Thanh Niên Online vừa có cuộc trò chuyện với PGS.TS Huỳnh Văn Sơn về vấn đề này.
Những biểu hiện của hành vi nghiện FB
* Thưa ông, biểu hiện của hành vi nghiện FB bao gồm những gì?
- PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Đó là sử dụng FB lâu hơn dự định; cố gắng thoát khỏi FB mà không thể thực hiện được; luôn nghĩ về các sự kiện và hình ảnh trong FB khi không sử dụng; tìm đến FB như một trang nhật ký cá nhân và hơn thế nữa; tiếp tục sử dụng FB bất chấp những hậu quả như suy giảm sức khỏe, sa sút học tập, thậm chí có nguy cơ mất việc hoặc gãy đổ các mối quan hệ gia đình, bạn bè; có những trạng thái cảm xúc bất lợi khi không được sử dụng FB.
|
* Trở lại với đề tài “Hành vi nghiện FB của vị thành niên từ 15 đến 18 tuổi tại TP.HCM”, đâu là lý do khiến ông cùng cộng sự nghiên cứu?
- Có thể nói sử dụng FB một cách quá mức dẫn đến nghiện FB đang dần trở nên đáng báo động đối với toàn xã hội Việt Nam hiện nay. Trước những ảnh hưởng tiêu cực mà hành vi nghiện FB ảnh hưởng xã hội, nhà trường và gia đình hết sức lo lắng. Trong thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã bắt đầu đăng tải khá nhiều vấn đề liên quan đến mặt tích cực và tiêu cực của vị thành niên khi sử dụng FB cũng như ý kiến từ phía lãnh đạo nhà trường và phụ huynh về việc khắc phục tình trạng nghiện FB ở các em.
Với nhiều bạn trẻ, FB là niềm đam mê “tìm hiểu xã hội”. Nhưng khi lạm dụng thái quá, thì đam mê ấy lại trở thành “nghiện” và ảnh hưởng không ít đến thời gian học tập. Không ít vị thành niên mải mê FB đến nỗi quên cả việc nhà, trì hoãn việc làm bài tập, học hành.
tin liên quan
Ứng xử thiếu văn hóa ngày càng tăngNhiều ý kiến tại hội thảo về xây dựng môi trường văn hóa trong trường học do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng qua 12.10 đều cho rằng hiện tượng ứng xử thiếu văn hóa trong nhà trường hiện nay có xu hướng ngày càng gia tăng.
Đó là chưa kể hàng loạt sự lệch chuẩn hành vi khi sử dụng FB đã diễn ra. Cụ thể như lên FB chửi mắng thầy cô, kết bè kết phái và gây sức ép đối với bạn bè cùng lớp, cùng trường. Sử dụng FB để đăng tải những hình ảnh quái dị, những biểu hiện của lối sống lệch lạc, hiện tượng “nói là làm” thách đố nhau trên FB diễn ra gần đây… Tất cả đều là những trăn trở xét dưới góc độ nghiên cứu cần được lý giải.
* Trong kết quả nghiên cứu ấy, những con số nào đáng chú ý và suy ngẫm?
- Trong 424 trẻ vị thành niên, là những học sinh từ 15 - 18 tuổi được nghiên cứu thì có đến 414 trẻ đang sử dụng FB, chiếm tỷ lệ 97,6%. Có đến 31,4% sử dụng FB từ khi là học sinh THCS và 25,8% sử dụng FB khi là học sinh THPT. Bên cạnh đó, có 25,1% sử dụng FB nhiều khoảng một năm trở lại đây.
Có đến 27,8% trẻ sử dụng từ 3 giờ trở lên, 19,1% sử dụng liên tục, 31,6% sử dụng FB ở bất cứ nơi nào. Trong một tuần, có 36% trẻ sử dụng FB bất cứ lúc nào rảnh và có 27,5% sử dụng FB hàng ngày. Mỗi ngày, có đến 68,6% trẻ sử dụng bất cứ lúc nào khi rảnh và sử dụng mỗi ngày. Địa điểm sử dụng FB chủ yếu là ở nhà chiếm xấp xỉ 50%.
Đáng chú ý, có 2,7% trẻ sử dụng FB trong lúc di chuyển. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự an toàn trong quá trình sử dụng FB. Nếu như trong lúc di chuyển mà sử dụng FB thì rất dễ gây ra tai nạn nhất là trong lúc điều khiển các phương tiện tham gia giao thông.
tin liên quan
Trào lưu 'đủ like là làm': Những cú 'like' đẩy người vào chỗ chếtHiện tượng đưa ra những thách thức quái dị và gây nguy hiểm để câu
like trên mạng xã hội ngày càng bùng phát. Minh chứng là rất nhiều trường hợp đã xảy ra.
Trong số 414 trẻ có sử dụng FB được khảo sát thì kết quả có 56,3% ở mức có xu hướng nghiện, 37,5% ở mức nghiện nhẹ, 0,4% ở mức nghiện vừa và 0,2% ở mức nghiện nặng.
Một kiểu của hành vi nghiện mới
* Theo ông thì kết quả này có phải là đáng báo động không?
|
Xét trong những hành vi nghiện, hành vi nghiện FB có thể là một kiểu của hành vi nghiện mới. Hành vi này chưa hoàn toàn đáng sợ xét trên bình diện hậu quả lâm sàng hay hậu quả xã hội. Nhưng xét trên bình diện độ tuổi và nhân cách của con người, hành vi nghiện này sẽ ảnh hưởng khủng khiếp đối với hoạt động học tập của học sinh. Xét trên bình diện xã hội và văn hóa, hành vi này ảnh hưởng rất nhiều đến văn hóa nền tảng, sự tuân thủ những chuẩn mực văn hóa sẽ bị xem nhẹ nếu như không nói là bị “bỏ đi” khi hoạt động - hành vi sử dụng FB tùy tiện và vô tư. Lẽ đương nhiên, hậu quả lệch chuẩn trong hành vi ứng xử sẽ còn kéo dài và lan tỏa khi những cuộc ẩu đả, chém giết đã xuất hiện như hệ lụy của hành vi sử dụng FB. (Còn tiếp)
Bình luận (0)