Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố hôm 13.10 cho biết 26 quốc gia nghèo nhất thế giới đang mắc nợ kỷ lục kể từ năm 2006 và ngày càng dễ bị tổn thương trước thiên tai và các cú sốc khác.
Nợ chính phủ tại các quốc gia này, nơi sinh sống của khoảng 40% dân số thế giới, hiện ở mức trung bình 72 % GDP, mức cao nhất trong 18 năm, theo AFP dẫn báo cáo của tổ chức cho vay phát triển có trụ sở tại Washington DC (Mỹ).
Bên cạnh đó, số tiền viện trợ quốc tế mà họ nhận được theo tỷ lệ sản lượng kinh tế đã giảm xuống mức thấp nhất trong 2 thập niên.
"Có nhiều điều mà các nền kinh tế thu nhập thấp có thể và phải tự làm. Nhưng các nền kinh tế này cũng cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ nước ngoài", theo phó kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới Ayhan Kose.
Ngân hàng này cho biết các nền kinh tế thu nhập thấp đã vay nợ rất nhiều trong đại dịch Covid-19, khiến thâm hụt chính tăng gấp 3 lần. Nhiều quốc gia đã không thể "xóa bỏ hoàn toàn" các khoản thâm hụt này.
Gần một nửa trong số 26 nền kinh tế nghèo nhất thế giới hiện đang rơi vào cảnh nợ nần hoặc có nguy cơ cao mắc nợ, gấp đôi con số năm 2015. Đây là những nước có thu nhập bình quân đầu người hằng năm dưới 1.145 USD (28,4 triệu đồng).
Ngân hàng Thế giới cho biết nhánh cho vay ưu đãi của mình, Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), đã cung cấp gần một nửa tổng số viện trợ phát triển mà các nền kinh tế này nhận được vào năm 2022 từ các tổ chức đa phương.
"Vào thời điểm mà phần lớn thế giới chỉ đơn giản là rút lui khỏi các quốc gia nghèo nhất, IDA đã trở thành đường sống chính của họ", theo nhà kinh tế trưởng Indermit Gill của Ngân hàng Thế giới.
"Nhưng nếu họ muốn thoát khỏi tình trạng khẩn cấp kinh niên và đạt được các mục tiêu phát triển chính, các nền kinh tế thu nhập thấp sẽ cần phải đẩy nhanh đầu tư với tốc độ chưa từng có", ông nói thêm.
Bình luận (0)