Bao giờ bóng đá trẻ Việt Nam lại có thế hệ vàng?

Quốc Việt
Quốc Việt
19/10/2020 09:00 GMT+7

Dù đào tạo tài năng bóng đá trẻ Việt Nam ngày càng khó cho ra lò những tên tuổi lớn, nhưng thực tế VFF và các CLB hoàn toàn có thể làm tốt hơn để đều đặn có những thế hệ vàng như Công Phượng, Quang Hải , Tiến Linh... mới.

Lượng chưa đủ để nâng chất

Sau lứa Công Phượng, Duy Mạnh, Đức Huy... của U.19 Việt Nam 2014 và Quang Hải, Văn Hậu, Tiến Linh... của U.19 Việt Nam 2016, bóng đá Việt Nam xuất hiện khoảng trống rất lớn. Liên tiếp những lứa cầu thủ sau không giới thiệu được gương mặt nổi trội nào có thể “kèn cựa” thành tích với các đàn anh. Những giải trẻ trong nước cũng thấy quá ít mầm non nổi bật. Từ sau chức vô địch AFF Cup 2018, HLV Park Hang-seo chỉ có thể tìm được vài gương mặt dạng tiềm năng dự phòng như Bùi Hoàng Việt Anh, Lý Công Hoàng Anh, Hồ Tấn Tài...
Người hùng U.20 World Cup 2017 tại Hàn Quốc, từng đưa U.19 Việt Nam lọt vào đến tận bán kết VCK U.19 châu Á 2016, HLV Hoàng Anh Tuấn hiểu rõ nhất bài toán khó của đào tạo trẻ ở Việt Nam. Ông chia sẻ: “Thật ra 5 - 7 năm qua, Việt Nam đào tạo và đầu tư cho bóng đá trẻ bài bản hơn rất nhiều. Nhưng mới là hình thức ban đầu, muốn tăng chất lượng phải có số lượng. Chúng ta quanh đi quẩn lại chỉ có một số ít trung tâm đào tạo đúng mức thôi. Còn lại vẫn như cũ, ví dụ gần như toàn bộ khu vực miền Đông - miền Tây Nam bộ là “trắng”. Đồng Tháp từng vô địch U.17, U.19 chỉ là đột biến, còn đào tạo trẻ trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long là rất thấp.
Bóng đá Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào HAGL, Hà Nội, PVF, Viettel chứ chưa có đầu tư đột biến về chất lượng cho bóng đá trẻ. Mặc dù Việt Nam đã cải thiện nhiều hệ thống thi đấu, nhưng các giải bóng đá trẻ rất ít. Vòng loại quốc gia mỗi đội trẻ đá từ 8 - 10 trận. Nếu đá VCK vào đến chung kết thì có thêm 5 trận nữa, tối đa 15 trận. Mỗi năm 365 ngày, trung bình 25 ngày mới có một trận không giải quyết được gì cả. Bóng đá là thi đấu để kiểm tra, hoàn thiện chuyên môn, tư duy, thể lực, tâm lý thi đấu. Thế giới khẳng định cầu thủ trẻ mỗi năm cần ít nhất 45 trận cả thi đấu chính thức lẫn giao hữu mới phát triển toàn diện được. Giải quốc nội đã vậy, Việt Nam quá ít đội trẻ tham gia liên tục thường xuyên giải đấu ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á hay châu Âu để trau dồi, va chạm thi đấu với các đối thủ nước ngoài”.

HLV Hoàng Anh Tuấn (thứ 2 từ trái) động viên các tuyển thủ U.20 Việt Nam tại FIFA World Cup 2017

Độc Lập

Bóng đá học đường phải có sự đầu tư thích đáng vì đó là nơi tìm ra cầu thủ tương lai nhiều nhất, số lượng các đội bóng tham gia nhiều nhất

HLV Hoàng Anh Tuấn

Thiếu tiền hay thiếu gì ?

HLV Hoàng Anh Tuấn đặt dấu hỏi: “Lẽ ra VFF nên mở những quỹ hỗ trợ cho các địa phương phát triển bóng đá cơ sở. Hay có nhiều cái tiết kiệm được, ví dụ sau mỗi mùa giải VFF, VPF mời các đoàn cán bộ đi học hỏi ở các nền bóng đá châu Âu hay Hàn Quốc, Nhật Bản... Kết quả là gì? Có những người không hiểu gì chuyên môn, có người không làm bóng đá cũng đi. Tiền đó để hỗ trợ các CLB, địa phương làm bóng đá trẻ không tốt hơn sao? Nếu đã bỏ tiền, VFF và VPF nên đầu tư chuyên sâu HLV tiềm năng, nhà quản lý tiềm năng sang nước ngoài học việc công nghệ tổ chức, quản lý, đào tạo, xây dựng hệ thống chuyên môn trong 1 - 2 năm để về phục vụ cho bóng đá Việt Nam. Nhưng phải là những người thực sự làm chuyên môn, quản lý chứ không phải những người hết thời đi theo... chụp hình!”.
Với kinh nghiệm từng đóng vai trò “tổng quản” PVF, ông Hoàng Anh Tuấn cho rằng: “Có những địa phương không đủ ăn cho cầu thủ là có thật. Khó khăn về điều kiện tập luyện, chế độ dinh dưỡng là có thật, rất nhiều. VFF phải có ngân sách đào tạo trẻ cho các địa phương, để hỗ trợ họ từ trang thiết bị, chi phí hoạt động, sân bãi... Dài hơi hơn là đào tạo những HLV đứng lớp, đội ngũ quản lý... Muốn trò giỏi thì thầy phải giỏi, còn không cũng phải biết về bóng đá. Nhiều HLV ở các trung tâm chỉ là giáo viên thể chất, không biết về bóng đá. Chúng ta hoàn toàn có thể cải thiện bằng những lớp đào tạo chuyên môn để giúp họ. Chúng ta không thể nói rằng không có tiền thì không làm được gì cả.

U.20 Việt Nam trận gặp Pháp

Độc Lập

Vai trò của VFF là rất lớn để vận động tài trợ, tìm kiếm ngân sách hỗ trợ các địa phương khó khăn vì PVF, HAGL, Viettel, Hà Nội... chỉ là số hiếm. Còn về lâu về dài, bóng đá học đường mới là căn cơ để bóng đá Việt Nam đều đặn có những thế hệ vàng. Ngoài giá trị xã hội, bóng đá học đường còn đem đến cái lợi rất lớn về chuyên môn. Bóng đá học đường phải có sự đầu tư thích đáng vì đó là nơi tìm ra cầu thủ tương lai nhiều nhất, số lượng các đội bóng tham gia nhiều nhất. Tuyển sinh, tuyển trạch không đâu bằng trường học cả. Đó là điều Nhật Bản, Hàn Quốc và thế giới đã chứng minh”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.