(TNO) Thời gian vừa qua tình trạng buôn lậu tại các cửa khẩu, đặc biệt cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất rất phức tạp. Đặc biệt, nhiều vụ vận chuyển ma túy đến mức báo động…
Đó là thông tin được nêu ra tại cuộc họp của UBND TP.HCM vào chiều nay 26.7 về tình hình buôn lậu tại các cửa khẩu hải quan.
Số liệu của Cục Hải quan TP.HCM cho biết trong năm 2012 phát hiện bắt giữ 6.909 vụ; 6 tháng đầu năm 2013 phát hiện bắt giữ thêm 3.401 vụ buôn lậu, gian lận thương mại (hàng cấm, sai tên hàng, sai chủng loại, xuất xứ hàng hóa…).
|
Đáng chú ý, số vụ vận chuyển chất ma túy gây nghiện bị phát hiện ngày càng nhiều, quy mô ngày càng lớn.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, tính từ năm 2012 đến nay, Cục Hải quan TP.HCM đã phát hiện bắt giữ khoảng 80 kg ma túy các loại.
Riêng trong tháng 7, Cục Hải quan TP.HCM phát hiện lô hàng do bà Phạm Thị Hoa đứng tên xuất khẩu sang Úc 8 kg tiền chất ma túy qua đường chuyển phát nhanh (khai là cà phê, bột mè đen); phát hiện lô hàng do ông Nguyễn Văn Thanh đứng tên xuất khẩu đi Úc 6 kg tiền chất ma túy (khai là cà phê, bột đậu đỏ, mít sấy, khoai môn sấy); phát hiện lô hàng do Nguyễn Thị Mai đứng tên xuất khẩu đi Úc 3 kg tiền chất ma túy (trộn lẫn trong bột nêm và bột bánh xèo)…
Điển hình nhất là vụ Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện và bắt giữ 3.186 bó Erimins (796.500 viên) có thành phần Nimetazepam (chất hướng thần) ước tính trị giá trên 300 tỉ đồng do Công ty TNHH dịch vụ vận tải và thương mại Việt Hoa làm thủ tục nhập khẩu giấu trong thùng loa.
|
Kẽ hở thông quan điện tử
Thông quan điện tử là một hoạt động cải cách hành chính theo chủ trương của Chính phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh. Song trên thực tế đã phát sinh nhiều kẽ hở khiến doanh nghiệp làm ăn bất chính lợi dụng.
Đến thời điểm này, Cục Hải quan TP.HCM đã triển khai thông quan điện tử tại 12/12 chi cục trực thuộc, với trên 30.000 doanh nghiệp tham gia, số lượng tờ khai hải quan đạt gần 100%.
Nhìn nhận thông quan điện tử mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp (đối với tờ khai luồng xanh thường thông quan chỉ trong vòng 3 phút), nhưng bà Nguyễn Thị Thu Hương cho biết một số doanh nghiệp đã lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế quản lý để cố tình thực hiện hành vi buôn lậu và gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh, manh động gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng.
Nguyên nhân tạo ra những kẽ hở này, theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, là do cơ sở dữ liệu về quản lý rủi ro hiện nay chưa được xây dựng, cập nhật đầy đủ; các danh mục hàng hóa quản lý chuyên ngành của các bộ, ngành chưa được chuẩn hóa…
Theo bà Hương, số vụ buôn lậu và gian lận thương mại tăng nhanh chóng, năm 2010 chỉ hơn 500 vụ, đến nay đã lên 3.800 vụ.
“Đây là vấn đề hết sức phức tạp”, bà Hương nhận định.
Cần có sự “nối mạng” Do hiện nay chưa có sự kết nối giữa các đơn vị nên khó kiểm soát được nguồn hàng vào - ra khỏi địa bàn quản lý của hải quan, giữa hải quan với cảng và sân bay. Hệ thống tự động kiểm tra, tiếp nhận đăng ký tờ khai của hải quan điện tử chưa có chức năng cảnh báo, ngăn chặn tờ khai trùng dẫn đến nhiều trường hợp doanh nghiệp lợi dụng khai trùng nhiều tờ khai cho 1 lô hàng và lựa chọn tờ khai có luồng miễn kiểm tra để đi nhận hàng... Cục Hải quan TP.HCM kiến nghị các bộ, ngành cần có sự nối mạng, nhất là trong điều kiện thông quan điện tử như hiện nay để triển khai đồng bộ, ngăn chặn kịp thời các vi phạm. |
Bài, ảnh: Đình Phú
>> Lãnh án tử hình vì tham gia vận chuyển ma túy
>> Vận chuyển ma túy ba phụ nữ lãnh án tử hình
>> Phạt tù cha con người nước ngoài vận chuyển ma túy
>> 20 năm tù cho kẻ vận chuyển ma túy thuê
>> Vận chuyển ma túy, Việt kiều lãnh án
>> Công an Hải Phòng bắt vụ vận chuyển ma túy đá lớn nhất từ trước tới nay
>> CSGT truy bắt kẻ vận chuyển ma túy
Bình luận (0)