‘Bão’ châu chấu ở miền núi Thanh Hóa

10/06/2021 17:34 GMT+7

Hiện ở các huyện miền núi Quan Sơn, Mường Lát (Thanh Hóa), nhiều diện tích cây lâm nghiệp đang bị nạn châu chấu đang hoành hành. Nếu loài côn trùng này tấn công sang cây nông nghiệp sẽ gây thiệt hại lớn cho người dân.

Thời điểm hiện tại, châu chấu tre lưng vàng đang hoành hành trên nhiều cánh rừng ở các huyện miền núi Thanh Hóa. Loài côn trùng này di chuyển đến đâu thì ăn trụi lá nhiều loài cây đến đó. Các loài cây thường bị châu chấu tấn công là tre, luồng, nứa, lách, bương...
Theo ghi nhận của phóng viên, trên nhiều cánh rừng ở xã Na Mèo của huyện biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa), châu chấu tre lưng vàng bu kín từ giữa thân cây lên đến ngọn để ăn lá.
Nhiều khu vực rừng luồng đang xanh mướt, sau một vài ngày bị châu chấu tre lưng vàng tấn công trở nên trơ trụi, không còn chiếc lá nào. Cả khu vực rừng như bị chết khô.

Một bụi luồng bị châu chấu tre lưng vàng ăn không sót 1 lá

ẢNH MINH HẢI

Ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng phòng NN-PTNT H.Quan Sơn, cho biết tại huyện này, châu chấu tre lưng vàng đang tấn công cây lâm nghiệp trên địa bàn các xã Na Mèo, Tam Thanh, Sơn Điện, với diện tích khoảng 10 ha.
Cũng theo ông Sinh, khi phát hiện loài côn trùng này tấn công làm ảnh hưởng đến cây trồng, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân thực hiện việc phun hóa chất, hoặc bắt thủ công bằng vợt… để diệt trừ. Tuy nhiên, không thể diệt trừ triệt để, vì châu chấu tre lưng vàng liên tục di chuyển từ vùng này qua vùng khác.

Các địa phương lo ngại một khi châu chấu tre lưng vàng tấn công cây lương thực sẽ gây thiệt hại lớn

ẢNH MINH HẢI

Tại xã Mường Chanh (H.Mường Lát, Thanh Hóa), riêng trong năm 2020 trên địa bàn xã này đã có gần 250 ha cây lâm nghiệp (luồng, nứa, bương) và hàng chục héc ta cây nông nghiệp (lúa, ngô) bị châu chấu tre lưng vàng tấn công.
Từ đầu năm 2021 đến nay, châu chấu tre lưng vàng tiếp tục xuất hiện trên địa bàn các xã Mường Lý, Tam Chung (H.Mường Lát).
Ông Nguyễn Văn Biện, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp H.Mường Lát, cho biết châu chấu tre lưng vàng xuất hiện đầu tiên trên địa bàn H.Mường Lát vào năm 2018, di chuyển từ Lào và từ tỉnh Sơn La đến H.Mường Lát.
“Năm 2018 – 2019, có những đợt châu chấu tre lưng vàng bay đến, nhìn kín cả khoảng trời, như kiểu mây đen kéo đến ấy. Chúng tôi nhận định khi đó chúng bày từ nước Lào, và từ tỉnh Sơn La đến. Đến năm 2020, chúng tôi phát hiện chúng làm tổ, đẻ trứng ở khu vực rừng thuộc xã Mường Chanh. Từ đầu năm 2021 đến nay, loài châu chấu này xuất hiện nhiều ở xã Mường Lý và Tam Chung, nhưng chưa phát hiện chúng đẻ trứng ở đâu”, ông Biện nói.

Những trảng rừng luồng ở xã Na Mèo (H.Quan Sơn, Thanh Hóa) bị châu chấu tre lưng vàng ăn trơ trụi lá, nhìn như cây bị chết khô

ẢNH MINH HẢI

Cũng theo ông Biện, châu chấu tre lưng vàng chủ yếu ăn lá của cây luồng, nứa, lách, bương… chưa tấn công nhiều đến cây lương thực.
“Đối với cây lâm nghiệp như luồng, nứa, lách, bương khi bị ăn hết lá thì cây không chết, chỉ sinh trưởng chậm thôi. Còn nếu cây lúa, ngô, sắn… mà bị ăn hết lá thì sẽ không có thu hoạch. Nên chúng tôi lo ngại, nếu châu chấu tre lưng vàng mà tấn công cây lương thực thì sẽ rất nguy hại”, ông Biện cho hay.
Cũng theo ông Biện, "bão” châu chấu tre lưng vàng mới tác động đến cây lâm nghiệp, nhưng một khi loài côn trùng này tấn công cây lương thực thì sẽ gây hậu quả lớn. Đặc biệt, hiện nay đã phát hiện châu chấu làm tổ và đẻ trứng địa bàn H.Mường Lát, trong khi loài này di chuyển liên tục trên địa hình phức tạp, nên khó để diệt trừ tận gốc.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.