Thông thường khi bắt đầu mùa mưa lũ, tại Hậu Giang mới xảy ra sạt lở. Nhưng năm nay, tình trạng này lại xảy ra vào những tháng cao điểm mùa khô gây nên một hiện tượng bất thường đáng lo ngại.
Sạt lở tại Hậu Giang đang diễn biến phức tạp mặc dù đang vào mùa khô
|
Vài ngày trước, đất quanh khu vực nhà bà Trần Thị Bé (73 tuổi, ngụ ấp Đông Sơn, xã Đông Phước, H.Châu Thành) lở ầm ầm kéo theo nhiều cây ăn trái và một phần phía sau căn nhà xuống sông.
“Hôm đó, tôi thấy tường nhà bị nứt nhưng đâu nghĩ là sẽ sạt lở nên vẫn đi tắm rửa rồi đi phơi quần áo. Vừa ra phía trước tôi nghe sụp ầm ầm, chạy ngược ra xem thì thấy 2 cây mít, 2 cây dừa và một phần phía sau nhà trôi luôn xuống sông”, bà Bé nói.
Chỉ vào một điểm sạt lở trước nhà cách nay hơn 10 ngày, ông Lê Văn Năm (ở ấp Phước Thuận, thị trấn Ngã Sáu, H.Châu Thành) cho biết: “Khu vực này năm trước đã lở 3 lần, dài hơn 100 m. Năm nay lở dài khoảng 27 m, sâu vào 2 m”.
Những năm gần đây, mỗi năm tại H.Châu Thành xảy ra gần 20 vụ sạt lở bờ sông làm thiệt hại nhiều tài sản, cây trái, hoa màu và nhà cửa của người dân nhưng các vụ sạt lở thường xuất hiện trong mùa mưa lũ. Năm nay, tình trạng sạt lở lại bất thường diễn ra ngay trong cao điểm mùa khô.
Theo thống kê của ngành chức năng, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn H.Châu Thành đã xảy ra 8 vụ sạt lở, tăng 6 vụ so với cùng kỳ năm trước. Các điểm sạt lở có chiều dài từ 12 - 30 m, sâu vào đất liền 1 - 3 m.
Ông Trần Quang Hành, Trưởng phòng NN-PTNT H.Châu Thành, cho biết do nhiều nơi trên địa bàn huyện nằm cặp sông Hậu nên chịu ảnh hưởng của biên độ triều với 2 lần nước lên xuống mỗi ngày, kết hợp với dòng chảy mạnh nên hầu hết các tuyến kênh, rạch ở địa phương đều có nguy cơ sạt lở cao. Mặt khác, nhiều hộ dân làm đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái đã cho xáng múc quá gần bờ tạo hiện tượng xoáy hàm ếch gây sạt lở. Năm 2014, huyện đã phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh vận động gần 20 hộ ra khỏi vùng sạt lở với mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ.
“Đến thời điểm này vẫn chưa có giải pháp cụ thể, hiệu quả để ngăn chặn sạt lở. Trước mắt, các ngành chức năng tập trung vận động người dân trồng cây bần và kè mé bỏ đá vào để hạn chế sạt lở; đồng thời tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân ở những khu vực có nguy cơ sạt lở di dời đến nơi an toàn”, ông Hành nói.
Bình luận (0)