Báo chí trước “cơn bão số”

30/09/2010 23:51 GMT+7

Lượng thông tin khổng lồ từ internet khiến báo chí phương Tây bị cạnh tranh mạnh mẽ và phải nỗ lực tìm cách thích nghi.

Theo nghiên cứu công bố hồi tháng 3 của Outsell, năm 2010 là lần đầu tiên trong lịch sử các công ty Mỹ dành nhiều tiền để quảng cáo trên internet hơn trên báo in. Phần quảng cáo trực tuyến năm 2010 ước tính lên đến 119,6 tỉ USD, vượt qua 111,5 tỉ USD của quảng cáo báo in. Trước tình hình cạnh tranh quyết liệt, hầu hết các tờ báo lớn tại Mỹ và châu u đều phải “xắn tay” đầu tư và tìm cách kiếm lợi nhuận từ các phiên bản trực tuyến.

Miễn phí hay thu tiền?

Đi đầu trong chuyện thu tiền phiên bản trực tuyến của các báo là tờ The Times và phiên bản  chủ nhật Sunday Times của Anh. Tỉ phú Rupert Murdoch, người đứng đầu Tập đoàn truyền thông News Corporation, chủ sở hữu The Times và Sunday Times, đã giữ đúng lời tuyên bố muốn chấm dứt tình trạng đọc báo miễn phí trên mạng vào tháng 8.2009 và giữ một cách “triệt để”. Theo Le Monde, từ đầu tháng 7.2010, tất cả các trương mục, bài viết trên website của The Times và Sunday Times chỉ có thể mở ra nếu bạn đọc chịu khó móc hầu bao với giá 1 bảng/ngày hoặc 2 bảng/tuần. Việc nhiều độc giả đang chọn cách nhấp chuột để xem thông tin hơn là ra sạp mua báo khiến ông trùm ngành truyền thông quyết định hành động tới nơi tới chốn.

Lý luận của Murdoch rất đơn giản: công chúng sẽ sẵn sàng trả tiền. Mặt khác, một tờ báo khác của ông, Wall Street Journal, cùng với đối thủ Financial Times đã khá thành công trong việc áp dụng thu tiền phiên bản website khi số lượng độc giả đặt mua báo in lẫn đăng ký trả tiền trên internet đều tăng. Tuy nhiên có một điểm khác biệt cốt lõi: Wall Street Journal là báo chuyên ngành trong khi The Times là báo thông tin tổng quát. Bạn đọc trên internet lại không được “trung thành” so với bạn đọc của báo in, không vào được trang này thì họ “lướt” sang trang khác. Theo Le Monde, sau hơn 2 tháng áp dụng, con số thống kê hiện không mấy khả quan cho ông Murdoch: The Times đã mất 90% lượng độc giả trên internet. Sẽ còn quá sớm để có thể biết lượng phát hành của tờ báo này có thể bù đắp thiệt hại từ quảng cáo trên website hay không, nhưng đây rõ ràng là một nước cờ nhiều rủi ro của một doanh nhân lão luyện như Rupert Murdoch.

Không “triệt để” như The Times, hầu hết các báo chọn giải pháp “vừa miễn phí vừa tính tiền” (freemium). Độc giả vẫn được đọc thông tin chung miễn phí trên website của báo, nhưng những phóng sự đặc biệt, các chuyên đề nổi bật, hoặc tư liệu lưu trữ thì chỉ những khách hàng chịu trả tiền mới có thể vào được.

Nhiều tờ báo tên tuổi của các nước phương Tây đã rục rịch thử nghiệm việc “vừa bán vừa tặng”. Sau Le Temps của Thụy Sĩ, Le Monde, Le Figaro của Pháp, tờ báo hàng đầu của Mỹ The New York Times (NYT) sẽ chính thức áp dụng việc thu tiền trên website từ đầu năm 2011. Le Monde dẫn lời Chủ tịch NYT Arthur Sulzberger cho biết: “Thời của miễn phí đã kết thúc, chúng tôi hướng đến freemium”.

Đây không phải lần đầu tiên NYT thử thu tiền từ internet. Năm 2005, “đại gia” này đã thử thực hiện Times Select, chỉ những độc giả có đóng tiền mới xem được bài viết của những nhà báo tên tuổi nhất của họ. Hai năm sau, Times Select bị dẹp bỏ và NYT trực tuyến lại miễn phí hoàn toàn. Nguyên nhân vì 10 triệu USD thu được mỗi năm từ kế hoạch này không là bao so với lợi nhuận từ quảng cáo trên website của NYT. Chưa kể, các cây bút lớn thường xuyên than phiền rằng tên tuổi của họ không còn xuất hiện trên các công cụ tìm kiếm như Google, Yahoo! nữa.

Lên mạng trước báo in

Mục tiêu cho phiên bản trực tuyến của các báo tập trung ở 2 điểm: thu nhiều tiền freemium và giữ được số lượng người truy cập để giữ quảng cáo. NYT lần này không chọn biện pháp cứng nhắc như Times Select nữa, mà dành cho độc giả nhiều sự lựa chọn hơn: họ sẽ được xem miễn phí với số lượng giới hạn, sau đó sẽ được mời trả tiền để có thể truy cập trọn vẹn mọi tiện ích trên website. Ngoài ra, qua các công cụ tìm kiếm, mạng xã hội..., độc giả cũng có thể đọc miễn phí các bài viết của NYT.

Le Monde thì chia hẳn 2 dạng bài trên website của báo. Phần lemonde.fr là bài viết của các phóng viên báo Le Monde trực tuyến hoàn toàn miễn phí, còn những bài viết đăng trên báo in sẽ chỉ miễn phí một vài bài. Độc giả sẽ được xem toàn bộ khi trả tiền theo 2 gói thuê bao khác nhau: 6 euro hoặc 15 euro/tháng. Thậm chí nếu bạn chọn mức “trọn gói” gồm báo in và ứng dụng cho iPhone và iPad thì gói thuê bao sẽ lên đến 29,90 euro/tháng.

Để tạo sự khác biệt, hai tờ báo của Pháp là Libération và L’Express thậm chí còn “liều lĩnh” dành đặc quyền đọc bài trước khi báo phát hành ngoài sạp cho các độc giả mạng chịu chi tiền. Việc cạnh tranh quảng cáo gay gắt trên mạng chính là nguyên nhân của quyết định táo bạo này. Washington Post hiện vẫn trung thành với việc “mở cửa” miễn phí website của mình để giữ được vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng các website về thông tin đông độc giả nhất. Tổng biên tập Washington Post Raju Narisetti giải thích: “Giờ đây, các nhà quảng cáo hàng đầu chỉ tập trung chi tiền 4 website cao điểm nhất”. Washington Post còn hướng dẫn các phóng viên viết bài theo các cụm từ được tìm nhiều nhất trên Google. Theo đó, những cụm từ cổ điển như “GOP” (Grand Old Parti, dùng để chỉ đảng Cộng hòa) sẽ bị thay thế bằng “Republicans” vì “Republicans” xuất hiện trên công cụ tìm kiếm nhiều hơn.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.