Dù qua bao năm, những bộ phim chọn đề tài "khó nhằn” này vẫn cuốn hút người xem. Những thước phim về chiến tranh Việt Nam hàm chứa thông điệp ý nghĩa và ẩn dụ các lớp biểu tượng.
Apocalypse Now (Lời sấm truyền, 1979)
Bộ phim của đạo diễn Francis Ford Coppola được chuyển thể từ tiểu thuyết Heart of darkness (tựa Việt: Giữa lòng tăm tối) của nhà văn Joseph Conrad. Cuốn tiểu thuyết của nhà văn Anh gốc Ba Lan in từ năm 1899. Phim đặt trong bối cảnh chiến tranh Việt Nam năm 1970, đại tá biệt kích Walter E. Kurtz (Marlon Brando đóng) trở nên điên loạn, chạy trốn vào rừng và lãnh đạo một đạo quân người dân tộc ở Campuchia dưới danh nghĩa một vị tướng tự xưng. Đại úy Benjamin L. Willard (Martin Sheen đóng) được lệnh tiêu diệt Walter E. Kurtz.
Little Girl of Hanoi (Em bé Hà Nội, 1974)
Bối cảnh bộ phim là Hà Nội năm 1972. Nhân vật Ngọc Hà, cô bé 12 tuổi, tìm kiếm gia đình bị thất lạc sau trận bom B52 lịch sử. Ngọc Hà được những người lính tốt bụng giúp đỡ và đoàn tụ với em gái, nhưng mẹ em thì mãi mãi ra đi sau khi cứu các em nhỏ. Phim do Hải Ninh đạo diễn.
Winter soldier (Người lính mùa đông, 1972)
Đây là bộ phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam từng được tờ The New York Times mô tả như “một quả lựu đạn có thể nổ tung bất cứ lúc nào”. Mùa đông năm 1971, 200 binh lính của các đơn vị, binh chủng tham chiến ở Việt Nam tụ họp ở thành phố Detroit và kể ra những tội ác mà mình trực tiếp tham gia hoặc chứng kiến đồng đội mình gây ra. Một nhóm nhà làm phim trẻ, độc lập thu hình ba ngày liền những lời kể này, và mất tám tháng để biên tập thành một bộ phim dài 95 phút.
|
Full Metal Jacket (Áo giáp sắt, 1987)
Bộ phim do Stanley Kubrick làm đạo diễn. Full Metal Jacket chia làm 2 phần, xoay quanh câu chuyện huấn luyện một nhóm tân binh thủy quân lục chiến Mỹ ở Parris Island, Nam Carolina. Full Metal Jacket đứng thứ 457 trong danh sách 500 phim hay nhất mọi thời đại do tạp chí Empire bình chọn vào năm 2008.
When the Tenth Month Comes (Bao giờ cho đến tháng mười, 1984)
Đây là một kiệt tác kinh điển của điện ảnh Việt Nam sau chiến tranh do Đặng Nhật Minh đạo diễn, được CNN bầu chọn là một trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại. Bộ phim khắc họa nỗi đau đớn, mất mát trước sự hy sinh của người lính ở làng quê Việt Nam.
The Deer Hunter (Người săn nai, 1978)
Bộ phim được cho là lấy cảm hứng một phần từ cuốn tiểu thuyết Đức Three Comrades (Ba người bạn, 1937). Phim kể về ba người bạn là công nhân thép người Mỹ gốc Nga tham gia lực lượng bộ binh Mỹ và trải nghiệm khủng khiếp của họ trong và sau chiến tranh Việt Nam.
|
Hearts and Minds (Trái tim và khối óc, 1974)
Đây là bộ phim tài liệu đầu tiên trên thế giới được chiếu bán vé ngoài rạp và là bộ phim đoạt giải Oscar hạng mục Phim tài liệu dài hay nhất năm 1974. Qua bộ phim, đạo diễn Peter Davis muốn phô bày cuộc sống, suy nghĩ, trải nghiệm của cả những người lính Mỹ lẫn những người Việt.
The Abandoned Field: Free Fire Zone (Cánh đồng hoang, 1979)
Bộ phim của đạo diễn Hồng Sến lấy bối cảnh vùng Đồng Tháp Mười. Cánh đồng hoang xoay quanh cuộc sống thường ngày của đôi vợ chồng làm nhiệm vụ giữ đường dây liên lạc cho bộ đội.
Platoon (Trung đội, 1986)
Bộ phim là câu chuyện được kể lại về một trung đội lính Mỹ tham gia chiến tranh Việt Nam đóng quân tại biên giới Việt Nam - Campuchia thông qua những dòng nhật ký của binh nhì Chris Taylor. Từ lý tưởng ban đầu là cống hiến cho đất nước, Chris dần thấy rõ mặt trái của cuộc chiến qua những xung đột trong trung đội của anh. Phim do Oliver Stone đạo diễn.
Bình luận (0)