Nguyên nhân các vụ tai nạn trên là do tình trạng quá tải, xuống cấp của một số tuyến cao tốc hay do phương tiện, người lái?
Cao tốc TP.HCM - Trung Lương trong một ngày cao điểm về giao thông |
BẮC BÌNH |
Cao tốc xuống cấp
Vụ tai nạn thương tâm khiến Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình tử vong trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương sáng 29.3 hiện vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra nguyên nhân, song những lời phàn nàn về chất lượng tuyến cao tốc này không phải bây giờ mới có. Theo thống kê của Cục Quản lý đường bộ 4 (Tổng cục Đường bộ), trong năm 2021, tuyến cao tốc huyết mạch nối từ TP.HCM dài 62 km đi qua Long An, Tiền Giang này đã xảy ra 144 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 6 người, bị thương 32 người. Tính trong quý 1/2022, có 26 vụ TNGT trên tuyến, làm 1 người chết, 9 người bị thương.
Tỷ lệ tai nạn có thể không cao bằng QL1, song vấn đề của cao tốc TP.HCM - Trung Lương và nhiều tuyến cao tốc khác khiến nhiều người lo ngại nằm ở chất lượng và xuống cấp sau nhiều năm khai thác. Tuyến TP.HCM - Trung Lương đưa vào thông xe từ năm 2010, sau khi dừng thu phí từ cuối năm 2018, lượng xe hay số vụ tai nạn trên cao tốc này đều tăng. Do không mất phí, lưu lượng phương tiện từ QL đi vào cao tốc này tăng rất cao so với thời điểm còn thu phí, với hàng chục ngàn lượt xe lưu thông mỗi ngày, cao điểm có thể lên đến hơn 50.000 lượt xe/ngày. Từng được ví như “đường làng” khi lưu thông lộn xộn, trạm thu phí để mở nên xe chạy bát nháo, xe quá tải chạy rầm rập khiến chất lượng tuyến đường cao tốc này càng nhanh xuống cấp.
Theo Bộ GTVT, cả nước hiện có 1.163 km đường bộ cao tốc, dự kiến đến năm 2023 sẽ hoàn thành khoảng 916 km đang đầu tư, nâng tổng số đường bộ cao tốc trong cả nước lên 2.079 km, đến năm 2025 sẽ có khoảng 3.000 km và năm 2030 là 5.000 km.
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và luật Giao thông đường bộ sửa đổi đang được dự thảo xin ý kiến cũng đều quy định rõ về quy tắc giao thông trên cao tốc, với các mức phạt hành chính khá cao nếu vi phạm (quy định trong Nghị định 100/NĐ-CP).
Trước đó, chiều 26.3, hai vụ tai nạn liên tiếp trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai dù may mắn không gây thương vong về người, nhưng khiến 4 người bị thương, 7 ô tô hư hỏng nặng. Cao tốc Nội Bài - Lào Cai chính thức được đưa vào khai thác từ năm 2014, song chỉ sau vài năm sử dụng đã phát sinh hàng loạt vấn đề về chất lượng như lún nứt, ổ gà. Tình trạng này hiện nay càng trở nên nặng nề hơn, nhiều đoạn như từ Km83 - Km84, Km138 - Km148... mặt đường hư hỏng nặng, hằn lún vệt bánh xe với nhiều ổ gà, có những điểm mặt đường lún xuống sâu 2 - 5 cm.
Theo đại diện Tổng công ty đầu tư và phát triển cao tốc VN (VEC), do quá nhiều phương tiện tải trọng lớn đi vào tuyến đường khiến một số hạng mục, công trình xuống cấp, hư hỏng. Trong quý 1/2022, đã có hơn 380.000 phương tiện quá tải trọng lưu thông, đơn vị này cũng đã từ chối phục vụ 3.500 xe quá tải trên các tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai và Cầu Giẽ - Ninh Bình. Còn theo Tổng cục Đường bộ VN, đường dây nóng của đơn vị này nhận được phản ánh có tới 90% xe container chạy tuyến Nội Bài - Lào Cai chở hàng đông lạnh quá tải trọng quy định.
Cũng theo Tổng cục Đường bộ VN, tình trạng xe quá tải có dấu hiệu bùng phát mạnh và ngày càng gia tăng trong những tháng đầu tiên của năm 2022. Đặc biệt, xuất hiện xe cơi nới kích thước thành thùng cao từ 1 - 2 m, kể cả sơ mi rơ moóc tự đổ để chở hàng quá tải. Xe tải, xe sơ mi rơ moóc che biển số, chở quặng quá tải từ các mỏ quặng ven QL279 (H.Văn Bàn, tỉnh Lào Cai), đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai về cảng Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), Vĩnh Phúc, TP.Hà Nội... Không chỉ ảnh hưởng cao tốc, các hung thần quá tải này lưu thông công khai trên QL khiến đường địa phương tại các tỉnh phía bắc và miền Trung hư hỏng, mất an toàn giao thông...
Lỗi do đâu ?
Theo ông Vũ Ngọc Lăng, nguyên Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT), với tỷ lệ đường cao tốc còn thấp so với mật độ đường QL, tỉnh lộ, đường địa phương của VN, số vụ tai nạn tại các tuyến cao tốc của VN không cao như các nước phát triển. Tại Mỹ hay châu Âu, hệ thống giao thông đường bộ chủ yếu là các tuyến cao tốc, tốc độ lưu thông rất cao (100 - 200 km/giờ), thậm chí một số nước có freeway không hạn chế tốc độ như Đức.
Cho rằng thực tế một số tuyến cao tốc sau thời gian dài sử dụng, chất lượng đường có dấu hiệu xuống cấp, song theo ông Lăng, đây không phải là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT. “Mặt đường xuống cấp xuất hiện ổ gà hay lún nứt khiến chất lượng lưu thông của phương tiện kém đi, song không phải tác nhân chính gây tai nạn. TNGT do yếu tố con người là chủ yếu”, ông Lăng nói.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, nhìn nhận các tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương hay Nội Bài - Lào Cai đều có thời gian sử dụng tương đối dài, xấp xỉ 10 năm, mặt đường không còn mới, một số vị trí cũng có tình trạng xuống cấp. Song các vị trí xảy ra tai nạn chất lượng đường vẫn tốt, nên hạ tầng không phải nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn.
“Nguyên nhân TNGT do nhiều yếu tố tổng hợp, do lỗi phương tiện hoặc người lái hoặc yếu tố bất ngờ vào thời điểm xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, về cơ bản khi lưu thông trên cao tốc, người tham gia giao thông phải tuân thủ quy định về tốc độ, khoảng cách an toàn giữa các phương tiện, đi đúng phần đường làn đường. Có hiện tượng một số xe chạy tốc độ chậm nhưng lại đi làn trong cùng, khiến các phương tiện khác thường xuyên phải vượt lên, rất nguy hiểm, đặc biệt khi thời tiết bất thường như mưa, hoặc tối”, ông Hùng nói.
Theo lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, dù chưa có thống kê chính thức, song số vụ TNGT trên cao tốc tại VN thấp hơn nhiều nước, do mật độ cao tốc còn thấp. Ông Hùng cũng khẳng định, việc lưu thông trên cao tốc an toàn hơn nhiều so với các tuyến đường bộ khác. Lý do chất lượng đường cao tốc cao hơn các tuyến QL, có giám sát bằng hệ thống camera đồng nhất, có dải phân cách cứng nên không có tình trạng đối đầu phương tiện 2 chiều như một số tuyến QL. Mặt khác, cao tốc cấm xe máy nên không có tình trạng lưu thông làn hỗn hợp, nhiều giao cắt, ngõ ngách khu dân cư ven đường như QL; các yếu tố tổ chức giao thông như biển báo, đinh phản quang... trên cao tốc cũng được thực hiện tốt và đồng bộ hơn.
“Các vụ “dồn toa” xe sau đâm vào xe trước trên cao tốc không chỉ ở VN mà còn phổ biến trên thế giới, do lái xe không giữ khoảng cách an toàn. Dù đi trên đường nào, cao tốc hay QL, để đảm bảo an toàn, tránh các rủi ro va chạm, tai nạn; người tham gia giao thông cũng phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật về tốc độ, khoảng cách...”, ông Hùng nhấn mạnh.
Bình luận (0)