'Bảo bối' của game show

27/12/2015 06:50 GMT+7

Tuồng, chèo, cải lương, chầu văn, hát xẩm... đang được các thí sinh tham gia game show hiện nay tích cực đưa vào tiết mục biểu diễn.

Tuồng, chèo, cải lương, chầu văn, hát xẩm... đang được các thí sinh tham gia game show hiện nay tích cực đưa vào tiết mục biểu diễn.

Bé Hoàng Quân và nghệ sĩ Khương Ngọc với tiết mục Hát văn chầu bát - Ảnh: Đào Ngọc ThạchBé Hoàng Quân và nghệ sĩ Khương Ngọc với tiết mục Hát văn chầu bát - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Nhiều quán quân, á quân chiến thắng trong chương trình cũng nhờ thể hiện tài năng với các loại hình nghệ thuật truyền thống này.
Đêm chung kết Gương mặt thân quen nhí mùa thứ 2 vừa kết thúc vào tối 25.12 đã giống như một chương trình trình diễn nghệ thuật truyền thống. Cặp đôi bé Hoàng Quân - nghệ sĩ Khương Ngọc thể hiện tiết mục Hát văn chầu bát giành vị trí quán quân, thí sinh nhỏ tuổi nhất của chương trình là bé Bảo Ngọc - ca sĩ Ngọc Luân đứng ở vị trí á quân với trích đoạn cải lương Trần Quốc Toản ra quân, bé Gia Quý - ca sĩ Khánh Ngọc thể hiện tiết mục hát chầu văn Ông Hoàng Mười, bé Phương Mỹ Chi - ca sĩ Nam Cường chọn tiết mục ca nhạc mang âm hưởng dân ca.
Không chỉ có Gương mặt thân quen nhí, trong nhiều chương trình truyền hình thực tế, người tham gia đều thích trình diễn các tiết mục nghệ thuật truyền thống. Chẳng hạn như phiên bản Gương mặt thân quen dành cho người lớn mùa thứ 2 cũng ghi dấu chiến thắng của nghệ sĩ Hoài Lâm với cải lương, xẩm. Trước đó, trong chương trình Cặp đôi hoàn hảo, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và diễn viên Kim Thư chọn hóa thân thành cặp nghệ sĩ cải lương Thanh Sang - Thanh Nga trong trích đoạn Tiếng trống Mê Linh. Chương trình Tìm kiếm tài năng Việt 2015 cũng giới thiệu cậu bé “thần đồng” Đức Vĩnh với những tiết mục hát chèo, tuồng, chầu văn khiến người xem “nổi da gà”… Hầu hết những tiết mục nghệ thuật truyền thống trong các chương trình truyền hình thực tế đều nhận được lượt bình chọn cao từ khán giả, các tiết mục này tạo nên sự khác biệt, cho thấy sự đầu tư công phu và tinh thần dân tộc của các nghệ sĩ. Bởi vậy, nhiều nghệ sĩ đã coi đây như “bảo bối” để “ghi điểm” khi tham gia các chương trình.
Bước tạo đà vào showbiz
Nghệ thuật truyền thống đang được coi như “bảo bối” của các chương trình truyền hình thực tế trên truyền hình; mặt khác, qua các chương trình này, nghệ thuật truyền thống cũng đến gần hơn với khán giả trẻ với một diện mạo hấp dẫn, rực rỡ. Đó hẳn là việc đáng mừng, nhưng nhìn lại, đằng sau đó lại là những thực tế xót xa.
“Cuộc chơi” với nghệ thuật truyền thống chỉ đơn giản giúp nghệ sĩ tạo được ấn tượng trong lòng công chúng. Điều đó có thể thấy ngay cả với các tài năng nhí. Sau khi rời các chương trình truyền hình thực tế, nhiều em đã bước vào showbiz một cách chuyên nghiệp, hơn là chọn gắn bó với nghệ thuật truyền thống.
“Tiết mục nghệ thuật truyền thống trong game show truyền hình thì lung linh thế kia, khán giả thì hâm mộ, nhưng nghệ thuật truyền thống thực tế lại âm thầm lặng lẽ trên các sân khấu”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long bày tỏ. Ông chia sẻ thêm: “Một đêm diễn có khi khán giả chỉ ngồi nửa rạp, vé bán chẳng ai mua. Tôi biết Nhà hát Tuồng VN vẫn diễn tại rạp Hồng Hà, nhưng có lúc họ phải ra phía ngoài, diễn ngay ngoài sảnh để người đi đường có thể nhìn qua lớp cửa kính trong suốt nhưng vẫn cứ vắng khách. Cuộc sống của người làm nghệ thuật truyền thống phải được đảm bảo ổn định thì họ mới có thể gắn bó với nghề được. Nói như thế để thấy nghệ thuật truyền thống vẫn rất khó để thu hút các tài năng đi theo con đường này lâu dài”.
“Thần đồng” gặp khó
Trở về từ cuộc thi Tìm kiếm tài năng Việt 2015, quán quân Đức Vĩnh, được xem là tài năng nghệ thuật truyền thống hiếm có được phát hiện qua cuộc thi, vẫn xuất hiện tại nhiều chương trình biểu diễn, nhưng đến giờ cậu bé vẫn chưa tham gia lớp học về nghệ thuật truyền thống nào.
“Điều kiện gia đình tôi khó khăn, mà nếu đưa Vĩnh đi học lại phải có người đi cùng nên chưa thể cho cháu đi học được”, chị Lê Thanh Nghĩa - mẹ Đức Vĩnh nói. Cứ khi nào có người tổ chức chương trình gọi điện, chị lại đưa con ra biểu diễn rồi lại đưa con về quê. “Chưa có ai ngỏ lời gì hỗ trợ cho cháu đi học cả. Việc cho cháu học kéo dài từ bé đến lớn là cả quá trình dài, không đơn giản đâu. Kinh phí nhiều nên điều đó là rất khó với gia đình tôi”, chị Nghĩa tâm sự.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long cho rằng Đức Vĩnh là một tài năng vượt trội. “Đã lâu lắm rồi chúng ta mới phát hiện được một tài năng như thế. Trong dân gian vẫn còn có những tài năng như vậy nhưng mình không biết, nhờ chương trình truyền hình mà biết được là rất quý”, ông nói. Nhưng cũng chính vì thế, nhà nghiên cứu âm nhạc từng gắn bó với âm nhạc truyền thống trong suốt hàng chục năm này lo lắng: “Chỉ là thích hay có năng khiếu, những yếu tố như thế rất khó đảm bảo để cá nhân nào đó gắn bó với nghệ thuật truyền thống. Bởi để theo đuổi con đường này rất khó khăn. Nhà nước nên có quỹ hay chính sách nào đó hỗ trợ cho các nhà hát nghệ thuật truyền thống bồi dưỡng cho các tài năng như Vĩnh. Chúng ta có những hạt nhân sáng như vậy rồi để bỏ ngỏ. Và sau đó, vì cuộc sống cơm áo gạo tiền, mà nhiều tài năng như thế lại trở thành nghệ sĩ hài tạp kỹ, hay một thể loại khác không phải sở trường và đam mê của họ thì thật đáng tiếc”, ông Long bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.