Báo động tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ nhỏ

24/12/2007 17:56 GMT+7

(TNO) Theo điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay tỉ lệ trẻ em bị thiếu vi chất dinh dưỡng như vitamin A, vitamin C, vitamin B1, B2, canxi, sắt, kẽm… rất cao, dù tỉ lệ suy dinh dưỡng do thiếu protein và năng lượng đang ngày được cải thiện, đặc biệt ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Cách đây khoảng 2 tháng, bé Ti con của chị M. (ngụ tại P.18, Q.Tân Bình, TP.HCM) đã được 18 tháng tuổi bỗng nhiên biếng ăn, người gầy gộc hẳn, hay ho khan và đặc biệt da tay chân khô ráp. Nhận thấy sự thay đổi bất thường của con, chị M. nhanh chóng đưa cháu đi khám bác sĩ. Tại đây sau khi thăm khám các bác sĩ cho biết con chị M. đã bị thiếu vi chất dinh dưỡng nên dẫn đến tình trạng trên. Hiện nay, tình trạng các bé bị thiếu vi chất dinh dưỡng như con chị M. rất phổ biến.

Mới đây, theo kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường TNS về chế độ ăn uống của 330 trẻ em Việt Nam từ 4-12 tháng tuổi ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM cho thấy khẩu phần ăn của đa số những trẻ này không cung cấp đủ (so với nhu cầu khuyến cáo của Bộ Y Tế 2004) vi chất dinh dưỡng quan trọng như sắt, kẽm và vitamin A cho trẻ. Cụ thể là thiếu sắt từ 13% - 18%, thiếu vitamin A từ 2,5% - 7,5%, thiếu kẽm từ 3% - 10%.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hoa - Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), vi chất dinh dưỡng là chất dinh dưỡng không sinh ra năng lượng và lượng cơ thể cần rất nhỏ (dưới 1mg/ngày) nhưng rất cần cho sự sống, nếu thiếu chúng thì cơ thể có thể bị chậm phát triển, bệnh tật, thậm chí tử vong (nếu như thiếu quá nhiều). Đặc biệt, chúng không được sinh ra trong cơ thể, nên hoàn toàn phải cung cấp từ thức ăn. Đó là vitamin và muối khoáng. Vitamin A, vitamin C, vitamin B1, B2, canxi, sắt, kẽm… đều là những vi chất dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển và tăng trưởng của trẻ. Nếu thiếu các vi chất này sẽ dễ khiến trẻ chậm phát triển. Cụ thể, sắt giúp não bộ phát triển và tăng cường hệ miễn dịch nếu thiếu trẻ sẽ biếng ăn, giảm chỉ số thông minh. Kẽm là một nhân tố quan trọng cho hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch, thiếu kẽm trẻ sẽ kém phát triển chiều cao, biếng ăn, dễ bị nhiễm khuẩn. Trong khi đó, vitamin A đóng vai trò quan trọng không kém cho sự phát triển của mắt và da nếu thiếu trẻ sẽ dễ bị nhiễm khuẩn, mắt nhìn kém…

Bằng cách thay thế một trong những bữa ăn được chế biến hàng ngày cho trẻ bằng các loại thức ăn giàu dinh dưỡng như bột ngũ cốc, trẻ em ở độ tuổi 4-12 tháng tuổi có thể tránh được nguy cơ thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng quan trọng cho cơ thể.

Khi nghe bác sĩ nói con mình bị thiếu vi chất dinh dưỡng chị M. hết sức ngạc nhiên bởi chị vốn là người cẩn thận yêu thích y học nên trước khi có bé Ti chị M. đã tìm hiểu, đọc nhiều tài liệu về cách nuôi, chăm sóc trẻ nhỏ. Ngoài việc cho con bú bằng sữa mẹ chị còn cho cháu ăn dặm thêm rất nhiều. Vậy thì tại sao con chị vẫn bị thiếu vi chất dinh dưỡng. Theo bác sĩ Hoa, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ như ăn không đủ lượng (trẻ ăn ít, trẻ bị bệnh…), thức ăn giảm chất lượng (do bảo quản), do sự tương tác của các loại thực phẩm (phytate giảm hấp thu sắt)… Thường khi trẻ bị thiếu các vi chất dinh dưỡng sẽ có những biểu hiện cụ thể bên ngoài như: thiếu sắt da trẻ sẽ nhợt nhạt, móng tay mềm, dễ gãy; thiếu vitamin A da tay trẻ nhăn nheo, thô ráp, mắt khô, quáng gà, răng mọc không đều; vết thương khó lành, hay bị cảm lạnh, ăn uống kém thậm chí còn chán ăn thường xuyên, chậm lớn, sức đề kháng giảm, bộ phận sinh dục chậm phát triển... là biểu hiện trẻ bị thiếu kẽm…

Việc theo dõi các biểu hiện như trên ở trẻ thường không chính xác 100% và không phải lúc nào cũng thực hiện được vì vậy theo các bác sĩ cách tốt nhất để phòng ngừa nguy cơ thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ là nên bổ sung các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng bên cạnh các bữa ăn hằng ngày của trẻ. Để đảm bảo sức khỏe tốt cho trẻ nhỏ theo bác sĩ Hoa cần cho trẻ ăn trong lứa tuổi nhỏ như sau:

- Trẻ từ sơ sinh tới 6 tháng tuổi: Bú mẹ hoàn toàn (không ăn uống bất cứ một loại thức ăn nào ngoài sữa mẹ).

- Từ 4 - 6 tháng: Tất cả các trẻ phải tập ăn bột. Bột phải đủ 4 nhóm thực phẩm (bột, đạm, dầu, rau). Thực phẩm phải đảm bảo chất lượng (tươi, nấu ăn ngay), và phải ăn cả xác thực phẩm. Và vẫn bú mẹ hoặc uống sữa khoảng  500ml - 700ml  mỗi ngày.

- Trẻ lớn hơn 6 - 12 tháng: Ngày ăn từ 3 - 5 bữa bột hoặc cháo đủ 4 nhóm thức ăn và sữa mẹ hoặc 500ml sữa/ngày.

- Bổ sung các bữa ăn dặm bằng những thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng (bột ngũ cốc có bổ sung sắt, kẽm, vitamin A…). Cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, tránh hậu quả sức khỏe nếu can thiệp muộn.

Trần Lu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.