Báo của Bác Hồ đã 98 năm

21/06/2023 06:00 GMT+7

Năm 1925 Bác Hồ khai sinh báo Thanh Niên. Tới nay tròn 98 tuổi.

Từ báo "Người cùng khổ" ( Le Paria) được xuất bản vào năm 1922 tại Paris, nước Pháp, mà cơ quan chủ quản là "Hội Hợp tác Người cùng khổ", trực thuộc Hội Liên hiệp Thuộc địa, người sáng lập tờ báo là Nguyễn Ái Quốc đồng thời cũng là người có ảnh hưởng rất lớn đến tờ báo này (chủ nhiệm kiêm chủ bút), tới báo Thanh Niên ra đời năm 1925, thời gian chỉ cách nhau 3 năm. Nếu "Người cùng khổ" là tờ báo tranh đấu cho những người cùng khổ khắp 5 châu, thì tờ Thanh Niên lại hướng về tương lai thế hệ trẻ của nước Việt Nam còn đang sống trong vòng nô lệ. Ngay từ hồi đó, Nguyễn Ái Quốc đã biết đối tượng chính để tờ báo Thanh Niên hướng tới là thanh niên Việt Nam, và niềm tin tờ báo Thanh Niên đặt vào thế hệ trẻ, rằng đây sẽ là lực lượng nòng cốt có thể đưa cách mạng Việt Nam tới thành công, xóa bỏ gông xiềng áp bức bóc lột của thực dân Pháp. 

Trước cách mạng tháng Tám 1945, số lượng những tờ báo vận động Cách mạng tại Việt Nam đã tăng nhiều, nhưng cốt lõi của báo chí Cách mạng thì vẫn không thay đổi. Những năm tháng ấy, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã biết tận dụng tối đa sức mạnh tuyên truyền giác ngộ của báo chí, vì chính Nguyễn Ái Quốc đã và tiếp tục là một nhà báo lỗi lạc, Người biết báo chí có khả năng làm nên những thay đổi lớn lao, tác động tới nhân dân một cách trực tiếp, và có thể biến những từ ngữ bình dị trên mặt báo thành những liều thuốc nổ góp phần tích cực nhất vào sự nghiệp Cách mạng của toàn dân Việt Nam.

Ngày ấy, dân Việt vẫn còn chìm trong đói khổ và mù chữ, nhưng người biết đọc sẽ đọc cho người chưa biết chữ nghe những bài báo, và sự lan truyền của báo chí vẫn tạo nên những ngọn lửa của lòng yêu nước vốn sôi sục trong lòng người dân Việt.

Nói lên sự thật, chân thành và thẳng thắn, thể hiện lòng yêu nước, mãnh liệt và đầy sức thu hút, báo chí Cách mạng Việt Nam khởi đầu từ những tờ báo do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, cùng với những tờ báo do những người yêu nước Việt Nam xuất bản công khai trong thời kỳ Mặt trận Bình dân đã thực hiện đúng sứ mệnh của báo chí trong một nước thuộc địa, thể hiện lòng yêu nước thương dân và có tác dụng chỉ đường cho nhân dân vùng lên cứu nước.

Chỉ còn 2 năm nữa là chúng ta sẽ kỷ niệm 100 năm ngày báo chí Cách mạng Việt Nam, tức là ngày tờ báo Thanh Niên do Bác Hồ khai sinh ra đời. Đất nước chúng ta đã vượt qua biết bao nhiêu ách nạn, đã chiến thắng trong những cuộc chiến tranh mà kẻ thù là những cường quốc hùng mạnh hàng đầu thế giới.

Bây giờ là công cuộc làm bạn với tất cả mọi quốc gia trên thế giới, nhưng người Việt Nam vẫn không bao giờ quên đất nước mình đã đứng lên từ những gian lao ghê gớm như thế nào. Làm bạn với thế giới cũng là công cuộc tự vượt lên chính mình, tự biết mình còn thiếu những gì, còn phải nỗ lực ra sao, và tự mình phải biết "làm sạch" mình như thế nào để vươn tới một quốc gia cường thịnh thực sự, dân chủ thực sự, đấu tranh thực sự để gìn giữ hòa bình không chỉ cho quốc gia mình, mà cho toàn thế giới.

Những ước mơ cao cả của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh từ những tháng năm xa xưa ấy còn nguyên giá trị cập nhật tới ngày hôm nay, vì lý tưởng xây dựng một nước Việt Nam có thể sánh vai với các quốc gia phát triển khắp thế giới mà Bác Hồ thể hiện suốt cuộc đời tranh đấu của mình vẫn là những ước mơ mà con cháu Bác hôm nay vẫn chung lòng thực hiện, dù không phải dễ dàng.

Báo chí Cách mạng Việt Nam hôm nay phải nói được những điều không dễ dàng ấy khi đất nước mình vươn tới những mục tiêu cao đẹp hướng tới những cột mốc 10 năm, 20 năm và xa hơn nữa.

Vì thế, báo chí không chỉ nói những việc hàng ngày, mà còn dự báo được những xu hướng, những khả năng phát triển, những tai ách phải đối đầu và những kế sách để vượt qua. Với báo chí Cách mạng Việt Nam, dự báo phải trở thành một mục tiêu hướng tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.