Báo chí, Facebook và trách nhiệm công dân

14/06/2017 14:04 GMT+7

Nếu chúng ta không chủ động thông tin, những đồn thổi sẽ lan truyền trên mạng xã hội cả ngày, cả tuần, đến khi có thông tin chính thức cả nước đã bị ảnh hưởng bởi thông tin sai lệch (nếu có) trên mạng.

Hôm 10.6, khi chia sẻ với sinh viên- những phóng viên trẻ tương lai của làng báo tại Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn đặt vấn đề: "Ngày xưa, học hành không được nhiều nhưng lại có nhiều cây bút giỏi. Phải chăng xưa những người làm báo gắn rất chặt với thực tiễn đời sống, không có làm báo bàn phím, không có làm báo trong phòng lạnh? Họ hoạt động trong thực tiễn, sáng tạo tác phẩm báo chí từ thực tiễn và đem lại giá trị thực tiễn bằng tác phẩm của mình". 
Cũng tại buổi gặp gỡ, ông Trương Minh Tuấn cũng tỏ ra băn khoăn: "Bây giờ, rất nhiều nhà báo lũ lụt không phải xuống, chỉ ngồi ở nhà nhờ chụp ảnh rồi cũng thành một bài báo, đó là điều thiếu và xa rời thực tiễn".
Nói cho đúng, cũng không phải trong thời đại này, kiểu làm báo thiếu thực tiễn, ngồi nhà moi thông tin rồi viết "tường thuật" mới xuất hiện.
Cánh sinh viên ngành Văn, khoá 18 (1973-1977), Khoa ngữ văn (trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) chúng tôi không thể nào quên được thời khắc lịch sử của giai đoạn đất nước đang Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975. Ngày Huế được giải phóng 25.3, chúng tôi đang học năm thứ 2. Tôi là dạng sinh viên trẻ nhất lớp vì từ trường phổ thông lên. Lớp tôi có đến trên hai chục sinh viên là bộ đội, thương binh xuất ngũ về học dù đất nước vẫn chưa im tiếng súng. Các anh trở về học nhưng chân, tay, mắt... đâu còn lành lặn bởi đã gửi lại nơi chiến trường ác liệt. Nhiều bạn gái lớp tôi thầm yêu trộm nhớ các anh bởi sự mất mát thiêng liêng đó. Ngay từ lúc học, thơ văn của các anh sáng tác đã được gửi đăng ở nhiều tờ báo. Chúng tôi nể phục các anh ghê gớm cũng là vậy.
Nhưng cái lần nhà thơ L. lớp tôi viết bài bút ký về ngày Huế được giải phóng, rồi được đăng trên báo (chỉ sau ngày giải phóng độ 3-4 hôm gì đó) thì "thần tượng" là anh ngày nào đã khiến tôi hoài nghi. Tại sao anh ngồi học với mình tại ký túc xá Mễ Trì, Hà Nội và có bỏ một buổi học nào đâu mà lại viết được cái bút ký hừng hực tính thời sự ở vùng chiến sự Huế sau giải phóng hay đến vậy?
Nếu ai đã đọc bài bút ký đó thì thấy không khí thành Huế sau ngày giải phóng cũng "hừng hực" thật. Cũng có đầy đủ các nhân vật đời thường phát biểu, từ anh chiến sĩ giải phóng đến ông đạp xích lô, ông xe ôm, chị bán bún bò và bà bán bánh nậm trong bài. Nghe mà cứ như thực bởi chỉ toàn cảm xúc chứ đâu có gì khác…
Bây giờ, người ta vẫn có thể làm như thế nhưng chắc chắn toà soạn sẽ không chấp nhận. Bởi thông tin bây giờ cập nhật đến độ kinh khủng. Chỉ một hiện tượng xảy ra ở đâu đó trên mảnh đất Việt Nam thì chỉ vài chục giây sau, cộng đồng mạng đã chia sẻ búa xua.
Ngày ấy, báo nếu có muốn nhờ ai viết cũng sẽ mất cả ngày tìm cách điện đóm cho ai đấy. Khi xong thì lại đánh điện tín bài viết về toà soạn. Dù có ưu tiên nào đó, chắc củng phải 3-4 ngày mới đến tay người biên tập vì công nghệ ngày đó chỉ có vậy.
Còn hôm nay, trong bối cảnh báo chí truyền thông số, Việt Nam chúng ta giờ đã có hơn 18.000 nhà báo được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp thẻ. Dân số Việt Nam 92 triệu người thì có tới 48 triệu người dùng Facebook, mạng xã hội. Vậy có thể coi 48 triệu người đó cũng chính là những người làm báo nghiệp dư. Mỗi tài khoản Facebook cá nhân đều là một "tòa soạn" và mỗi người dùng Facebook đều có thể trở thành một nhà báo công dân, tự do bình luận trên chính tờ báo của mình.
Báo chí chính thống làm thế nào để định hướng đúng khi đất nước có tới 48 triệu người có gì đăng nấy, và tất nhiên sẽ có khi sai, khi đúng. Sai thì đã mấy ai chịu phạt, chịu trách nhiệm? Còn báo chí chính thống chỉ được phép đưa đúng. Thậm chí đúng đấy nhưng không phải đã cho đăng lên cả vì còn cân nhắc có lợi hay không.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn không phải không lo lắng khi ông nêu rằng: "Báo chí trong thời đại mới gắn chặt với truyền thông số, nhất là trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Nếu chúng ta không tiến kịp, chính báo chí sẽ đi sau mạng xã hội và nguy cơ tụt hậu với mạng xã hội là một nguy cơ hiện hữu...".
Tôi cũng nghĩ vậy và cho rằng, khó thì khó thật đấy nhưng báo chính thống cần được chủ động thông tin, tránh hết sức đặt mình ở thế bị động một cách không đáng có, ví như một vụ rơi máy bay hay nổ kho đạn, một yếu nhân qua đời, nhất là những trường hợp đột ngột, dễ đồn đại linh tinh... Nếu chúng ta không chủ động thông tin, những đồn thổi sẽ lan truyền trên mạng xã hội cả ngày, cả tuần, đến khi có thông tin chính thức cả nước đã bị ảnh hưởng bởi thông tin sai lệch (nếu có) trên mạng.
Phải thừa nhận mạng xã hội rất hữu hiệu cho báo chí. Đó là kênh thông tin được cập nhật từng phút để các nhà báo tham khảo, đi sâu tìm hiểu, khai thác để củng cố cho bài viết. Trong xã hội ngày nay , cần xem những thông tin muôn mặt, đa chiều trên mạng xã hội là chuyện bình thường. 
Thay cho lời kết của bài viết về mối quan hệ giữa báo chí với Facebook trong thời kỳ bùng nổ thông tin hôm nay, tôi muốn đưa lại phát biểu của một nữ doanh nhân luôn quan tâm đến hoạt động cộng đồng và đã góp sức mình cho nó. Chị là Đỗ Thuỳ Dương, ĐB HĐND TP Hà Nội, Tổng giám đốc Công ty Hội tụ nhân tài, phó Chủ tịch Hội nữ Doanh nhân Hà Nội chia sẻ với cộng đồng mạng: "Thay vì ngồi gõ phím bình luận chuyện thế giới như đang làm thì chúng ta có thể xắn tay áo rủ hàng xóm cùng dọn con ngõ nhỏ. Xa hơn nữa là chúng ta có thể chủ động phản biện, đóng góp ý kiến, cùng làm hoặc giám sát triển khai nhằm giúp tổ dân phố, chính quyền thôn, xóm, xã, phường, quận mình đang sống có được những sáng kiến thay đổi chất lượng đời sống"...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.