Tai nạn điện tăng đột biến
Theo ông Lê Thành Thanh, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng, nếu năm 2015, toàn tỉnh xảy ra 15 vụ tai nạn điện, làm chết 14 người; năm 2016 xảy ra 8 vụ, làm chết 6 người thì chỉ trong 10 tháng năm 2017 đã xảy ra 28 vụ, làm chết 28 người. Như vậy, số vụ tai nạn điện của năm nay tăng đột biến so với các năm trước và cao nhất từ trước đến nay.
|
|
Đầu tháng 10.2017, một vụ tai nạn điện nghiêm trọng đã xảy ra tại ấp Tân Hưng (xã Vĩnh Hiệp, TX.Vĩnh Châu), làm ông Lê Văn Lợi thiệt mạng. Được biết, khi ông Lợi đi đóng cầu dao để chạy quạt ô xy ở ao tôm nhưng động cơ không hoạt động, ông liền cắt cầu dao để kiểm tra. Do cầu dao bị hỏng, dù đã cắt nhưng vẫn còn mang điện nên ông bị điện giật, chết tại chỗ. Trước đó, vào cuối tháng 2.2017, anh Đặng Minh N. (ngụ ấp Xẻo Su, xã Lai Hòa, TX.Vĩnh Châu) đi phát quang cây cối để chuẩn bị lắp quạt ô xy cho ao tôm, vô tình chạm vào dây dẫn điện tróc vỏ, bị điện giật tử vong, bỏ lại vợ và 2 con nhỏ.
Chỉ trong ngày 23.10, tại P.1 (TX.Vĩnh Châu) và xã Tham Đôn (H.Mỹ Xuyên) đã xảy ra liên tiếp 2 vụ tai nạn điện tại ao nuôi tôm, làm 2 người chết tại chỗ. Còn tại ấp Bình Du A, xã An Thạnh 2 (H.Cù Lao Dung), vào ngày 26.10 đã xảy ra chập điện làm ông Phan Quốc Phong tử vong. Nguyên nhân được cơ quan chức năng xác định là trong quá trình sửa dàn quạt chạy ô xy nuôi tôm, ông Phong vô ý chạm vào ống trục lăn của quạt bị rò điện từ nắp hộp đấu nối nguồn điện của mô tơ, dẫn đến bị điện giật.
Đường dây điện kéo trên cột tre
Theo ông Huỳnh Minh Hải, Giám đốc Điện lực Sóc Trăng, nguyên nhân chủ yếu xảy ra các vụ tai nạn điện trong dân là do sử dụng điện không an toàn, như hệ thống điện sau công tơ khách hàng tự đầu tư, tự câu kéo chưa đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Các hộ nuôi thủy sản nhỏ lẻ câu kéo điện sử dụng theo mùa vụ, không quan tâm đến vấn đề an toàn, chủ yếu kéo điện sao cho ít tốn chi phí nhất. Qua thời gian sử dụng, người dân không thay thế, sửa chữa kịp thời dẫn đến rò điện ra vỏ mô tơ hoặc dàn quạt. Bên cạnh đó, bà con còn tự ý sửa chữa điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất nhưng không có kiến thức về an toàn điện; sử dụng thiết bị điện không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Ngoài các nguyên nhân trên, theo ông Hải, có trường hợp bị điện giật do chủ quan, như kéo đường dây cấp điện cho mô tơ bơm nước, thu hồi dây điện ngoài ao tôm nhưng quên cắt điện, dùng dây điện bẫy chuột hay trong quá trình sửa chữa không cắt điện...
Còn theo ông Lê Thành Thanh, trong số các vụ tai nạn về điện thì có khoảng 80% là do rò rỉ mô tơ bởi bà con sử dụng mô tơ kém chất lượng, không đúng tiêu chuẩn. Trong quá trình sử dụng, mô tơ không được bảo quản tốt, che chắn kỹ lưỡng, vị trí lắp đặt ở nơi ẩm thấp rất dễ dẫn đến bị hư hỏng, rò điện, chạm chập. Nhiều hộ nuôi tôm lắp đặt mô tơ không sử dụng dây nối đất an toàn để giảm nguy hiểm khi có sự cố xảy ra, nên dễ xảy ra tai nạn điện cho người dân, nhất là vào mùa mưa bão. Bên cạnh đó, đường dây điện thường được kéo trên các cột tre, bạch đàn, là là mặt đất, mặt nước, rất dễ vướng vào người qua lại.
tin liên quan
Kéo giảm sự cố vi phạm hành lang an toàn lưới điện
Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đang tăng cường giải pháp kéo giảm tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp và tai nạn điện trên địa bàn 21 tỉnh, thành phía nam.
Bình luận (0)