Ngày 20.6, nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2023), Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ TT-TT, Hội Nhà Báo Việt Nam phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 6.2023.
Khơi dậy khát vọng của người dân, doanh nghiệp
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, trải qua 98 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, báo chí cách mạng Việt Nam đã luôn đồng hành và đóng góp quan trọng trong chặng đường đấu tranh, bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng như thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và nhân dân.
Báo chí cũng phản ánh kịp thời diễn biến mọi mặt của đời sống xã hội; đưa đến những tin tức mang hơi thở, nhịp đập của cuộc sống; khơi nguồn cảm hứng đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển đất nước; tuyên truyền, đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thông tin xấu độc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phê phán, đấu tranh với cái xấu, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực.
Các nhà báo đã chủ động thâm nhập thực tế, kịp thời đưa tin về những sự kiện nóng, các vấn đề dư luận xã hội quan tâm như: công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phòng chống dịch bệnh…
"Việc lấy ý kiến nhân dân đối với luật Đất đai là minh chứng rất rõ về sự hiệu quả của các cơ quan truyền thông trong xây dựng chính sách, tạo được sự đồng thuận của dư luận xã hội cũng như phát huy tối đa trí tuệ của các tầng lớp nhân dân", Phó thủ tướng dẫn chứng, đồng thời thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trân trọng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới tất cả các nhà báo, giới báo chí cả nước đã chủ động, tích cực, nỗ lực, đồng hành cùng Chính phủ.
Theo Phó thủ tướng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, báo chí cách mạng Việt Nam phải tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ khát vọng, tinh thần vượt khó, ý chí vươn lên của mỗi người dân, doanh nghiệp, cổ vũ động viên tinh thần đổi mới; tiếp thêm năng lượng tích cực để cả hệ thống chính trị, cùng toàn dân vượt qua những khó khăn thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, các cơ quan báo chí không thể đứng ngoài xu thế chuyển đổi số, hướng tới phương thức sản xuất, cung cấp thông tin đa phương tiện, đa nền tảng, đa thiết bị, đa dạng hóa thị trường và đa dạng hóa nguồn thu. Người làm báo cần thay đổi tư duy và cách làm, tận dụng các nền tảng số, nền tảng truyền thông xã hội để báo chí chính thống thực sự là chủ lưu trong dòng chảy thông tin.
Đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, né tránh
Cũng tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, hiện đã bước sang nửa cuối nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, đây là thời điểm toàn Đảng, toàn dân nỗ lực hết sức để thực hiện thật tốt, thật hiệu quả các mục tiêu mà Đại hội XIII đề ra.
Báo chí cách mạng Việt Nam, với vai trò và sứ mệnh nghề nghiệp cao cả, với bề dày truyền thống vẻ vang gần 100 năm xây dựng và phát triển, cần tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam ở 2 dấu mốc quan trọng: 100 năm thành lập Đảng - năm 2030 và 100 năm thành lập nước - năm 2045.
Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục giữ vững và phát huy vai trò tiên phong, mở đường, chủ lực trong công tác thông tin tuyên truyền; thể hiện rõ nét là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước trong bất kỳ giai đoạn nào của đất nước.
Cùng đó là chú trọng tuyên truyền lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; chủ động đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; làm tốt hơn nữa, chủ động hơn nữa, không ngừng nghiên cứu, đổi mới tư duy, cách thức quản lý thông tin đối ngoại trên báo chí.
Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư lưu ý thêm, báo chí cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, chú trọng khai thác, nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức.
Hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, mỗi nhà báo, mỗi người làm báo và cơ quan báo chí cần quán triệt tinh thần báo chí cách mạng, đầu tư nguồn lực xây dựng đội ngũ người làm báo và cơ quan báo chí vững về bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, tinh thông nghiệp vụ, làm chủ công nghệ làm báo hiện đại.
Theo Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Trần Thanh Lâm, năm 2025 đánh dấu mốc kỷ niệm 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam, là sự kiện chính trị, nghề nghiệp đặc biệt của báo chí và những người làm báo.
Với ý nghĩa đó, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp Bộ TT-TT, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, nhằm góp phần tuyên truyền sâu rộng về truyền thống vẻ vang và những đóng góp to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam; tôn vinh, biểu dương những người làm báo có nhiều thành tích, đóng góp.
Các nội dung triển khai hướng đến kỷ niệm gồm: tổng kết Chỉ thị 30 ngày 25.12.2013 của Bộ Chính trị về phát triển và tăng cường quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên internet, do Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì; sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 23 ngày 22.11.2017 của Ban Bí thư T.Ư Đảng khóa XII về tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, do Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì.
Ngoài ra còn có tổng kết, sửa đổi, bổ sung luật Báo chí 2016 do Bộ TT-TT chủ trì; tổng kết công tác quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 theo Quyết định số 362 của Thủ tướng Chính phủ…
Bình luận (0)