Bão giật cấp 11 đổ bộ từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi

13/09/2016 06:05 GMT+7

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, cho biết đến chiều tối 12.9, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành cơn bão số 4 trên Biển Đông.

* Nhiều tỉnh cho học sinh nghỉ học tránh bão
 Lúc 18 giờ cùng ngày, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,8 độ vĩ bắc và 110,5 độ kinh đông, cách bờ biển Quảng Nam đến Bình Định khoảng 160 km về phía đông. Vùng gần tâm bão gió mạnh nhất đạt cấp 8, tức từ 60 - 75 km/giờ, giật cấp 9 - 11.

Đến sáng sớm 13.9, bão số 4 sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 9 - 11. Sau khi đi vào đất liền các tỉnh trung Trung bộ, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp trên khu vực nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ).

Cũng theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với đới gió đông bắc nên khu vực các tỉnh từ Hà Tĩnh đến phía bắc tỉnh Bình Định và các tỉnh Tây nguyên sẽ có mưa lớn phổ biến trong khoảng từ 100 - 200 mm và kèm theo lốc xoáy, gió giật mạnh, đề phòng lũ quét, lũ ống.
Cuối giờ chiều 12.9, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, chủ trì họp trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Thuận để triển khai ứng phó với cơn bão số 4. Ông Cường yêu cầu các địa phương dốc toàn lực ứng phó với bão số 4, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và các phương tiện trên biển; chủ động các biện pháp ứng phó với mưa lớn sau bão.
Thông tin từ Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), cho biết đến tối 12.9, biên phòng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đã phối hợp với địa phương thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 68.817 tàu với 298.205 lao động đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng đi của bão số 4 để chủ động di chuyển phòng, tránh bảo đảm an toàn. Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cũng yêu cầu lực lượng với 171.094 người bao gồm bộ đội và dân quân các địa phương cùng 2.354 phương tiện, trong đó có 73 xe lội nước, 118 tàu, 961 xuồng cao tốc và 3 máy bay ứng trực sẵn sàng làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xấu.
Trong ngày 12.9, nhiều tỉnh thành như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng... có mưa to trên diện rộng. Mưa làm nhiều điểm trong TP.Đà Nẵng ngập nặng, trong đó các tuyến Nguyễn Văn Linh, Quang Trung ngập sâu 40 - 50 cm do đang làm đường cống thoát nước... Tại địa bàn TP.Tam Kỳ (Quảng Nam), lượng mưa đo được 164 mm; ở một số vùng trũng thấp, người dân đã cấp tập thu hoạch lúa, sắn để “chạy” bão lũ. Các địa phương Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng đã cấm tàu thuyền ra khơi, yêu cầu các cơ quan chức năng liên lạc với các tàu cá chưa kịp vào nơi trú ẩn để kịp di chuyển tới vị trí an toàn, chuẩn bị phương án sơ tán dân khi cần thiết; chủ động ứng phó nguy cơ mưa lũ... Đà Nẵng và Quảng Nam cho phép học sinh nghỉ học trong ngày 13.9.
Nhiều tàu bị chìm
Trưa 12.9, tàu cá công suất dưới 90 CV của ngư dân Phạm Văn Hùng và tàu cá công suất trên 90 CV của ngư dân Nguyễn Ca (đều ở xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi), hành nghề trên vùng biển Quảng Ngãi, trong lúc di chuyển vào bờ để tránh trú áp thấp nhiệt đới, khi đến gần khu vực cửa Đại (xã Nghĩa An) thì 2 tàu cá bị mắc cạn và bị sóng lớn nhấn chìm. Cả 6 ngư dân đi trên 2 tàu cá bị nạn bơi vào bờ an toàn.
Trước đó, khoảng 15 giờ 30 ngày 11.9, thuyền trưởng tàu QNg 0279 (đang nạo vét cửa biển Tư Hiền, H.Phú Lộc, thuộc Công ty Mạnh Cường) xin vào cảng Chân Mây để tránh trú bão nhưng lại di chuyển vào hướng Đà Nẵng rồi gặp nạn, chìm cách mũi Chân Mây Đông 500 m. 3 thuyền viên trên tàu được cứu an toàn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.