Báo chí đóng vai trò quan trọng trong xóa bỏ bạo lực ở phụ nữ, trẻ em

Thu Hằng
Thu Hằng
25/11/2021 16:29 GMT+7

Sáng nay 25.11, UNESCO và Viện Đào tạo Báo chí và truyền thông (SJC) thuộc Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức tọa đàm trực tuyến nhà báo với vấn đề bạo hành phụ nữ và trẻ em .

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó viện trưởng Viện đào tạo Báo chí và truyền thông (SJC), sự kiện được tổ chức nhân Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25.11), nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển của báo chí, truyền thông cũng như vấn đề bình đẳng giới trong báo chí và truyền thông.

Bà Huyền chia sẻ: “Báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, trong đó có vấn đề bạo hành phụ nữ và trẻ em. Viện Đào tạo Báo chí và truyền thông luôn đồng hành cùng các nhà báo và sinh viên ngành báo chí trong việc nhận diện và giải quyết vấn đề này thông qua các khóa học và hội thảo với các chuyên gia, các nhà báo hàng đầu Việt Nam".

Tọa đàm được tổ chức nhân Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái

T.H

Không chỉ cập nhật về hiện trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam, tọa đàm tập trung nhận diện vấn đề bạo hành phụ nữ và trẻ em, đưa ra phương thức tiếp cận và thảo luận về vấn đề này trên báo chí và trong tác nghiệp của nhà báo. Từ đó, gợi mở cho các nhà báo phương thức tác nghiệp và sự cân nhắc về đạo đức khi tác nghiệp về chủ đề này tại Việt Nam.

Có tới 90% phụ nữ bị bạo hành giữ kín không nói với ai

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), cho hay tại Việt Nam, bạo hành phụ nữ và trẻ em là vấn đề xã hội không mới, số nạn nhân bị bạo hành không ngừng gia tăng.

Theo các báo cáo nghiên cứu gần đây, có tới 63% phụ nữ Việt Nam từng chịu ít nhất 1 lần bạo lực giới từ chính chồng hoặc người tình của họ. Đáng chú ý, có tới 90% trong số họ không nói với ai. Đây là vấn đề nóng cần được xã hội quan tâm và báo chí cần đóng vai trò tiên phong.

Tuy nhiên, theo bà Vân Anh, khi đưa thông tin về nạn nhân bị bạo lực, xâm hại, ngoài sự đồng cảm, nhà báo cần phải có kiến thức về bình đẳng giới, bạo lực giới…để đảm bảo an toàn cho nhân vật.

Bà Lucila Carrasco, Đại diện UNESCO tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Tọa đàm trực tuyến này là cơ hội tuyệt vời để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong truyền thông và báo chí, đồng thời là một cách tiếp cận nhằm giảm thiểu bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Mọi hình thức truyền thông và báo chí đều có vai trò quan trọng vì đều có sức mạnh thay đổi hành vi và định hướng tư duy của mọi người".

Trong khuôn khổ tọa đàm, UNESCO cũng đã giới thiệu phiên bản tiếng Việt tài liệu “Đưa tin về vấn đề Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái - Cẩm nang dành cho Nhà báo” xuất bản năm 2019 tới các phóng viên, sinh viên báo chí, các chuyên gia, giảng viên và nhà quản lý báo chí, truyền thông.

Đây là nguồn tài liệu hữu ích dành cho các nhà báo, sinh viên báo chí, giảng viên, chuyên gia báo chí và truyền thông trên toàn thế giới. Tài liệu này là một công cụ giàu thông tin, có thể hỗ trợ thiết thực cho các nhà báo khi đưa tin về vấn đề bạo lực giới.

Ngoài việc dễ sử dụng, cuốn cẩm nang có cấu trúc phù hợp cho các phóng viên làm việc tại các phòng tin có cường độ làm việc cao và sức ép thời gian lớn. Cuốn cẩm nang gồm 2 chương, cung cấp thông tin chi tiết về 10 chủ đề cụ thể liên quan tới vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, đồng thời đưa ra các khuyến nghị về đạo đức nghề báo trong việc đưa tin về bạo lực giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.