Báo chí cần nắm chắc quyền chủ động thông tin

Lê Hiệp
Lê Hiệp
29/12/2018 08:59 GMT+7

Phát biểu tại Hội nghị báo chí toàn quốc ngày 28.12, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng khẳng định, nếu thực hiện nhất quán phương châm chủ động, nhạy bén, các cơ quan nắm thông tin làm tốt trách nhiệm cung cấp thông tin, chúng ta sẽ lấy lại niềm tin của công chúng đối với báo chí.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, trong năm 2018, Ban cùng cơ quan liên quan đã quán triệt và quyết tâm thực hiện phương châm chủ động, nhạy bén, kịp thời, hiệu quả trong việc định hướng chính trị tư tưởng nội dung thông tin cũng như trong thông tin báo chí. Các sự kiện, vấn đề, tình huống nhạy cảm, phức tạp, hầu hết đều được dự báo, phát hiện sớm và được phân tích, xử lý, định hướng, thông tin kịp thời. “Trong bối cảnh mạng xã hội (MXH) đang ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội, kết quả tích cực đó là bài học, cần được phát huy, thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới”, ông Thưởng nêu, đồng thời cũng đặt câu hỏi: "Phải chăng, trong mọi trường hợp, báo chí đều đi sau MXH?".
Ông Thưởng cho rằng, đã có nhiều bài học đắt giá khi có nhiều trường hợp, chúng ta nắm trước thông tin, kênh thông tin của chúng ta cũng rất đa dạng, hoàn toàn có thể chủ động thông tin, nhưng sự chậm trễ của chúng ta đã “trao tặng” lợi thế cho MXH dẫn đến một số MXH thù địch trộn vào đó những tin giả, xuyên tạc gây tác động tiêu cực đến xã hội. “Thách thức từ MXH là rất lớn. Nhưng thách thức lớn hơn chính là tư tưởng, tâm thế thất bại, thua cuộc của những người làm báo và hành động chưa kiên quyết, chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ, thiếu hiệu quả của các cơ chế phối hợp cũng như các cơ chế quản lý nhà nước về thông tin”, ông Thưởng khẳng định và nói thêm, trong khi chúng ta đang say sưa với MXH thì trên thế giới, người ta đã nói tới sự khai tử đối với MXH và sự quay trở lại của niềm tin với báo in.
Từ đó, ông Thưởng cho rằng, nếu báo chí thực hiện nhất quán phương châm chủ động, nhạy bén, các cơ quan nắm thông tin làm tốt trách nhiệm kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí; sự phối hợp giữa các ngành, địa phương với các cơ quan chỉ đạo, quản lý kịp thời, thống nhất hơn, chúng ta sẽ nắm chắc được quyền chủ động thông tin. “Làm được điều đó, chúng ta sẽ lấy lại niềm tin của công chúng đối với báo chí. Làm được điều đó, báo chí cách mạng mới thực sự là lực lượng dẫn dắt, định hướng dư luận”, ông Thưởng nhấn mạnh.

Chấm dứt tình trạng “báo hóa” tạp chí

Theo báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2018 được công bố tại hội nghị, hiện cả nước có 844 cơ quan báo chí in với 184 báo in, 660 tạp chí in và 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập. Cả nước có 67 đài phát thanh - truyền hình T.Ư và địa phương, 5 đơn vị hoạt động truyền hình với tổng số kênh phát thanh - truyền hình là 278 kênh. Tổng doanh thu phát sinh trong lĩnh vực báo chí đạt hơn 15.840 tỉ đồng, trong đó các cơ quan báo chí in, điện tử là 4.900 tỉ đồng; các đài phát thanh - truyền hình là hơn 10.940 tỉ đồng, trong đó từ quảng cáo là 9.631 tỉ đồng. Tính đến tháng 11.2018, cả nước có 19.000 nhà báo được cấp thẻ nhà báo; 23.893 hội viên Hội Nhà báo.
Về công tác quản lý báo chí, ông Thưởng khẳng định, năm qua, cơ quan quản lý đã có nỗ lực, cố gắng, triển khai nhiệm vụ, đạt được các kết quả quan trọng, trong đó có việc Bộ Thông tin - Truyền thông công bố "đường dây nóng" tiếp nhận thông tin phản ánh các biểu hiện bất thường trong tác nghiệp của phóng viên; phối hợp với Hội Nhà báo VN, Ban Tuyên giáo T.Ư ứng dụng ở mức độ cao hơn giải pháp kỹ thuật kiểm soát việc gỡ tin, bài, đưa lại kết quả rõ nét. Tuy nhiên, ông Thưởng cũng nhấn mạnh, mặc dù tình trạng gỡ bài đã giảm 80 - 90% nhưng lại xuất hiện tiêu cực mới theo kiểu “trên có chính sách, dưới có đối sách”, bài không gỡ, tiêu đề vẫn còn nguyên nhưng nội dung lại thay đổi hẳn, do đó cần phải kiểm soát ở mức độ cao hơn.
Đề cập tới nhiệm vụ quản lý trong năm 2019, ông Thưởng đề nghị phải đẩy nhanh việc việc ban hành và triển khai thực hiện quy hoạch báo chí; tiếp tục rà soát, chấn chỉnh tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích; phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm khắc các sai phạm trong hoạt động báo chí; chấn chỉnh những sơ hở trong tổ chức, quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, sử dụng cộng tác viên. “Đối với công việc này, phải có những biện pháp quyết liệt, hiệu lực hơn nữa, tránh chung chung, trong đó, cần nêu cao trách nhiệm của chủ quản và người đứng đầu cơ quan báo chí”, ông Thưởng nói, đồng thời nhấn mạnh: phải có biện pháp để chặn đứng, xử lý thật nghiêm khắc tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử, nếu quy định của nhà nước chưa có thì xử lý bằng nguyên tắc Đảng chứ không để chậm trễ hơn nữa.

Xây dựng chính sách về kinh tế báo chí khoa học, khả thi

Về vấn đề kinh tế báo chí, ông Thưởng cho rằng, trong năm qua, công việc này chưa có nhiều tiến triển. Trong khi MXH, nhất là các tập đoàn công nghệ thông tin - truyền thông đang ngày càng xâm lấn, nắm giữ thị trường khiến nhiều cơ quan báo chí khó khăn. Lẽ ra phải trăn trở, tìm lời giải nghiêm túc, khoa học cho bài toán kinh tế, thì trong thực tế, không ít cơ quan báo chí lại coi câu view với việc triệt để khai thác, tăng tần suất các thông tin tầm phào, vô bổ, rẻ tiền như một giải pháp kinh tế, cùng với những hành vi tiêu cực khác như hù dọa, tống tiền, gây sức ép để doanh nghiệp “hỗ trợ, hợp tác truyền thông”.
“Tư duy, cách làm đó không những không thể giải quyết căn cơ vấn đề kinh tế báo chí, mà còn trái tôn chỉ, mục đích, ảnh hưởng tiêu cực tới nội dung, uy tín, sứ mệnh thiêng liêng của báo chí cách mạng; là nguyên nhân cơ bản tiếp diễn tình trạng giật gân, đưa ra các sản phẩm báo chí dưới tầm văn hóa trong nhiều năm qua”, ông Thưởng nói, và nhấn mạnh, báo chí là sản phẩm văn hóa, đồng thời cũng là sản phẩm chính trị. Doanh thu từ độc giả không thể bằng bất kỳ nội dung nào, mà phải bằng các nội dung có chất lượng văn hóa theo nghĩa đầy đủ nhất. Từ đó, ông Thưởng cho rằng, cơ quan quản lý phải xác định việc chủ động đề xuất, chủ động xây dựng cơ chế, chính sách về kinh tế báo chí một cách khoa học, khả thi, phù hợp với xu hướng phát triển truyền thông hiện đại là một nhiệm vụ trọng tâm nhằm tháo gỡ, giải quyết căn bản bài toán kinh tế báo chí vốn đã đặt ra hàng chục năm qua.
Công tác thông tin đối ngoại năm 2018 đạt những kết quả tích cực
Sáng 28.12, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo và phân giới, cắm mốc, quản lý biên giới năm 2018; triển khai nhiệm vụ năm 2019, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng đánh giá năm 2018, công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo và phân giới cắm mốc, quản lý biên giới trên đất liền đã đạt được những kết quả rất tích cực. Từ nhận thức đến hành động trong triển khai công tác thông tin đối ngoại có sự chuyển biến tích cực, công tác quảng bá hình ảnh đất nước, con người, những nét văn hóa tiêu biểu, tiềm năng, thế mạnh của các địa phương mang lại hiệu quả rõ rệt.
Tuy nhiên, ông Thưởng chỉ rõ những điểm còn hạn chế trong thông tin đối ngoại năm qua, trong đó nhấn mạnh đến nhận thức của một bộ phận cấp ủy, cán bộ quản lý chưa đầy đủ, chưa xác định việc triển khai các nội dung công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo và phân giới, cắm mốc, quản lý biên giới trên đất liền tương xứng với tầm quan trọng vốn có, yêu cầu ngày càng cao trong tình hình mới... Công tác đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch phản động có lúc còn chậm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.