Theo phóng viên Wang Yang của tờ Beijing Daily, trước Giải vô địch U.23 châu Á năm nay, ngay bản thân người hâm mộ của VN và Uzbekistan gần như không dám kỳ vọng đội bóng của họ vào đến trận chung kết. Nhưng cuối cùng, U.23 VN và U.23 Uzbekistan lại liên tiếp gây sốc khi hạ hàng loạt “ông lớn” của bóng đá châu Á để vào chơi trận cuối cùng của giải. Tuy nhiên, nếu xét trên thực tế, U.23 VN và U.23 Uzbekistan xứng đáng nhờ tiến bộ vượt bật trong công tác đào tạo trẻ và “đáng để bóng đá Trung Quốc học hỏi”.
|
Tờ Beijing Daily cho biết, trên thực tế, sau khi U.23 Trung Quốc bị loại sớm ở vòng bảng, người hâm mộ nước chủ nhà đặc biệt quan tâm giải đấu sau kỳ tích của U.23 VN và hành trình lịch sử của U.23 Uzbekistan (thắng U.23 Nhật Bản 4-0 ở tứ kết và hạ U.23 Hàn Quốc 4-1 tại bán kết). Theo phóng viên Wang Yang, để có được sự thành công như vậy là nhờ VN và Uzbekistan rất chú trọng xây dựng hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ trong những năm gần đây.
“Trong suốt chiều dài lịch sử bóng đá châu Á, tuyển quốc gia ở mọi cấp độ của VN được xem là thiếu thực lực. Ngay cả ở Đông Nam Á, tuyển VN cũng không tốt bằng Thái Lan. Tuy nhiên, khi LĐBĐ VN thông qua kế hoạch phát triển bóng đá đến năm 2030 vào năm 2013 và cùng với CLB Arsenal thành lập Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal, hệ thống đào tạo bóng đá trẻ của đất nước này dần dần khởi sắc mà điển hình là bóng đá VN đã xuất sắc góp Giải vô địch U.19 châu Á và VCK World Cup U.20 vào năm 2016”, phóng viên Wang Yang.
Tờ Beijing Daily nhấn mạnh: “Hiện nay VN đã thành lập được tổng cộng 6 hệ thống giải đấu thanh thiếu niên quốc gia gồm U.11, U.13, U.15, U.17, U.19 và U.21. Trong đó, theo số liệu thống kê từ LĐBĐ châu Á (AFC) vào năm 2014, mỗi năm VN có khoảng 80.000 người để tham gia các giải bóng đá trẻ các cấp”. Trong khi đó, bóng đá Uzbekistan cũng có nhiều chính sách đầu tư bóng đá trẻ khá ấn tượng. Tờ bào trên cho biết: “Không giống như VN, Uzbekistan từng là đội bóng đá hàng đầu của châu Á nhưng dần tụt lại so với Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Iraq và Úc. Tuy nhiên, năm 2006, Uzbekistan đề ra chính sách yêu cầu tất cả CLB tham gia liên minh đào tạo chuyên nghiệp về đào tạo bóng đá trẻ. Theo đó, ít nhất mỗi tỉnh, thành phố phải xây dựng một trường nội trú bóng đá có tiềm lực đảm bảo rằng cầu thủ có thể tiếp cận được một nền giáo dục tốt bóng đá. Hiện nay, Uzbekistan có 204 trường học thể thao và 47 trường dạy thể thao đặc biệt chuyên về giáo dục bóng đá, có 29 trường nội trú và 5 học viện bóng đá để đào tạo cho thanh thiếu niên tuổi từ 10 đến 16….”.
|
Theo phóng viên Wang Yang, từ hiệu ứng tích cực của bóng đá VN và Uzbekiskan, bóng đá Trung Quốc phải tập trung mạnh hơn về công tác đào tạo trẻ để bắt kịp các nền bóng đá phát triển. “Trên thực tế, Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc đang cố gắng để đem lại một nền tảng hữu ích cho các cầu thủ trẻ phát triển, trong đó có tuyển U.23. Tuy nhiên, những sáng kiến vẫn chưa thể chứng tỏ được hiệu quả cho tuyển U.23 Trung Quốc ở giải năm nay. Vấn đề mấu chốt là các nước tập trung vào hệ thống đào tạo để giúp các cầu thủ trẻ có cơ hội cọ xát, được đào tạo bài bản….”, theo tờ Beijing Daily.
Cuối bài, phóng viên Wang Yang nhấn mạnh rằng với việc duy trì Giải vô địch U.23 châu Á, Trung Quốc trong 5 - 10 năm tới phải đặt mục tiêu phát triển hệ thống đào tạo trẻ bởi tuyển U.23 quốc gia không những sẽ phải đủ sức đối đầu với các đối thủ mạnh Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Iraq, Iran… mà còn phải gặp thách thức từ những ngôi sao đang lên của bóng đá châu Á như Uzbekistan, VN hay Malaysia.
Bình luận (0)