, từ cảnh giới chân tịch mà giáng sinh vào vương thất, trở thành thái tử, bỏ nhà nhập đạo, hiệu là Mạt Mani (nghĩa là thầy Mani)...”. Trong kinh sử dụng rất nhiều khái niệm của Đạo giáo như “đạo khí”, “kim khí”, “hoàng bạch khí”, “tam giáo đồng quy”...
Biến thành Ma giáo
Năm Hội Xương thứ 3 (843), triều đình lấy danh nghĩa “không làm ô tạp phong hóa Trung nguyên”, hạ lệnh nghiêm cấm Minh giáo hoạt động, ra lệnh giết giáo đồ, tàn phá hơn 4.600 ngôi chùa, tịch thu tất cả tài sản tự viện, bắt hơn 3.000 tăng hoàn tục. Sử gọi đây là “Hội Xương pháp nạn”.
Thế lực Minh giáo đại suy. Từ đó về sau, Minh giáo trở thành một tôn giáo bí mật, phạm cấm, đời nào cũng bị quan phủ truy lùng giết chóc. Để có thể sinh tồn, người trong Minh giáo không thể không hành sự bí ẩn, để rồi chữ Ma trong Mani bị đổi thành Ma, đồng nghĩa với tà ma.
Sau “Hội Xương pháp nạn”, Minh giáo bị gọi là Ma giáo. Người ta mỉa mai giáo đồ Minh giáo là “ăn chay thờ ma”. Kỳ thực, giáo nghĩa của Minh giáo là khử ác làm thiện, chúng sinh bình đẳng, nếu có tiền bạc của cải thì phải cứu giúp kẻ nghèo, không mê tửu sắc, sùng kính Minh Tôn (tức Hỏa thần, Thiện thần).
Khởi thủy, cũng như Phật giáo, giáo đồ Minh giáo ăn chay trường vì họ cho rằng thịt gia súc sẽ khởi động ma vương trong cơ thể. Trong thực phẩm chay có lượng ánh sáng cao hơn nhiều so với thực phẩm mặn, vì thế ăn chay có thể “tịnh hóa linh hồn”. Do đó, trừ những kẻ phản đồ, tất cả đều tuân thủ nghiêm giới luật chay tịnh, nghiêm cấm rượu thịt. Trong Ỷ Thiên Đồ Long ký có đoạn Trương Vô Kỵ khi thấy các giáo đồ Minh giáo là bọn Chu Nguyên Chương, Từ Đạt ăn thịt bò thì giật mình kinh hãi. Sự kinh ngạc của Trương Vô Kỵ đã phản ánh tính nghiêm khắc trong giới luật ăn chay của Minh giáo.
Hàng giáo phẩm của Minh giáo phải sống khổ hạnh, không được quyền có tài sản, buôn bán, không ăn thịt, uống rượu và trấn áp mọi dục tình. Họ không lập gia đình với quan niệm loài người sinh sản chính là do bị Thượng đế trừng phạt, sự truyền chủng là một hành động kéo dài sự tăm tối.
Sau khi nhà Đường diệt vong, Minh giáo tiếp tục lưu truyền bí mật trong dân gian cùng với các bang hội bí mật khác như Bạch Liên giáo, Di Lặc giáo... Một số phần tử tri thức theo Minh giáo đã xây dựng nhiều “thảo am” theo lối tự viện Minh giáo để ẩn cư. Hiện ở núi Hoa Biểu thuộc Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến còn một thảo am xây dựng từ đời Nguyên, đó là tự viện Minh giáo duy nhất hiện còn “hoạt động” ở Trung Quốc. Ngoài ra, hiện còn hai di chỉ của Minh giáo là chùa Minh Giáo ở Thụy An, tỉnh Triết Giang và cung Phúc Thọ ở Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến.
Theo Thượng Văn / NLĐ
Bình luận (0)