Báo chí, quan chức và người nổi tiếng - Kỳ 5: Ai bảo vệ các nhà báo?

17/12/2014 10:26 GMT+7

(TNO) Ở Việt Nam quyền tự do báo chí được Hiến pháp bảo đảm. Luật Báo chí cũng đưa ra những nguyên tắc của tự do báo chí và các quy định bảo đảm cho quyền tự do đó.

(TNO) Ở Việt Nam quyền tự do báo chí được Hiến pháp bảo đảm. Luật Báo chí cũng đưa ra những nguyên tắc của tự do báo chí và các quy định bảo đảm cho quyền tự do đó.

Một quầy báo tại Hà Nội - Ảnh: Ngọc Thắng
 Nhưng tự do báo chí là một khái niệm co giãn. Mỗi quốc gia có cách diễn giải khác nhau tùy thuộc vào những quy định của luật pháp, mỗi người cũng có cách diễn giải khác nhau tùy thuộc vào xu hướng và cách nhìn.
Nghề báo là một trong những nghề rủi ro cao, nhiều khi nguy hiểm, nhưng rủi ro nguy hiểm của nghề báo không bằng nhiều nghề khác, như thợ hầm lò, thợ lặn hay nhà thám hiểm. Vấn đề là sự nguy hiểm của những nghề này không khiến cho họ bất bình vì mối đe dọa là từ thiên nhiên hoặc các yếu tố khách quan gây ra, còn sự nguy hiểm của nghề báo lại gây bất bình vì mối đe dọa gây ra từ người khác. Người ta chấp nhận sự nghiệt ngã của thiên nhiên chứ không chấp nhận sự nghiệt ngã của đồng loại. Bảo vệ các nhà báo trước những mối đe dọa do người khác gây ra chính là bản chất của việc bảo đảm tự do báo chí. Người khác ở đây chủ yếu là những người có quyền lực, vì người bình thường không có nhiều khả năng đe dọa các nhà báo.
Bảo vệ các nhà báo trước những mối đe dọa do người khác gây ra chính là bản chất của việc bảo đảm tự do báo chí. Người khác ở đây chủ yếu là những người có quyền lực, vì người bình thường không có nhiều khả năng đe dọa các nhà báo.
 
Trên tinh thần đó mà Luật Báo chí hiện hành của nước ta quy định không được kiểm duyệt báo chí, không cho tổ chức, cá nhân nào hạn chế, cản trở hoạt động báo chí, không cho ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.
Luật cũng quy định báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của viện trưởng Viện KSND hoặc chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng… Tất nhiên, luật còn quy định những điều không được thông tin trên báo chí nhằm bảo đảm lợi ích của Nhà nước và công dân, đồng thời đưa ra những quy định nhằm chế tài báo chí khi thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Tóm lại, Nhà nước bảo đảm tự do báo chí trong khuôn khổ sự tự do đó không xâm phạm đến lợi ích công cộng và tự do của người khác.
Sắp tới đây Quốc hội sẽ sửa đổi luật báo chí cho phù hợp với bản Hiến pháp mới và thực tiễn hoạt động báo chí trong thời gian qua.
Bức xúc trước những rủi ro của hoạt động báo chí đang gia tăng, nhiều người đề nghị luật sửa đổi nên có những biện pháp hữu hiệu bảo vệ các nhà báo. Nhiều người khác lại bức xúc trước việc đưa tin sai sự thật và tình trạng giật gân câu khách bát nháo của một số báo nên muốn “siết” lại.
Theo chúng tôi, luật pháp không xuất phát từ những bức xúc cảm tính. Và vấn đề không phải là thêm điều gì hay bớt điều gì trong luật, mà quan trọng nhất là bảo đảm nguyên tắc pháp trị trong việc xây dựng và thực thi pháp luật. Đó là nguyên tắc thượng tôn pháp luật, là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không có ngoại lệ. Nguyên tắc đó yêu cầu mọi người tuân theo luật chứ không tuân theo người.
Hàng chục người lao ra định hành hung PV Báo Pháp luật TP.HCM (người ngoài cùng) khi nhóm PV xuống đầm nhà ông Vươn hồi năm 2012 - Ảnh: P.H.S
Trong trường hợp của báo chí, nhà báo trước hết là một công dân, anh ta được hưởng các quyền tự do mà mọi công dân khác được hưởng và chịu trách nhiệm về những hành vi sai trái mà mọi công dân phải chịu theo quy định của pháp luật. Vì vậy, những quy định trong Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự và các luật khác cũng đủ áp dụng để điều chỉnh các hoạt động báo chí. Nhà báo cũng được pháp luật bảo vệ như những công dân khác. Luật báo chí chỉ nên quy định những vấn đề đặc thù trong hoạt động báo chí, tuy nhiên những quy định đặc thù này không tạo ra đặc quyền cũng như không gây bất lợi cho các nhà báo.
Nếu như đưa thêm các biện pháp bảo vệ các nhà báo vào luật, thì sẽ tạo ra đặc quyền cho nhà báo, đặc quyền này sẽ gây bất lợi tương đối cho các công dân khác. Ngược lại, nếu giới hạn không cho các nhà báo được làm một số việc mà pháp luật không cấm các công dân khác làm trong lĩnh vực ngôn luận, thì vô hình chung tạo ra sự bất bình đẳng giữa các công dân mà phần bất lợi tương đối nghiêng về các nhà báo. Tất nhiên các cơ quan báo chí và Hội Nhà báo cần có những quy ước, thậm chí là những quy định bắt buộc về đạo đức yêu cầu các nhà báo phải tuân thủ.
Trong thời đại Internet được phổ cập gần như trong toàn dân, ai cũng có thể đưa thông tin hoặc ý kiến lên mạng, chẳng hạn như trên Blog hoặc Facebook. Những công cụ này không thể nói là không hợp pháp. Nhà nước không thể quản lý cũng không thể buộc các công cụ này hoạt động trong khuôn khổ luật báo chí. Và những công cụ này hoàn toàn có thể biến thành nơi cung cấp thông tin y hệt như một báo điện tử và có thể tạo ra thu nhập từ quảng cáo. Vì họ không bị điều chỉnh bởi luật báo chí, họ chỉ cần thực hiện quyền tự do ngôn luận của người dân bình thường trong khuôn khổ pháp luật là đã có một lợi thế cạnh tranh hơn hẳn các cơ quan báo, nếu như họ muốn. Đó là thực tế không thể không tính đến khi sửa đổi Luật báo chí để bảo đảm sự bình đẳng trong tự do báo chí, tự do ngôn luận mà không hạn chế các quyền đó của người dân.
Đối tượng mà luật báo chí điều chỉnh là cơ quan báo chí, nhà báo, công dân và các cơ quan quản lý của nhà nước. Nguyên tắc pháp trị đòi hỏi các điều luật được ban hành sao cho cơ quan báo chí, nhà báo và công dân có thể dự liệu trước được các hành vi của mình có phạm luật hay không, còn các cơ quan quản lý cũng như công chức nhà nước có liên quan phải biết rõ giới hạn những gì mà luật cho phép mình làm và những rủi ro mà họ phải chịu trong hiện tại hoặc trong tương lai nếu vượt quá giới hạn đó. Vì vậy, luật không giao những quyền hạn không được xác định cho các cơ quan hướng dẫn thi hành để tránh nguy cơ ra đời những điều khoản của Nghị định, Thông tư hoặc Công văn mà người ta không thể dự liệu trước.
Không thể có tự do nếu coi thường luật pháp. Luật pháp nói chung và luật pháp về báo chí nói riêng có thể có khiếm khuyết, bất cập, nhưng nếu tuân thủ các nguyên tắc pháp trị trong việc ban hành và thực thi luật pháp thì vẫn bảo đảm được tự do cho công dân và cho các nhà báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.