|
Những cây bao báp ở Huế có xuất xứ từ nguồn gien đặc hữu của châu Phi, được di thực về Huế từ đầu thập niên 50 của thế kỷ trước. Hiện tại, ở Huế có 3 cây bao báp, trong đó có 2 cây cổ thụ, tuổi khoảng trên dưới 80 năm đều có thân hình đồ sộ, cao ngót 20 m, đường kính đế thân trên 2,3 m. Cây ở khuôn viên Khách sạn Điện Biên 2 có không gian dành cho vòm tán khá rộng rãi, không bị công trình kiến trúc chèn ép, nhưng không gian dinh dưỡng cho hệ rễ đã đến hồi báo động, toàn bộ bề mặt đất quanh gốc đã bị bê tông hóa; thân cây bắt đầu có hiện tượng lão hóa. Cây thứ 2 ở khuôn viên UBND phường Phước Vĩnh có hình thái thân đẹp (hình cái chai), nhưng từ vòm tán đến gốc rễ đã bị các công trình nhà cửa cận kề, chèn ép tối đa, cây thiếu dinh dưỡng trầm trọng. Riêng cây ở đường Xuân 68 nằm trên một vỉa hè hẹp, lấn chiếm một phần lòng đường, cản trở đi lại và che khuất tầm nhìn. Cần tính toán cụ thể cho tương lai cây bao báp này: bảo tồn hay loại bỏ? Nếu bảo tồn phải bảo tồn ex-situ, tức là di dời và đưa đến một nơi thích hợp. Đó là một thách thức lớn!
Ở Việt Nam, tên bao báp bắt nguồn từ tên tiếng Anh "Baobab tree", là tên chung cho các loài trong chi bao báp (Adansonia), thuộc họ bông gạo (Bombacaceae). Nó còn có tên là cây bánh mì của khỉ (Monkey-bread tree). Theo GS.Phạm Hoàng Hộ, cây bao báp ở Huế thuộc loài Adansonia grandidieri. Nhưng theo nghiên cứu của chúng tôi, nó thuộc loài Adansonia digitata, bởi loài A. grandidieri có thân hình trụ, cành nhánh tập trung ở ngọn thân, không có hiện tượng phân cành sớm và cành nhánh mọc ngang dọc thân như cây ở Huế.
Nguồn gien đa tác dụng
Ngoài tác dụng tạo bóng, trang trí cảnh quan, bao báp còn có nhiều tác dụng đối với đời sống. Thịt quả giàu vitamin C và B2, quả tươi có thể làm nước giải khát. Bột tách từ thịt quả chín được trộn với sữa để lên men thành một loại cháo có mùi vị đặc trưng. Lá non cũng giàu vitamin C, chứa a xít uronic, được xem là loại rau dùng nấu canh ở miền Tây châu Phi. Ở Bắc Senegal, lá được nấu thành một loại cháo sánh đặc gọi là "lalo". Thân non và rễ của cây con có thể làm rau ăn, rễ già cũng được nấu ăn vào những lúc thiếu đói. Nước sắc rễ được sử dụng rộng rãi ở Sierra Leone như một loại thức uống. Rễ được nấu chín, nướng, ngâm muối hoặc lên men sẽ cho một sản phẩm có vị như hạt hạnh nhân. Do chứa nhiều nước nên gỗ bao báp được các động vật và cả người bản xứ dùng để nhai trong những lúc khan hiếm nước tột bậc. Gỗ cũng có thể dùng thay muối. Lõi thân được nướng lên để dùng thay kem đánh răng, làm đông sữa và xông khói cá. Nó cũng được rang lên để dùng thay cà phê. Lá non, quả, vỏ quả và hạt được dùng làm thức ăn chăn nuôi gia súc, nhiên liệu. Phần vỏ của gốc thân non và của rễ có thể được dùng để khai thác một thứ sợi dùng làm dây thừng, đai da yên ngựa, dây buộc những chuỗi dụng cụ âm nhạc...
Đặc biệt, lá bao báp có chức năng chữa trị được bệnh thận và bàng quang, hen, mệt mỏi, tiêu chảy, côn trùng đốt và chống dị ứng. Lá và hoa được pha chế để trị bệnh đường hô hấp, rối loạn tiêu hóa và viêm nhiễm mắt. Bột hạt được dùng chữa răng và lợi. Thịt quả, hạt và vỏ cây được xem là thuốc giải độc do nhiễm độc cây sừng trâu. Nhựa từ vỏ cây được dùng chữa những chỗ tẩy rửa, hoặc sử dụng như thuốc long đờm và làm chảy mồ hôi. Vỏ cây trị được chứng sốt cao, run rẩy. Nước sắc từ rễ trị được chứng bất lực mệt mỏi, loạn huyết, cảm lạnh, sốt và cúm. Hạt trị được các bệnh dạ dày, thận và khớp.
Cây bao báp ở Huế là một nguồn gien quí cần bảo tồn. Tuy nhiên, bảo tồn như thế nào là bài toán cần có đáp số thiết thực. Theo chúng tôi, việc trồng cây bao báp tràn lan ở nhiều công viên, khuôn viên công sở trong nội thành thành phố Huế như hiện nay là điều cần suy nghĩ. Để cây bao báp phát huy giá trị cảnh quan và du lịch, thiết nghĩ, có thể trồng thành một khu rừng cảnh quan quy mô nhỏ sẽ tạo nên được điểm hấp dẫn, thú vị.
Đỗ Xuân Cẩm - Bùi Ngọc Long
Bình luận (0)