Hôm nay 24.9, tại Trường ĐH Y tế công cộng (Hà Nội), đã diễn ra hội thảo khoa học kết nối VinFuture's InnovaConnect với chủ đề "Phòng chống tác hại của thuốc lá điện tử". Trong hội thảo, các chuyên gia lĩnh vực y tế công cộng của Việt Nam và quốc tế đã lên tiếng cảnh báo xu hướng thanh thiếu niên dùng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ngày càng tăng, trong đó có Việt Nam.
14% học sinh từng sử dụng thuốc lá điện tử
Theo GS Hoàng Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Y tế công cộng, nghiên cứu của ông và các cộng sự trong năm 2023, 2024 cho thấy tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử của thanh thiếu niên Việt Nam rất đáng lo ngại. Khoảng 14% học sinh được hỏi cho biết từng sử dụng thuốc lá điện tử, trong đó có 7% đang sử dụng, đây là tỷ lệ cao ở mức đáng báo động.
"Xu hướng này rất đáng lo ngại vì nó có khả năng đảo ngược các nỗ lực kiểm soát thuốc lá của chúng ta trong việc giảm tỷ lệ thanh thiếu niên hút thuốc. Điều này cũng chỉ ra rằng thuốc lá điện tử đang được quảng cáo hấp dẫn và dễ tiếp cận hơn đối với những bạn trẻ mới sử dụng và đã sử dụng thường xuyên. Tỷ lệ từng thử và đang sử dụng thuốc lá điện tử cao như hiện nay có thể gia tăng tình trạng sử dụng thuốc lá truyền thống trong tương lai do nicotine có tính gây nghiện cao", GS Hoàng Văn Minh nhận định.
Theo GS Hoàng Văn Minh, một trong những lý do chính khiến giới trẻ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là các em cảm thấy "ngầu". Các lý do khác là do ảnh hưởng từ bạn bè, vì tò mò và vì sự phổ biến của các sản phẩm này. Một tỷ lệ lớn học sinh (trong những người được hỏi) thiếu nhận thức về tác hại tiềm ẩn của những sản phẩm này. 23,5% học sinh không biết về tác hại của thuốc lá điện tử và 43,2% không biết về rủi ro của thuốc lá nung nóng.
Bị quảng cáo lôi kéo
Tình trạng này càng đáng lo trong bối cảnh các em chịu nhiều tác động từ xã hội như mức độ tiếp xúc cao với quảng cáo, đặc biệt là trên mạng xã hội, internet và tác động tiềm ẩn của những quảng cáo này đối với nhận thức của giới trẻ. 76,8% học sinh được hỏi đã cho biết các em từng nhìn thấy quảng cáo thuốc lá điện tử và 32,3% từng nhìn thấy quảng cáo thuốc lá nung nóng.
"Việc tiếp thị rộng rãi các sản phẩm này là điều đáng lo ngại, đặc biệt là khi quảng cáo trên mạng xã hội và internet đang rất thịnh hành", GS Hoàng Văn Minh chia sẻ.
GS Hoàng Văn Minh cho biết thêm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng trong giới trẻ Việt Nam không phải là cao nhất trên thế giới, nhưng nếu so trong khu vực Đông Nam Á thì đáng quan ngại.
"Việt Nam thiếu các quy định cụ thể về thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, điều này có thể khiến chúng trở nên dễ tiếp cận hơn, đặc biệt khi so sánh với Thái Lan hoặc Singapore, nơi đã thực hiện các lệnh cấm nghiêm ngặt đối với những sản phẩm này", GS Hoàng Văn Minh nói.
Nhiều nước đã cấm thuốc lá điện tử
Bà Bungon Ritthiphakdee, cố vấn cấp cao cho Liên minh phòng chống tác hại thuốc lá khu vực Đông Nam Á (SEATCA) và Giám đốc điều hành Trung tâm Quản trị và kiểm soát thuốc lá toàn cầu (GGTC), cũng chia sẻ kinh nghiệm kiểm soát các sản phẩm thuốc lá mới ở Thái Lan và Đông Nam Á.
Theo bà Bungon, mặc dù ngành công nghiệp thuốc lá và nicotine tuyên bố rằng các thiết bị thuốc lá điện tử (ESD) là lựa chọn thay thế ít gây hại hơn so với thuốc lá thông thường nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng phản bác lại tuyên bố này.
Các khí bay hơi từ ESD chứa các hóa chất độc hại có thể gây hại cho sức khỏe hô hấp và tim mạch, và tác động lâu dài của chúng vẫn chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng. Nguy cơ nghiện nicotine, đặc biệt là ở thanh thiếu niên, và ESD có khả năng dẫn đến việc hút thuốc lá truyền thống.
Trên thế giới, các cách tiếp cận để kiểm soát ESD rất đa dạng, từ lệnh cấm hoàn toàn đến các quy định hạn chế và không có quy định. Với bằng chứng rõ ràng và ngày càng tăng về tác hại của ESD và sự hấp dẫn của chúng đối với giới trẻ, các biện pháp nghiêm ngặt nhằm cấm hoặc hạn chế sản xuất, bán, phân phối, tiếp thị và sử dụng ESD là điều cần thiết để giảm thiểu sự hấp dẫn đối với thanh thiếu niên và ngăn chặn việc bình thường hóa sử dụng các thiết bị này. Hiện nay, hơn 40 quốc gia và khu vực đã cấm ESD.
Trong ASEAN, ESD bị cấm tại Brunei, Campuchia, Lào, Singapore và Thái Lan. Singapore đã cấm nhập khẩu và bán các sản phẩm thuốc lá điện tử từ năm 2011; năm 2017, lệnh cấm này được mở rộng bao gồm cả việc mua, phân phối, sử dụng, sở hữu, quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ cho ESD. Tại Thái Lan, từ năm 2014, việc nhập khẩu thuốc lá điện tử và chất lỏng điện tử đã bị cấm; năm 2015, lệnh cấm này được mở rộng để bao gồm cả việc bán các sản phẩm này. Thuốc lá nung nóng (HTPs) cũng bị phân loại là thuốc lá điện tử, do đó cũng bị cấm theo các quy định hiện hành.
Chia sẻ về bài học kinh nghiệm từ Úc, PGS Freeman (Trường Y tế công cộng, ĐH Sydney, Úc) cho biết tỷ lệ người hút thuốc hàng ngày ở nước này hiện đã ở dưới mức 10%. Tuy nhiên, để đạt được điều đó cần các biện pháp tiếp cận toàn diện nhiều mặt. Một giải pháp hiệu quả là thuốc lá điện tử chỉ được bán tại hiệu thuốc với các quy định nghiêm ngặt.
"Người trẻ sẽ không còn dễ dàng mua các sản phẩm ở những cửa hàng tiện lợi nữa. Mô hình này đã giúp giảm đáng kể tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ", PGS Freeman nói.
InnovaConnect là sáng kiến mới nhất của Quỹ VinFuture để tiếp nối thành công của chuỗi sự kiện "Đối thoại khám phá tương lai VinFuture" từ mùa giải VinFuture 2023. Điểm đặc biệt của chuỗi sự kiện InnovaConnect là các cuộc thảo luận hợp tác và hội thảo khoa học chuyên môn sâu được tổ chức trực tiếp ngay tại Việt Nam với sự tham gia của các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia hàng đầu thế giới và Việt Nam, qua đó khẳng định vai trò trở thành cầu nối vững chắc của VinFuture để tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của khoa học và công nghệ Việt Nam.
Bình luận (0)