Trẻ mất phương hướng
Bà Nguyễn Thị Thương - Giám đốc Trung tâm Tư vấn FDC kể lại một câu chuyện mà bà đã tư vấn: “Một em trai điện thoại vào tổng đài hỏi: cô ơi, bố cháu cứ uống rượu say xỉn là kiếm cớ đánh mẹ con cháu, lúc tỉnh lại xin lỗi. Có một lần bố quăng cái bình bông vào đầu cháu phải đi cấp cứu. Từ ngày ra viện đến nay, lúc nào có chuyện gì tức giận là cháu bị đau đầu như búa bổ, chỉ muốn đập phá, gào thét, như thế có phải là bệnh khùng không cô? Cô chữa được không? Cháu ghét bố lắm!”... Mẩu chuyện mà bà Thương kể đã chỉ là mảng nhỏ trong bức tranh về sức khỏe tinh thần của trẻ em.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ em bị mắc các bệnh về tinh thần. Ở cái tuổi này, các em rất dễ bị tổn thương. Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên thì ngày nay học sinh có nhiều biểu hiện đáng lo ngại như: rối loạn trí nhớ, sút kém trong học tập, mất phương hướng trong cuộc sống, sai lệch về quan niệm giá trị, thậm chí bỏ học đi bụi đời... Đó là những biểu hiện của sự tổn thương sức khỏe tinh thần. Trẻ em phải chịu nhiều tác động trực tiếp như: quan hệ giữa thầy - trò, chương trình học, sự kỳ vọng của gia đình, sự xung đột giữa bố mẹ... từ đó chúng nảy ra nhiều suy nghĩ tiêu cực.
Thanh niên trước khi lập gia đình nên tham gia các lớp kỹ năng làm cha mẹ để có kiến thức tâm lý dạy con. |
Nên học kỹ năng làm cha mẹ
Theo thạc sĩ Lê Ngọc Dung - Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, những rối loạn cảm xúc như: lo âu, trầm cảm sẽ làm giảm sút đáng kể sự phát triển và khả năng học tập của học sinh. Các rối loạn hành vi phá vỡ nghiêm trọng sự phát triển về mặt xã hội và có thể dẫn tới mắc các chứng bệnh tâm thần về lâu dài. Thông thường thời điểm các gia đình phát hiện ra con em mình bị bệnh thì đã quá muộn. Các em mắc bệnh về tâm thần rất khó chữa trị. Chính vì vậy cần sớm giải quyết các xung đột gia đình, nhà trường, những rắc rối trong quan hệ của bố mẹ, thầy cô giáo, những người xung quanh trẻ.
Thạc sĩ phát triển cộng đồng Nguyễn Thị Oanh đã nhận định: Chưa bao giờ tình hình sức khỏe tinh thần trẻ em rơi vào mức báo động như hiện nay, đây là hệ quả tất yếu từ lối sống của người lớn. Và hình như những người lớn có liên quan cũng không nhận ra vấn đề. Thạc sĩ Oanh nói: “Các bậc cha mẹ rất thương con nhưng do thiếu kiến thức phổ thông nên xử sự không đúng với trẻ”. Thạc sĩ Oanh nói thêm, gia đình có đời sống kinh tế khá thì biết lo cho con, nhưng sự lo âu quá mức đã bóp nghẹt đứa bé. Lúc lên “teen” thì bố mẹ càng lo vì sợ nó “nghĩ chuyện nọ chuyện kia”. Có nhiều bà mẹ thú nhận rằng họ quá lo âu trong việc dạy con, thiếu hiểu biết về tâm lý và lắm khi làm mất khả năng làm chủ cảm xúc nên rầy con không đúng.
Thạc sĩ Oanh cũng đề nghị: TP.HCM đã có các lớp dạy kỹ năng làm cha mẹ và nên nhân rộng. Thanh niên trước khi lập gia đình hay có con nên tham gia các lớp này để có kiến thức tâm lý dạy con.
Thiên Long
Bình luận (0)