Khoảng 20% học sinh rối nhiễu tâm lý
PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Chủ nhiệm khoa Sư phạm (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: theo số liệu điều tra, tỷ lệ trẻ em ở lứa tuổi học đường có dấu hiệu rối nhiễu tâm lý là hơn 20%. Cụ thể: tại Hà Nội và các tỉnh lân cận là 20%-30% (số liệu điều tra của viện Nhi T.Ư năm 2003); tại Biên Hòa là 10%-24% (số liệu điều tra của Sở GD-ĐT Đồng Nai năm 2000); thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần T.Ư năm 2004 là 15-20%... Theo khảo sát sức khỏe tâm thần học sinh trường học thành phố Hà Nội của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy trên mẫu nghiên cứu gồm 1.202 học sinh tiểu học và trung học cơ sở, tỷ lệ học sinh có vấn đề về sức khỏe tâm thần là 19,46%.
Nghiên cứu của nhóm tác giả thuộc Trung tâm nghiên cứu và phát triển cộng đồng tại một số trường trung học cơ sở cho thấy, những rối loạn liên quan đến sức khỏe tâm thần thường gặp ở học sinh là hành vi đánh nhau, nói dối, lấy đồ đạc vật dụng, bỏ học, chơi cờ bạc, trong đó nhiều học sinh "chọn" giải pháp bỏ nhà (hành vi chiếm tỷ lệ cao nhất trong các hành vi 6,34%). Đáng lưu ý, học sinh còn có các rối loạn khác liên quan đến sức khỏe tâm thần trong đó lo âu chiếm tỷ lệ cao nhất: 12,3%; sợ bẩn: 10% và trầm cảm chiếm 8,4%... Không chỉ có vậy, 2,6% học sinh còn tìm đến các chất gây nghiện như thuốc lá: 1,22%, rượu: 0,89%, ma túy 0,47%. Cũng tại nghiên cứu này cho thấy có 27,4% các bậc phụ huynh thấy con của họ có những rối loạn tâm thần trong kỳ thi như đau đầu, mất ngủ, mệt mỏi...
Do học tập căng thẳng?
Một nguyên nhân được nhiều nhà nghiên cứu đưa ra tại hội thảo là do học sinh phải chịu áp lực học tập quá lớn. Theo các nhà nghiên cứu của trung tâm nghiên cứu và phát triển cộng đồng, có tới 84,7% học sinh cho rằng học tập gây căng thẳng về tâm thần, trong đó 61% số học sinh cho rằng học nhiều, thi nhiều gây ra những biểu hiện như cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng; ngủ không ngon giấc và ăn không ngon miệng...
PGS.TS Đặng Bá Lãm - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và chương trình giáo dục của Bộ GD-ĐT nhận xét: Nội dung chương trình giáo dục phổ thông hiện nay đặt trọng tâm quá nặng nề về mặt trí lực; thậm chí dư thừa, quá tải; còn các vấn đề khác thì mờ nhạt thậm chí không có điều kiện để thể hiện như các môn kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống. So sánh với chương trình phổ thông ở một số nước thì ở hầu hết các nước đó chương trình phổ thông chỉ dạy 6 môn trong khi ở Việt Nam có tới 15 môn!
Cũng đồng ý với ý kiến này, Th.S Hoàng Mai, trường Cao đẳng Sư phạm T.Ư - TP Hồ Chí Minh bức xúc: "Trong khi chờ chương trình hoàn thiện thì các em đã chịu bao hậu quả: kỹ năng sống thì thiếu hụt, nghèo nàn, khập khiễng”.
Vũ Thơ
Bình luận (0)