Bảo đảm an ninh năng lượng về cung cấp điện, xăng dầu

04/02/2023 06:44 GMT+7

Ngày 3.2, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023, có sự tham dự và chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà.


Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết trong tháng 1, VN vẫn xuất siêu 3,6 tỉ USD (cùng kỳ năm 2022 xuất siêu 1,6 tỉ USD); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 20% (cùng kỳ năm 2022 tăng 1,3%). Trong dịp tết Nguyên đán 2023, ngành công thương đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa, không để xảy ra tình trạng tăng giá. Dự báo năm 2023, ngành công thương đối diện với nhiều thách thức. Dù sức mua đã khôi phục, nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng; sản xuất và xuất khẩu vẫn đang gặp khó khăn do đơn hàng mới giảm, chi phí sản xuất cao do giá nguyên, nhiên liệu và chi phí logistics tăng cao. Doanh nghiệp trong nước khó tiếp cận vốn vay ngân hàng...

Bảo đảm an ninh năng lượng về cung cấp điện, xăng dầu - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

TTXVN

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng trong bối cảnh hiện nay cần thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu dùng trong nước; đẩy mạnh xuất khẩu là chìa khóa để duy trì tăng trưởng chung của toàn ngành kinh tế.

Chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công thương có các giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng về cung cấp điện và xăng dầu. Trong mọi điều kiện, Bộ Công thương phải bảo đảm cung cấp điện an toàn cho sản xuất; bảo đảm không bị thiếu hụt xăng dầu trong mọi tình huống. Đối với giá điện, Bộ Công thương cần nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp; phân phối điện phù hợp với điều kiện đất nước và từng khu vực; sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm; giá điện phù hợp với nền kinh tế và thu nhập người dân. Giá điện của VN không thể giống nước phát triển, giá điện quá cao thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được; cần lợi ích hài hòa, khó khăn và rủi ro chia sẻ giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân; cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng.

Đối với xuất khẩu hàng hóa, Thủ tướng đề nghị Bộ Công thương thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, hợp tác song phương, đa phương để duy trì, mở rộng và tìm kiếm thị trường, khai thác tối đa dư địa xuất khẩu của các ngành, lĩnh vực VN có lợi thế và thế giới có nhu cầu. Bộ Công thương cần tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà VN đã ký kết; thúc đẩy mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; tận dụng tốt cơ hội từ thị trường Trung Quốc vừa mở cửa để bù đắp khó khăn, sụt giảm đơn hàng ở các thị trường truyền thống như: Mỹ , EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công thương có các chương trình xúc tiến thương mại, đẩy mạnh sức mua trong nước; phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa, phát triển thương hiệu hàng VN; khai thác hiệu quả thị trường 100 triệu dân trong nước còn nhiều tiềm năng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.