Còn báo chí là còn sự sống
Thảm họa kép kể trên xảy ra ngày 11.3.2011 được xem là trận động đất lớn thứ tư thế giới kể từ năm 1900 (theo nghiên cứu địa chất của Mỹ) và lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản, với tổng số người thiệt mạng 10.511 người, mất tích 1.258 người (tính đến ngày 30.11.2014). Tuy nhiên truyền thông ở tỉnh Miyagi vẫn bám trụ để tường thuật và cung cấp thông tin đến độc giả Nhật lẫn thế giới.
|
Ông Takeda Shinichi, đại diện nhật báo Kahoku Shimpo - tờ báo ra đời sớm thứ 2 tại Nhật Bản, với măng-sét vẫn giữ nguyên sau 118 năm phục vụ độc giả sáu tỉnh đông bắc, cho biết: “Tờ báo còn hiện diện nghĩa là địa phương còn sự sống”.
Shinichi, nguyên Trưởng phòng Thời sự của tờ báo có 34 năm công tác tại đây là người trực tiếp chỉ đạo và có mặt tại hiện trường sau ba tiếng thảm họa xảy ra. Ông chia sáu người thành ba nhóm, mỗi nhóm gồm một phóng viên ảnh và phóng viên viết. Họ có mặt tại hiện trường sau nhiều giờ đi xe, và đến sáng hôm sau mới trở về tòa soạn gửi bài trực tiếp, đảm bảo thời gian phát hành báo, do thời gian đầu không có mạng internet để gửi bài từ hiện trường.
|
Trong giờ phút thiên tai đó, nguyên tắc hoạt động của tờ báo là: làm độc giả an tâm. Ngoài những tin tức cập nhật thu hút gần 450.000 người xem/ngày, tờ báo còn tìm kiếm những tin tức về sự an toàn, về những người còn sống sót.
Ông Takeda Shinichi cho biết tờ báo luôn đề cao tính nhân bản, ví dụ sau sự kiện 10 ngày, người ta tìm thấy một người già và một em bé còn sống sót, tờ báo lập tức đăng tin này ở trang nhất, tạo nên một niềm hy vọng mới cho người dân nơi đây.
|
Còn ông Kikuta Masahiro, đại diện đài truyền hình TBC, kể về những động thái sau khi nhận tin thảm họa ập đến. Chỉ năm phút sau trận động đất xảy ra, các chương trình của đài đều chuyển sang Thời sự đặc biệt. “60 giờ liên tục truyền hình trực tiếp, 256 giờ (từ 11-22.3.2011) không quảng cáo”, ông cho biết.
Nội dung chủ yếu của tin tức trong những ngày khó khăn của tỉnh là lời cảnh báo, kêu gọi tránh nạn; thông báo về tâm chấn; thông tin đóng cửa trường học, công sở; kêu gọi cứu trợ; xác nhận thông tin người an toàn…
Ông cũng chia sẻ thêm, trong giờ đầu sau động đất, đường dây liên lạc bị ngắt hoàn toàn cho đến tận chiều tối. Đài cũng nối thêm với một trụ điện, mặc dù công suất bằng 1/200 bình thường. Những nỗ lực của TBC cùng với thông tin, yêu cầu qua email từ khán giả (2.000 email trong 7 ngày) đã giúp đài hoàn thành phần nào nhiệm vụ truyền thông từ trung tâm thảm họa.
|
Địa phương hóa báo chí
Tòa soạn nhật báo Kahoku Shimpo từ trước năm 2011 đã trang bị 120 thiết bị giảm chấn dưới tòa nhà nên không bị lay chuyển trong trận động đất. Tuy vậy, bài học kinh nghiệm về nội dung tờ báo mà ông Takeda Shinichi nhận ra là địa phương hóa báo chí.
Cụ thể, tờ báo đã tổ chức buổi giao lưu giữa lãnh đạo tòa soạn cùng người dân để lắng nghe ý kiến, vào ngày 11 hàng tháng (ngày thảm họa xảy ra), từ đó có những tin bài phục vụ độc giả. Mọi tin bài đều đặt nhu cầu của người dân địa phương lên hàng đầu “làm người dân an tâm”. An tâm ở đây, theo ông không có nghĩa là lấp liếm sự thật mà là mở ra những hy vọng và điều tươi sáng. Một tờ báo không thể chỉ đăng toàn những tin giật gân, khai thác sâu những điều thiếu nhân bản.
Ở đài TBC, căn phòng phát thanh bị phá hoại sau trận động đất đã được xây lại với tên gọi Kizuna (nghĩa là đoàn kết). Bên trong căn phòng là một bản lời cảnh báo được soạn sẵn, chỉ cần có tín hiệu báo có động đất, phát thanh viên sẽ lập tức đọc lời cảnh báo này.
Lời kể của nhân chứng sống sót qua thảm hoạ kép năm 2011Lúc 14 giờ 46 ngày 11.3, tôi đang ở Ga Sendai, tỉnh Miyagi, trời đang có tuyết. Đoàn tàu tôi đi bỗng nhiên dừng lại, chúng tôi chẳng hiểu chuyện gì xảy ra và tìm mọi cách lên mặt đất. Khi thấy cảnh tượng kinh hoàng trên mặt đất, tôi nghẹn ngào không nói được gì. Tất cả toà nhà sụp đổ và mọi người hoảng hốt. Tôi đã cố gắng tìm kiếm thông tin về trận động đất này, nhưng mọi tín hiệu di động đều bị ngắt, khiến tôi không hiểu được tình cảnh của mình và sự an toàn của gia đình tôi. Tối hôm đó, tôi ở nơi tạm trú để sưởi ấm. Sáng hôm sau, tôi tìm mọi cách để về nhà (cách ga Sendai 1 tiếng đi xe lửa), cuối cùng tôi quyết định đi bộ. Sau năm tiếng, cảnh tượng trước mắt tôi là đường phố ngập trong nước (mặc dù ở rất xa biển) và những xác người bên cạnh những chiếc xe của họ. Thật kinh khủng! Đầu tôi như muốn nổ tung. Tôi “chèo” trên đường phố bằng một chiếc thuyền nhỏ để đến nhà mình. “Cái gì thế này?”, tôi tự hỏi khi trông thấy căn nhà tôi biến mất, một vài chiếc xe bị cuốn trôi và phát hoả. May mắn thay, tôi tìm được gia đình mình ở tại một trường trung học, và chúng tôi đã ở đấy trong ba tuần. Chúng tôi chỉ biết mình nên sống và phải sống!
Tomomi Onodera (25 tuổi) |
Bình luận (0)