Báo động văn hóa học đường, quan hệ giáo viên - phụ huynh

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
11/03/2023 06:58 GMT+7

Thạc sĩ Trần Trung Hiếu rất tâm tư về văn hóa học đường cũng như quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên hiện nay.

Học sinh đánh nhau chủ yếu là nữ giới

ThS Trần Trung Hiếu (Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) chọn cách cảnh báo về văn hóa học đường hiện nay khi nói về chủ đề "Đề cương về văn hóa - khởi nguồn và động lực phát triển". Theo ThS Hiếu, phần lớn thế hệ trẻ ngày nay có vốn kiến thức rộng, nhanh nhạy nắm bắt thông tin, có tinh thần học hỏi và tư duy sáng tạo. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một bộ phận học sinh vì nhiều nguyên nhân đã ứng xử một cách thiếu văn hóa, gây ảnh hưởng đến tinh thần và môi trường văn hóa giáo dục. "Hiện nay, văn hóa ứng xử học đường đang trong tình trạng đáng báo động. Có nhiều hành vi và lối ứng xử thiếu văn hóa của cả học sinh và giáo viên", ThS Hiếu đánh giá.

Báo động văn hóa học đường, quan hệ giáo viên - phụ huynh - Ảnh 1.

Hình ảnh học sinh lớp 7 đánh nhau bị tung lên mạng

Cắt từ clip

Ông Hiếu cho biết tình trạng học sinh đánh nhau diễn ra ở nhiều trường trong cả nước, đặc biệt là ở cuối bậc trung học cơ sở. Học sinh đánh nhau trong trường, ngoài đường, không chỉ dùng chân tay mà cả vũ khí tự chế. Lý do đánh nhau cũng đa dạng như "nhìn đểu", không cho chép bài, nói xấu, ghen tuông, đố kỵ nhau trên mạng xã hội hoặc đơn giản chỉ cho "bõ ghét".

"Một thực tế rất lạ là trước đây, học sinh đánh nhau chủ yếu ở cấp bậc trung học phổ thông, nay chuyển sang đối tượng là học sinh cấp trung học cơ sở. Trước đây chủ yếu là nam sinh đánh nhau, ngày nay chủ yếu là nữ sinh đánh nhau và đánh theo kiểu hội đồng", ông Hiếu đánh giá.

Vấn đề quan trọng là cách thức, hình thức nhắc nhở của giáo viên như thế nào để học sinh tâm phục, khẩu phục nhận ra cái sai của mình để sửa chữa và tiến bộ.


ThS Trần Trung Hiếu (Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An)

Theo ông, trong lúc mối quan hệ học sinh - học sinh có vấn đề, quan hệ thầy trò hay giáo viên - phụ huynh cũng có những biểu hiện đáng lo ngại. "Không chỉ đánh nhau, nói tục, chửi thề, cãi vã, hiện tượng học trò vô lễ, không tôn trọng thầy cô, gọi thầy cô bằng những từ ngữ vô văn hóa, xé bài kiểm tra trước mặt thầy, cãi thầy khi bị la mắng... diễn ra khá phổ biến ở nhiều trường. Nhiều nền nếp, tôn ti trật tự trong trường học bị đảo lộn. Ngày xưa trò sợ thầy, ngày nay nhiều thầy sợ trò. Giáo viên thì bạo lực, sàm sỡ, gạ tình học sinh, gây nên sự xuống cấp nghiêm trọng của văn hóa học đường", ông Hiếu cho biết.

Thêm vào đó, cũng có không ít phụ huynh "cậy quyền", "cậy tiền" có những hành động thiếu nhân văn, xem thường thầy cô giáo. Vì thế, mới có chuyện phụ huynh bắt cô giáo quỳ xin lỗi… "Những cái tát hay hành động bắt giáo viên quỳ gối... không chỉ làm đau một người mà còn làm "đau" lớp lớp nhà giáo, ảnh hưởng tới danh dự của ngành giáo dục và truyền thống cao quý tôn sư trọng đạo", ông Hiếu nhận định.

Báo động văn hóa học đường, quan hệ giáo viên - phụ huynh - Ảnh 3.

Bài thơ Cô giáo lớp em của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh được đưa vào sách giáo khoa và được nhiều thế hệ học trò yêu thích

LÊ HẢI ĐOÀN

Dân chủ quá trớn ?

Bên cạnh những lý do về việc cha mẹ thiếu quan tâm, hiệu ứng đám đông, ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội, ThS Trần Trung Hiếu nhắc đến quy định bất cập của Bộ GD-ĐT. Trong đó, theo Thông tư số 32 về ban hành điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, giáo viên không được xử lý kỷ luật học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện bằng hình thức phê bình trước lớp, trước trường. "Đó là điều rất không thực tế và một trong những cội nguồn dễ tạo ra nhiều hệ lụy cho giáo viên", ông Hiếu nhận định.

Theo ThS Hiếu, trong cuộc sống cũng như khi làm việc ở bất cứ mọi ngành nghề, lĩnh vực và công tác giáo dục đều luôn phải duy trì 2 yếu tố "pháp trị" và "đức trị". Nêu gương, khen thưởng khi có ưu điểm, thành tích, đồng thời cũng cần có phê bình, kỷ luật khi vi phạm kỷ cương, kỷ luật của nhà trường. "Bất kỳ mỗi quốc gia, dân tộc nào, dù ở trình độ văn minh hay kém phát triển, một xã hội mà không còn sự nhắc nhở, phê bình hay xử lý kỷ luật thì đó là một xã hội không còn kỷ cương, phép nước", ông Hiếu khẳng định.

Thậm chí theo ông: "Việc không được phê bình học sinh trước lớp, trước trường đã tước bỏ quyền giáo dục của giáo viên, của nhà trường và vô tình tạo cơ hội cho học sinh hành xử với giáo viên theo kiểu "dân chủ quá trớn", tạo tiền lệ nguy hiểm cho nhiều hành vi học sinh xem thường giáo viên - một điều khó chấp nhận trong ngành giáo dục từ xưa đến nay".

Là một giáo viên, ThS Hiếu luôn phản đối việc mạt sát, chửi bới, đánh đập học trò khi sai phạm. Tuy nhiên, ông cũng không đồng thuận việc không được phê bình học sinh trước lớp, trước trường. "Có thể bớt đi nội dung không phê bình học sinh trước trường, nhưng phê bình trước lớp là một động thái cần thiết. Vấn đề quan trọng là cách thức, hình thức nhắc nhở như thế nào của giáo viên để học sinh tâm phục, khẩu phục nhận ra cái sai của mình để sửa chữa và tiến bộ", ông Hiếu nói.

Ông Hiếu cũng đề xuất các giải pháp như các CLB rèn luyện kỹ năng sống, các hoạt động tình nguyện do nhà trường tổ chức nhằm tăng tính hướng thiện trong học sinh. Với học sinh cá biệt, cần kết hợp gia đình và nhà trường để uốn nắn, điều hướng các em vào phong trào của lớp, tránh sự phân biệt đối xử. Về phía gia đình, bố mẹ cần quan tâm và tạo ra một môi trường sống lành mạnh, yêu thương cho con cái, tăng cường phối hợp với nhà trường để nắm bắt tình hình học tập của con em.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.