Trước thông báo của nhà phân phối phim Alliance Flims (Canada) rằng phóng viên Canada phải trả tiền để phỏng vấn ngôi sao tại Liên hoan phim Cannes, giới truyền thông phản ứng dữ dội.
Trước ngày diễn ra Liên hoan phim Cannes, Hãng Alliance “chào hàng” mức giá để phóng viên truyền hình muốn phỏng vấn Brad Pitt - hiện đang ở Cannes để quảng bá cho phim Killing Me Soflty (tạm dịch: Giết chóc nhẹ nhàng) - là 3.190 USD, còn phóng viên báo in muốn phỏng vấn ngôi sao của Chạng vạng Kristen Stewart thì phải nộp phí hơn 1.000 USD.
Tạp chí Der Spiegel (Đức) cho biết phóng viên Đức nếu muốn phỏng vấn các diễn viên Nicole Kidman và Mattew McConaughey cũng phải trả một số tiền không được tiết lộ. Tạp chí này nhận định hành động của Hãng Alliance là lần đầu tiên trong lịch sử của Liên hoan phim Cannes.
Trả lời truyền thông Canada, Hãng Alliance Film nói họ không phải bán suất phỏng vấn, mà chỉ quyết định không tiếp tục đóng góp vào chi phí quảng bá tại Cannes. Theo Alliance, tổ chức họp báo về phim ở Liên hoan phim Cannes thường do nhà sản xuất thực hiện, đơn vị phân phối bị tính phí khi đưa phóng viên của nước mình vào để tiếp cận với các sao. Trong trường hợp này, công ty muốn “đá” khoản phí lại cho cánh phóng viên.
Báo Globe & Mail (Canada) khẳng định báo sẽ không trả tiền để phỏng vấn ngôi sao. Nhiều tờ báo Canada khác như Toronto Star, National Post và Maclean’s đã khẳng định không chi tiền để phỏng vấn diễn viên tại Liên hoan phim Cannes.
Một bài bình luận đăng trên Film Industry Network cho rằng: với các phóng viên báo in, họ chỉ cần nhấc điện thoại và liên lạc với người chịu trách nhiệm quảng bá cho bộ phim sẽ có ngay thông tin và hình ảnh. Việc để ngôi sao xuất hiện và phát biểu nhiều về bộ phim có họ tham gia sẽ tạo sự thu hút cho bộ phim. Còn khi hãng tính đến chuyện phải trả tiền để tiếp cận ngôi sao thì hành động này coi như họ đã tự dựng lên bức tường lửa và điền tên mình vào danh sách đen. Bài này kết luận: không phóng viên nào sẽ chịu bỏ tiền để được phỏng vấn, hành động này như cú tát vào báo chí tự do.
Nhà phê bình phim của trang Maclean’s (Canada) Brian D.Johnson, cũng là chủ tịch hội phê bình phim ở Toronto quy tụ hơn 40 nhà báo về điện ảnh, nói rằng mặc dù phóng viên không thể phủ nhận vai trò của họ trong bộ máy quảng bá phim, thì ý tưởng buộc báo chí phải gánh chi phí quảng bá phim là điều quá đáng. Ông gọi hành động trả tiền để đặt lịch phỏng vấn này là điều “hết sức kì lạ” khi chính nhiều người nổi tiếng cũng phản đối việc trả tiền để đổi lấy câu chuyện về đời tư.
Còn theo báo Variety (Mỹ), việc “đá” chi phí sang cho báo giới sẽ “mở ra một loạt vấn đề đạo đức khó xử”. Vì khi đó phóng viên sẽ phải tìm nhà tài trợ để chi trả các khoản phí này, đổi lại việc doanh nghiệp sẽ được quảng bá trong các bản tin đăng tải.
Trong một phiên trao đổi tại Liên hoan phim Venice năm 2009, đạo diễn Michael Moore đã giật mình khi phóng viên Nils Gjerstad (Na Uy) tiết lộ đã phải chi 3.000 USD để được phỏng vấn trực tiếp ông. “Tôi mà phát hiện một nhà phân phối nào đòi tiền phóng viên thì họ sẽ không bao giờ được phân phối phim của tôi nữa” - ông Moore giận dữ nói.
Theo Tấn Khoa/Tuổi Trẻ
Bình luận (0)