Báo động tai nạn trẻ em

22/08/2008 14:53 GMT+7

Chưa tới 40% số trường học trên địa bàn TP.HCM có cán bộ y tế và phần lớn chỉ ở trình độ sơ cấp. Nếu xảy ra tai nạn cho học sinh, việc sơ cấp cứu ban đầu sẽ hết sức khó khăn.

Những con số báo động

"Tai nạn thương tích (TNTT) xảy ra rất nhiều mỗi năm, nhất là tai nạn xảy ra với trẻ em. Tuy nhiên, công tác sơ cấp cứu, phòng chống TNTT cho trẻ còn rất nhiều hạn chế", đó là bức xúc xen lẫn lo ngại của nhiều đại biểu tại buổi làm việc về công tác phòng chống TNTT ở trẻ em giữa Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM với Sở Y tế, Sở Giáo dục - Đào tạo, cùng các bệnh viện của TP.HCM.

Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM): trong năm 2007, có 3.000 trẻ phải nhập viện để điều trị, phẫu thuật. Riêng 7 tháng đầu năm nay, đã có 2.000 trường hợp trẻ bị TNTT nhập viện, trong số này có 79 trẻ bị tử vong, 1.000 trường hợp bị chấn thương, 350 trẻ bị bỏng, 300 trường hợp bị hóc dị vật, 59 trường hợp bị rắn cắn, 82 ca ngộ độc thực phẩm... Còn theo báo cáo của Bệnh viện Nhi đồng 2, trong năm 2007 có hơn 8.000 trường hợp trẻ bị TNTT, trong đó có 763 trẻ bị tai nạn giao thông; 6 tháng đầu năm nay có 2.612 trẻ bị TNTT vào viện, trong đó có 1.979 ca bị té ngã, tai nạn bỏng...

Theo bác sĩ Trương Đình Khải (Bệnh viện Nhi đồng 1, giảng viên trường Đại học Y-Dược, TP.HCM): công tác sơ cấp cứu ban đầu rất quan trọng khi xảy ra TNTT ở trẻ, bởi nó giúp cứu sống trẻ, hay phục hồi được chức năng bị tổn thương, hoặc đảm bảo tính thẩm mỹ (chẳng hạn như khâu vá, xử lý vết thương ban đầu). Với những trường hợp TNTT như: gãy xương, chấn thương đốt sống cổ, chấn thương bụng, hay bỏng..., việc xử lý đúng, kịp thời ban đầu là rất quan trọng, giúp giảm mức độ trầm trọng, nguy cơ nhiễm trùng, giúp vết thương mau lành...

Báo cáo của Sở Y tế (TP.HCM) cho thấy rõ hơn tình trạng TNTT của trẻ em. Theo đó, số TNTT xảy ra ở trẻ em gia tăng hằng năm, cụ thể: năm 2005 có 39.078 trẻ bị TNTT, trong đó có 68 trẻ tử vong; năm 2006 có 43.921 trẻ bị TNTT, có 87 trẻ tử vong; năm 2007 có 42.934 trẻ bị TNTT, có đến 107 trẻ tử vong. Phần lớn TNTT ở trẻ là do té ngã, tai nạn giao thông, bỏng, ngộ độc, hóc dị vật...   

Nỗi lo y tế học đường

Phần báo cáo về phòng chống TNTT, sơ cấp cứu cho trẻ ở trường học của bác sĩ Nguyễn Tài Dũng - phụ trách y tế Sở Giáo dục - Đào tạo (TP.HCM) thật sự làm các đại biểu lo ngại: Lâu nay, tại các trường học rất thiếu cán bộ y tế để chăm sóc y tế, cấp cứu cho học sinh. Hiện tại, trong khoảng 1.200 trường học ở TP.HCM, chỉ có 37-40% số trường có cán bộ y tế. Nhưng phần lớn chỉ là cán bộ y tế sơ cấp, những người kiêm nhiệm nhiều việc. Còn lực lượng y tế trung cấp, bác sĩ chỉ có từ 5-10%. Trong khi gần một nửa học sinh học bán trú, rất cần được chăm sóc y tế khi có vấn đề về sức khỏe, hay cấp cứu khi có tai nạn xảy ra. Đã vậy, lực lượng cán bộ y tế học đường lại luôn luôn biến động; mức thu nhập ở trường quá thấp nên y, bác sĩ không muốn về trường, hoặc về được một thời gian rồi lại đi nếu có chỗ khác tốt hơn.   

Không thể giao hết cho ngành y tế

Đại biểu Võ Văn Sen  bức xúc: "Chương trình phòng chống TNTT ở trẻ em là một chương trình lớn, được Thủ tướng chỉ đạo thực hiện trong phạm vi cả nước từ năm 2001, năm 2002 UBND TP.HCM có văn bản thành lập Ban chỉ đạo, đầu năm 2003 Sở Y tế bắt đầu thực hiện. Nhưng chúng ta đã đạt được những gì? Mỗi năm vẫn ngót nghét 40 ngàn trẻ bị TNTT. Không những lặp lại những tai nạn cũ mà còn xuất hiện thêm những tai nạn mới". Đồng tình với ý kiến của ông Sen, ông Nguyễn Văn Minh cho biết: "Qua khảo sát tại các quận huyện, thật khó tin là ở cấp phường xã hoàn toàn không biết gì về chương trình này. Chương trình chỉ dừng ở cấp thành phố thì làm sao hiệu quả khi TNTT ở trẻ em được xác định nguyên nhân chủ yếu là ở tại gia đình?".

Ông Nguyễn Văn Minh - Phó ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP phát biểu: "Ban chỉ đạo chương trình phòng chống TNTT lâu nay vẫn "nằm" như thế, không có những chương trình hoạt động tích cực. Tại Q.2, 11 trạm y tế không có bác sĩ. Tỷ lệ y tá, nhân viên y tế trường học ở Q.2 chỉ có 18,2%, ở Q.Bình Thạnh 22%, ở Q.Thủ Đức 40%". Theo ông Nguyễn Văn Minh, tình trạng không có bác sĩ ở tuyến đầu (trạm y tế), hay thiếu y, bác sĩ ở trường học dẫn đến trẻ không được sơ cấp cứu tốt ban đầu khi xảy ra tai nạn trước khi chuyển lên bệnh viện tuyến trên, khiến thương tích thêm trầm trọng.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Châu cũng thừa nhận: "Mặc dù chương phòng chống TNTT của TP.HCM được Bộ Y tế đánh giá cao, tuy nhiên, cũng phải thừa nhận còn nhiều vấn đề chưa làm được, thiếu sự phối hợp giữa các ban ngành, Ban chỉ đạo phòng chống TNTT chưa thực hiện tốt".

Ban chỉ đạo phòng chống TNTT của TP.HCM về danh nghĩa gồm có nhiều ban ngành như: y tế, giáo dục, công an, nông nghiệp, giao thông... nhưng trên thực tế chỉ một mình ngành y tế "ôm", Sở Y tế làm thường trực, và sở giao về cho Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình làm là chính! Chính vì vậy, bác sĩ Cái Phúc Thắng (Ban Tuyên giáo Thành ủy, TP.HCM) cho rằng: "Cần phải xác định, phòng chống TNTT không phải của chính ngành y tế - ngành y tế chủ yếu chỉ giải quyết hậu quả đã xảy ra. Cần phải có sự tham gia vận động của nhiều ban, ngành". Ông Tăng Cẩm Vinh, đại biểu HĐND TP.HCM cho rằng, cần phải xem lại hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống TNTT, vì sao không hiệu quả, phải chăng hoạt động theo kiểu "xuân thu nhị kỳ" - mỗi năm làm sơ kết, tổng kết thế là xong? 

Thanh Tùng - Phi Loan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.