Thấp thỏm trước sông, biển
Những ngày đầu năm mới 2022, chúng tôi tìm đến nhà ông Phan Đình Tuyên ở thôn Đông Yên 2, xã Bình Dương, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi). Sáng hôm ấy, ông Tuyên và gia đình đang dồn cát, đất vào bao lớn để chất thành một lũy nhỏ dọc bờ sông. Ông Tuyên cho biết làm vậy là để ngăn nước sông Trà Bồng tràn vào gây sạt lở. Công việc này ông đã làm nhiều năm nay, nhưng vẫn không ngăn được sạt lở ngày càng nặng dần.
Triều cường gây xói lở đường bê tông thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi |
Hải Phong |
Gia đình ông Tuyên có 4 người, định cư trên mảnh đất 500 m2. Thế nhưng vài năm trở lại đây, con sông Trà Bồng vốn hiền hòa mùa khô, đến mùa mưa lại tuôn chảy dữ dội, gây sạt lở nghiêm trọng mảnh đất nhà ông Tuyên, diện tích cứ thu hẹp lại dần. “Chuồng gia súc, gia cầm nằm ngoài kia, tôi cứ đưa dần vào trong. Có điều không dám làm kiên cố, vì không biết thủy thần sẽ ghé thăm cuốn trôi giờ nào”, ông Tuyên chỉ tay ra phía bờ sông, hoang mang.
Theo chân người dân ở đây đi dọc theo bờ sông Trà Bồng, chúng tôi chứng kiến hàng trăm mét ven sông bị nước làm xói lở. Chỉ vào nhiều bụi tre lớn nằm chênh vênh dưới nước, bà Huỳnh Thị Thuộc (ở thôn Đông Yên 2, xã Bình Dương) cho hay để chống sạt lở bờ sông, từ hàng chục năm qua, bà con đã trồng tre ven bờ sông. Vậy mà mấy năm nay, các bụi tre lớn cũng không trụ nổi, bị nước gây xói lở, cuốn trôi.
Còn bà Phạm Thị Nguyên (ở thôn Đông Yên 3, xã Bình Dương) nói rằng sống ở đây cứ lo lắng, thấp thỏm không yên. Bởi đến mùa mưa là nước lại ngoạm mất rất nhiều đất, đến cả bụi tre cũng bị nước cuốn đi thì không có cây gì chịu nổi. “Bà con ở đây chỉ mong muốn có cái kè kiên cố, để sống bớt thấp thỏm. Giờ chúng tôi có muốn làm cái nhà kiên cố cũng ngại, vì sợ sạt lở lấn sâu vào rồi cuốn trôi hết”, bà Nguyên nói.
Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch UBND xã Bình Dương, cho hay toàn xã có 260 hộ dân (trên 1.000 nhân khẩu) bị ảnh hưởng bởi sạt lở bờ sông, chính quyền xã đã nhiều lần đề nghị cấp trên làm kè kiên cố để chống sạt lở, giữ đất và giúp bà con yên tâm hơn.
Trong khi người dân xã Bình Dương lo ngại sạt lở ven sông, thì người dân ở thôn Thanh Thủy và thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, H.Bình Sơn lại ngay ngáy với nạn triều cường đêm đêm ập vào gây sạt lở nghiêm trọng bờ biển, cuốn trôi nhà dân. Ông Huỳnh Nga (ở xóm Hải Hòa, thôn Thanh Thủy) nói những ngày bão số 9 và sau đó, nhà bếp của gia đình ông bị sóng đánh sập gần 4 m. Phần nhà kiên cố phía trên cũng bị nứt 9 m. Nếu triều cường còn kéo dài thì đến tết này sẽ không có nhà ở.
Ông Nga cho hay triều cường hay diễn ra về đêm, nhất là vào khoảng 22 giờ, có lần sóng cao khoảng 10 m phủ dọc bờ biển, cuốn trôi đất đá, trôi cả bờ kè tạm. Theo ông Phạm Cầu, Phó chủ tịch UBND xã Bình Hải, biển đã xâm thực gây sạt lở sâu vào đất liền từ 1 - 2 m, dài 1.000 m ven bờ biển hai thôn Thanh Thủy và Phước Thiện, có 35 nhà dân bị triều cường đe dọa, ảnh hưởng trực tiếp.
Cần hàng trăm tỉ đồng
Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi thông tin, trong năm 2021, ngoài H.Bình Sơn thì các địa phương khác như: TX.Đức Phổ, TP.Quảng Ngãi, H.Tư Nghĩa... cũng đều bị tình trạng sạt lở sông, biển đe dọa, ảnh hưởng cuộc sống người dân sống tại đây. Đáng lưu ý nhất là vùng biển thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi, triều cường đã xâm thực mạnh, ăn sâu vào đất liền dài 750 m dọc bờ biển, đe dọa trực tiếp đến nhà ở của 30 hộ dân với 1.000 nhân khẩu.
Hiện toàn tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 15 công trình sạt lở ven sông, ven biển cần đầu tư xây dựng khẩn cấp nhưng mới chỉ có 3 công trình sạt lở đặc biệt nguy hiểm được xây dựng khẩn cấp ở TT.Sông Vệ (H.Tư Nghĩa), bờ sông Vệ (đoạn cuối TT.Sông Vệ giáp xã Nghĩa Hiệp, H.Tư Nghĩa) và khu vực từ cầu sông Rin đến Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS H.Sơn Hà (H.Sơn Hà), với tổng kinh phí trên 73 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh Quảng Ngãi.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, năm 2021, toàn tỉnh này có 275 điểm sạt lở... Tỉnh đã trình lên các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ đề nghị hỗ trợ xây dựng kè kiên cố với kinh phí hơn 670 tỉ đồng.
Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết về lâu dài tỉnh đã có kế hoạch thực hiện đề án phòng chống sạt lở ven sông, ven biển đến năm 2030. Còn trước mắt, UBND tỉnh đã phân bổ 100 tỉ đồng để các địa phương từng bước khắc phục dần nạn sạt lở để đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân.
Bình luận (0)