Báo động bạo lực gia đình

23/12/2010 19:22 GMT+7

Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2010, TP.HCM có hơn 500 vụ có những dấu hiệu của nạn bạo hành trong gia đình.

Mới đây, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP.HCM cùng Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) đã  tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về bạo lực gia đình. Nhiều người trong cuộc đã lên tiếng.

Những nạn nhân lên tiếng

Có mặt tại buổi hội thảo, chị T.T.L (ngụ Q.Tân Phú, một nạn nhân của nạn bạo hành gia đình) cho biết chồng chị thường bỏ nhà đi lăng nhăng, thậm chí chở cả bồ về nhà cha, mẹ chồng (ở ngay cạnh nhà chị) rồi đánh đập chị nhưng chị vẫn nín nhịn. Chị L. than: “Tháng 8.2010 vừa rồi, chồng tôi đưa đơn ra tòa đòi ly hôn, nhưng tôi không chịu vì hai con còn nhỏ và nếu ly hôn thì mẹ con tôi sẽ bị ảnh đuổi ra khỏi nhà không nơi tá túc. Vừa bước ra khỏi tòa, ảnh đã đe: “Ba mẹ con mày sống nổi với tao không mà không chịu ly hôn”, và ngày 23.11 vừa rồi ảnh về đòi lấy tiền cho thuê phòng trọ (nguồn thu nhập chính của mẹ con chị, 5 triệu đồng/tháng - NV) không được nên đòi đánh con. Tôi vào can ngăn thì bị ảnh đánh đến ngất xỉu được hàng xóm đưa đi bệnh viện cấp cứu”. Đứa con gái lớn thấy chị bị đánh khuyên can: “Mẹ ơi ly hôn đi chứ không bị đánh chết mất”, nên chị chấp nhận ly hôn nhưng giọng đầy lo lắng: “Ảnh đe sau khi ly hôn sẽ đuổi cả ba mẹ con ra ngoài đường, lấy lại nhà vì đất là của ba, mẹ cho riêng ảnh”.

Chị Nguyễn Thu Thúy (Phó giám đốc CSAGA) kể về trường hợp đau lòng của chị L.T.H (ở Hà Nội). Chỉ vì muốn thoát ra khỏi cảnh bạo hành gia đình trong suốt một thời gian dài bằng cách ly hôn, chị L.T.H đã bị chồng dùng xe SH phóng thẳng vào người khiến chị tử vong. “Hiện nay vụ việc đang được công an thụ lý nhưng anh chồng chỉ bị xem xét về hành vi vi phạm trật tự giao thông đường bộ!”, chị Thúy thở dài.

Bạo hành gia đình, chuyện không riêng tư

Có kinh nghiệm nhiều năm trong việc giải quyết những vụ việc bạo hành gia đình, bà Lê Thị Thanh Nhã (Phó phòng Văn hóa - Gia đình, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) tư vấn: “Bạo lực gia đình có chiều hướng gia tăng ở giai đoạn ly hôn. Vì vậy, người phụ nữ phải khôn khéo, không nên đối đầu để tránh bị bạo hành và khi bị bạo hành phải nhanh chóng tìm cách thoát ra ngoài. Đặc biệt, nạn nhân bị bạo hành cần phải vượt qua rào cản chuyện nội bộ của gia đình, phải trình báo cơ quan chức năng để được giúp đỡ, xử lý”.

Cũng theo bà Nhã, đa số các vụ việc được phát hiện là bạo lực về thể xác, bạo lực tinh thần như lăng nhục, chửi bới, đập phá đồ đạc gây ồn ào, rượt đuổi trên đường phố…, còn những hình thức bạo lực tinh thần, tình dục, kinh tế có xảy ra trong đời sống gia đình nhưng khó phát hiện. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã có hiệu lực gần 3 năm nhưng mọi người vẫn chưa nhận thức, nắm rõ.

Ngoài ra, bà Nhã cho biết thêm, trong xã hội hiện nay vẫn còn tồn tại tâm lý đó là chuyện riêng tư của gia đình từ chính các nạn nhân cũng như từ chính quyền địa phương, cảnh sát khu vực.

Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Xuân Hồng (Phòng Văn hóa - Thông tin Q.12, TP.HCM) bức xúc: “Khi xảy ra bạo hành không thấy công an đâu cả vì họ cho rằng đó là chuyện nội bộ gia đình, chỉ đến khi xảy ra đổ máu công an mới can thiệp”. Ông Trần Tiến Danh (Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin Q.3) nói thêm, có công an đặt vấn đề đó không phải việc của chúng tôi trong khi theo quy định hiện nay, chính quyền và công an phường là nơi tiếp nhận, giải quyết, xử phạt tình trạng bạo lực gia đình. Để thay đổi nhận thức đó, mới đây quận 3 đã tập huấn cho 300 cảnh sát khu vực các nghị định xử phạt liên quan đến bạo hành gia đình. “Sau buổi tập huấn, có vị tiết lộ mới biết có nghị định xử phạt về bạo hành gia đình”, ông Danh nói.

Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.