Gần đây, “phong trào du học” bỗng phổ biến khắp các vùng quê, với nhiều câu chuyện bi hài. Phóng viên Thanh Niên đã thâm nhập thực tế để tìm hiểu và phát hiện nhiều nơi người đi du học thực chất chỉ để làm... lao động!
Quảng cáo du học Nhật Bản xuất hiện nhan nhản ở nhiều vùng quê H.Tứ Kỳ, Hải Dương
- Ảnh: Hậu Hằng |
Về quê “săn” du học sinh
Địa điểm chúng tôi đến là huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương - nơi được giới làm “du học” nói vui “quảng cáo du học còn nhiều hơn quảng cáo khoan cắt bê tông”.
Quả đúng không sai, thị trấn Tứ Kỳ bé cỏn con, chúng tôi đi một vèo đã hết nhưng chỉ trong vòng bán kính chưa đến 1 km2, đếm sơ sơ đã có hơn 10 trung tâm, văn phòng tư vấn tuyển sinh “du học” vừa học, vừa làm, chủ yếu là du học Nhật Bản.
|
Riêng xóm An Nhân, thị trấn Tứ Kỳ có tới 6 công ty, văn phòng tư vấn, chi nhánh lớn nhỏ mọc lên san sát, căng băng rôn, quảng cáo, với những lời mời chào hấp dẫn như: Chi phí thấp nhất, đỗ visa cao nhất; đảm bảo có việc làm thêm tối thiểu từ 1.500 USD/tháng; đi ngay trong tháng 10...
Còn nhớ, 3 năm trở về trước, Tứ Kỳ là “quê hương” của xuất khẩu lao động, bây giờ làn sóng đó đã nhanh chóng bị “du học” soán ngôi. Thay vì đi xuất khẩu lao động, các gia đình nông dân đua nhau cho con đi “du học”.
Cũng giống như ở Hải Dương, tại tỉnh Vĩnh Phúc, “phong trào đi du học” được tuyên truyền rầm rộ tại các trường THPT, từ thành phố xuống đến các huyện. Chúng tôi đến Trường THPT Vĩnh Yên (P.Hội Hợp, TP.Vĩnh Yên) khi học sinh đã nghỉ hè. Sân trường vắng lặng, không có gì đáng chú ý ngoài tấm biển quảng cáo “Du học Nhật, Úc, Hàn” khổ lớn đặt ở vị trí bắt mắt trên tầng 2. Trên các thân cây là phướn quảng cáo: gần 100% đỗ visa; 100% hỗ trợ việc làm… Còn bên ngoài cổng, tấm biển quảng cáo khá lớn “Tuyển sinh du học” của Trung tâm tư vấn du học VHC (Công ty cổ phần công nghệ cao Vĩnh Phúc).
Quảng cáo du học Nhật Bản xuất hiện nhan nhản ở nhiều vùng quê H.Tứ Kỳ, Hải Dương - Ảnh: Hậu Hằng |
Loạn giá du học
Trong vai thanh niên nông thôn đang có nhu cầu đi du học Nhật Bản, chúng tôi đến văn phòng Công ty VTC1 có trụ sở hoành tráng ngay sát cổng Trường THPT Tứ Kỳ. Cô nhân viên tư vấn tên Thảo cho biết văn phòng liên kết với Trường THPT Tứ Kỳ mới mở khoảng 6 tháng, hiện tại Nhật Bản ưu tiên tuyển người Việt nên giá “du học” giảm nhiều so với trước. Nếu đăng ký ngay sẽ đi vào dịp tháng 10, giá trọn chỉ còn 200 triệu đồng bao gồm 1 năm học phí. “Mọi thủ tục gia đình không cần bận tâm, công ty sẽ lo toàn bộ, từ dịch thuật, chứng thực, chứng minh tài chính, gần như 100% đăng ký ở công ty được đi hết”, Thảo nói.
|
Cách đó không xa là văn phòng tư vấn du học Việt Trí MD. Tại đây giá du học Nhật Bản được thổi lên 220 triệu đồng. Bà Phương Liên, phụ trách văn phòng giới thiệu từng đi xuất khẩu lao động tại Nhật 3 năm cho biết: “Thực ra người Việt sang bên đó đi làm là chính chứ mấy ai du học thật sự. Nếu quyết định đi, phải làm hồ sơ gấp, chi phí khoảng 220 triệu đồng”. Bà Liên khẳng định, theo quy định, độ tuổi đi “du học” từ 18 - 28 nhưng nhiều trường hợp trên 35, có gia đình vẫn đi được, công ty sẽ có cách xử lý hồ sơ. Thậm chí, nếu không có bằng tốt nghiệp THPT vẫn có thể chạy với giá khoảng 10 triệu đồng…
Quảng cáo du học Nhật Bản xuất hiện nhan nhản ở nhiều vùng quê H.Tứ Kỳ, Hải Dương - Ảnh: Hậu Hằng |
Còn tại Vĩnh Phúc, các trung tâm không chỉ cạnh tranh nhau về giá mà còn kèm theo các chương trình khuyến mãi.
Đơn cử như Trung tâm tư vấn du học VHC, trụ sở tại Khu đô thị Chùa Hà Tiên (TP.Vĩnh Yên) đưa ra mức giá trọn gói “du học” Nhật Bản từ 150 triệu đồng cho học phí 6 tháng và 200 triệu đồng cho học phí cả năm. Nếu ai đăng ký trước 31.5 sẽ được miễn phí 5 triệu đồng tiền ký túc xá và tiền học 3 tháng.
Còn Công ty hợp tác giáo dục Hikari, địa chỉ tại số nhà 23-S3 Khu đô thị Chùa Hà Tiên, quảng cáo miễn toàn bộ chi phí tương đương 6,5 triệu đồng tiền giới thiệu việc làm thêm tại Nhật, kể cả những du học sinh kém năng lực tiếng Nhật. Đảm bảo sau 1 tháng khi sang đến Nhật sẽ có việc làm thêm; có thể chuyển đổi visa du học sinh sang hợp đồng lao động dài hạn 5 năm tại Nhật; tặng vé máy bay 1 chiều cho du học sinh đỗ đại học, tặng 100.000 yen cho những người có thành tích xuất sắc và có chứng chỉ tiếng Nhật N4.
Đủ các chiêu trò
Trao đổi với chúng tôi, ông C., người có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực xuất khẩu lao động tại TP.Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) cho biết các doanh nghiệp chỉ tập trung vào các địa bàn nông thôn, các trường THPT có chất lượng học sinh không cao để thu hút người đi.
Trong khi, các gia đình ở nông thôn hiểu biết về du học như “tờ giấy trắng”. Họ đưa ra giá rẻ để câu học viên. Khi “cá đã cắn câu”, các doanh nghiệp tư vấn du học có rất nhiều chiêu trò, bài bản để nâng phí như: lệ phí sân bay, hỗ trợ làm hồ sơ, dịch thuật, tư vấn, phí xuất cảnh... khiến học viên khi đã nộp hồ sơ thì “đâm lao thì phải theo lao”...
|
(Còn tiếp)
Bình luận (0)