Báo động tình trạng xâm hại rừng dừa nước Hội An

Hữu Trà
Hữu Trà
25/05/2018 16:31 GMT+7

Nhiều rủi ro, thách thức đáng báo động đối với các hoạt động khai thác du lịch, dịch vụ tại rừng dừa nước ở xã Cẩm Thanh, Hội An.

Ngày 25.5, UBND TP.Hội An phối hợp với Ban quản lý (BQL) Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An và UBND xã Cẩm Thanh tổ chức tọa đàm “Du lịch sinh thái Cẩm Thanh - hiện trạng và giải pháp” nhằm cảnh báo những tác động nghiêm trọng khi khai thác du lịch thiếu bền vững làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo tồn, đa dạng sinh học tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An.
Theo UBND TP.Hội An, những năm gần đây lượng khách đến xã Cẩm Thanh ngày càng tăng. Chỉ tính lượng khách lưu trú tại các cơ sở dịch vụ ở Cẩm Thanh từ 2014 - 2016 đã tăng gần 30% mỗi năm. Trong 5 tháng đầu năm 2018, đã có trên 300.000 lượt khách đến tham quan, du lịch, doanh thu bán vé tham quan rừng dừa nước tại Cẩm Thanh đạt gần 9 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo BQL Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, những con số tăng trưởng ấn tượng nêu trên đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, thách thức đối với sự phát triển du lịch sinh thái nói riêng, sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hội An nói chung.
Du lịch phát triển mạnh tác động nghiêm trọng đến rừng dừa nước Hội An Ảnh: HỮU TRÀ
Các loại hình dịch vụ phát triển rầm rộ, nhưng chủ yếu theo hướng đại trà, không có tính liên kết. Sự gia tăng du khách kéo theo nhu cầu sử dụng thực phẩm, tăng phát thải, xâm hại rừng dừa, gây tiếng ồn, xáo trộn môi trường và vòng đời tự nhiên của các loại hoang dã.
Thêm vào đó, tốc độ đô thị hóa, công trình hóa trong thời gian gần đây tại xã Cẩm Thanh đã và đang gây tác động rất lớn đến chất lượng môi trường, cảnh quan, sức khỏe hệ sinh thái rừng dừa nước, tính đa dạng sinh học, kể cả làm thay đổi nét văn hóa truyền thống của người địa phương.
Xã Cẩm Thanh có hệ sinh thái của vùng ngập cửa sông ven biển, được bao bọc bởi 3 con sông: Thu Bồn, Cổ Cò và Ba Chươm với hệ thống kênh rạch chằng chịt, được ví như miền Tây của Quảng Nam. Hai bên bờ các sông rạch dừa nước mọc thành rừng, quanh năm tươi tốt. Đặc biệt, là khu rừng dừa nước rộng 57,68 ha, là nơi du khách tìm đến tham quan, thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình.
Trong đó, nổi cộm là hoạt động tự phát, mạnh ai nấy khai thác dịch vụ chèo thuyền thúng nên xảy ra tình trạng nâng ép giá khách du lịch, tranh chấp lối đi, dẫn đến xô xát, gây mất an ninh trật tự làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Hội An. Ngoài ra, hoạt động biểu diễn lắc thúng chai phục vụ du khách tràn lan tác động mạnh đến khu vực sinh sản của các loài cá biển, cá sông và sử dụng loa phóng thanh trên thúng, trên thuyền du lịch khiến các loại chim, cò bỏ đi không về tá túc tại rừng dừa nước. Bên cạnh đó, nhiều du khách đến rừng dừa cũng vô tư bẻ cành, bứt đọt khiến dừa nước không phát triển...
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định: “Dịch vụ, du lịch phát triển mạnh mẽ đã làm thay đổi diện mạo, kinh tế ở xã Cẩm Thanh. Trước đây, Thành phố Hội An phải chu cấp gạo cứu đói cho người dân trong xã. Còn bây giờ rất nhiều gia đình đã khá giả, nguồn thu ổn định với thu nhập trên 1 triệu đồng/ngày… Tuy nhiên, nếu chỉ phát triển du lịch, dịch vụ theo hướng tự phát thiếu bền vững sẽ phá nát rừng dừa, mất cơ hội kiếm tiền”.
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hùng Linh, Phó chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh, cho rằng để xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan đến du lịch, dịch vụ ảnh hưởng đến rừng dừa, trong thời gian tới sẽ kiện toàn bộ máy tổ chức Ban quản lý du lịch xã, tăng cường trách nhiệm quản lý để từng bước đưa hoạt động du lịch đi vào nền nếp.

Ông Nguyễn Hùng Linh cũng đề xuất UBND TP.Hội An cần sớm quy hoạch không gian phát triển du lịch bền vững tại khu vực xung quanh rừng dừa, nâng cao chất lượng hạ tầng du lịch, triển khai các dự án nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị địa phương...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.