Đại diện các cơ quan chức năng ở Đắk Lắk đang yêu cầu bà H’Yu Bđap (giữa) đưa số trẻ em đi làm thuê ở TP.HCM về nhà - Ảnh Trung Chuyên |
Từ cuộc điện thoại cầu cứu…
Mới đây, Sở LĐ-TB-XH Đắk Lắk gửi văn bản đến Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đề nghị xác minh và phối hợp giải quyết khẩn cấp việc trẻ em ở Đắk Lắk bị dụ dỗ đi lao động tại TP.HCM.
Theo bà Bùi Thị Nga, Phó phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em Sở LĐ-TB-XH Đắk Lắk, vụ việc chỉ được phát hiện khi em H’Chiên, 14 tuổi, trú xã Yang Réh, H.Krông Bông, gọi điện thoại về cho người thân cầu cứu vì phải làm việc quá sức trong một cơ sở may mặc ở TP.HCM. Khi vào cuộc xác minh, các ngành chức năng giật mình trước số lượng không nhỏ trẻ em ở các xã vùng sâu bỏ học, nhiều trẻ phải đi làm thuê kiếm tiền cho gia đình. Báo cáo của Công an H.Krông Bông cho biết đến thời điểm cuối học kỳ 2 năm học 2013-2014, tại 3 xã Yang Reh, Ea Trul, Dang Kang có 79 học sinh tiểu học, THCS bỏ học vì nhiều lý do; trong đó có 14 trẻ đã đi lao động ở T.HCM. Sau đó, Sở LĐ-TB-XH Đắk Lắk tiếp tục kiểm tra, thống kê danh sách 16 em từ 9-16 tuổi làm việc cho các cơ sở may mặc ở TP.HCM không có hợp đồng lao động, phải làm việc từ 7-22g hằng ngày. Các chủ cơ sở may mặc đã thỏa thuận với gia đình các em là làm việc đến cuối năm mới trả lương 18 triệu đồng/em, nếu bỏ về giữa chừng thì sẽ không trả lương.
Bà Nga cho biết giữa tháng 6, một số gia đình muốn cho con em họ trở về nhà nhưng khi trao đổi qua điện thoại, các chủ cơ sở thuê lao động ở TP.HCM đã không chịu trả tiền lương vì cho rằng vi phạm thỏa thuận. Bà Nga bày tỏ lo ngại: “Việc nhiều trẻ em đi lao động, phần lớn là người dân tộc thiểu số, nhiều em là nữ, có thể đối mặt với nhiều nguy cơ ở một đô thị lớn như TP.HCM. Ngoài việc có thể bị ép buộc lao động nặng nhọc, không có người thân bên cạnh, các em dễ bị kẻ xấu lợi dụng vào các tệ nạn xã hội, bị lạm dụng, có thể tổn hại về tâm lý, sức khỏe…”
Tiếp tục làm rõ tình trạng trẻ làm thuê
Qua điều tra, số trẻ được đưa đi lao động nói trên do một phụ nữ tên H’Yu Bđap, ngụ xã Hòa Hiệp, H.Cư Kuin (Đắk Lắk) làm môi giới tuyển người. Cứ mỗi trẻ được thuê, chủ cơ sở tuyển dụng trả hoa hồng cho bà H’Yu từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Sau khi được các cơ quan chức năng giải thích, thuyết phục, đầu tuần này, bà H’Yu đã cam kết về TP.HCM đưa tất cả lao động là trẻ em trở lại Đắk Lắk.
Điều đáng nói là trong quá trình tìm hiểu, xử lý việc đưa trẻ vị thành niên đi làm thuê, các địa phương còn phát hiện thêm nhiều trường hợp tuyển lao động không đúng quy định pháp luật. Ông Dư Trường Sơn, Phó trưởng công an xã Hòa Hiệp, cho hay qua kiểm tra trên địa bàn xã có đến 23 người môi giới tuyển lao động ở các thôn, buôn đi làm ở TP.HCM, nhưng chỉ mới phát hiện trường hợp bà H’Yu Bđap tuyển lao động là trẻ em. Hiện chính quyền xã Hòa Hiệp đang chỉ đạo tuyên truyền về pháp luật lao động, bảo vệ quyền trẻ em và vận động những người làm nghề môi giới đưa số lao động trẻ em đi làm thuê trở về nhà.
Ông Phan Trọng Tùng, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đắk Lắk, cho biết ngoài địa bàn H.Krông Bông, sở đang xác minh thông tin nhiều trẻ em ở các huyện Ea Kar, Lắk cũng đi lao động ở TP.HCM. Theo ông Tùng, việc một số lượng lớn trẻ em ở các xã vùng sâu bỏ học, đi làm thuê là đáng báo động, ảnh hưởng đến quyền trẻ em, công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em; đồng thời vi phạm pháp luật về lao động. Điều này đòi hỏi các địa phương cần có giải pháp căn cơ, hiệu quả hơn trong công tác xóa đói giảm nghèo, giảm thiểu tình trạng trẻ em các gia đình nghèo khó phải bỏ học, làm thuê kiếm sống. “Ngoài việc đề nghị Sở LĐ-TB-XH TP.HCM phối hợp xử lý những cơ sở sử dụng lao động trẻ em bất hợp pháp trên địa bàn TP, chúng tôi cũng sẽ kiểm tra, đánh giá tình hình và tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các ngành, các cấp tích cực thực hiện các quy định bảo vệ quyền trẻ em, trong đó ngăn chặn, xử lý việc tuyển dụng lao động trẻ em vào các công việc nặng nhọc, độc hại”, ông Tùng nói.
Trung Chuyên
Bình luận (0)