Bao giờ các công ty Việt Nam đạt tầm cỡ khu vực và thế giới?

05/10/2007 00:40 GMT+7

Một trong những sự kiện kinh tế gây nhiều chú ý trong tuần qua là việc Chương trình phát triển LHQ (UNDP) công bố danh sách "200 công ty hàng đầu Việt Nam". Đây là lần đầu tiên một danh sách những công ty hàng đầu của Việt Nam được một tổ chức có uy tín quốc tế công bố dựa trên các tiêu chí cơ bản là tài sản, doanh thu, lao động và nộp thuế. Có thể xem nó như một dạng khởi thủy của danh sách "Fortune Global 500" nổi tiếng của Tạp chí Fortune liệt kê một "bảng phong thần" 500 công ty hàng đầu thế giới.

Có thể dễ dàng nhận thấy gần 3/4 số doanh nghiệp (DN) có tên trong danh sách 200 DN lớn nhất Việt Nam là các DN nhà nước, trong đó phần lớn là thành viên của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Số còn lại là 22 DN tư nhân và 56 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (loại trừ DN 100% sở hữu nước ngoài). Trong top 10 DN lớn nhất, đứng đầu là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, tiếp sau là các tên tuổi lớn của ngành bưu chính - viễn thông, điện lực, ngân hàng... và không có tên tuổi nào của DN tư nhân.

Có thể thấy sự áp đảo không mấy ngạc nhiên của các DN nhà nước trong danh sách các DN lớn nhất Việt Nam theo các tiêu chí tài sản, doanh thu, thuế và lao động. Đánh giá về quy mô của các công ty Việt Nam ngay lời mở đầu của bản danh sách bản báo cáo nhận xét: "Các doanh nghiệp lớn nhất của Việt Nam là lớn so với các doanh nghiệp khác ở Việt Nam, nhưng so với quốc tế thì giống như các doanh nghiệp vừa và nhỏ".

Trong “bảng phong thần" Global 500, tức 500 công ty lớn nhất toàn cầu của Tạp chí Fortune bình chọn, hiện chỉ có 3 công ty thuộc 3 quốc gia trong khu vực ASEAN là Thái Lan, Singapore, Malaysia được xếp hạng. Trong một bảng xếp hạng khác của Tạp chí Forbes - "Global 2000" thì danh sách các công ty tại các nước ASEAN có dài thêm, tuy nhiên doanh thu, tài sản và giá trị thị trường cũng giá trị cỡ 3 tỉ USD trở lên. Khi xếp hạng các công ty hàng đầu, Tạp chí Fortune có nêu các tiêu chí, đứng đầu là doanh thu, sau đó đến lợi nhuận, rồi tài sản và cuối cùng là giá trị thị trường.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, xét theo tiêu chí về doanh thu và tài sản thì nhìn vào danh sách 10 công ty hàng đầu Việt Nam trong "top 200" có rất nhiều công ty có thể đứng vào danh sách Global 2000 của Tạp chí Forbes. Tuy nhiên người ta đã không xếp được vì rất khó đánh giá một doanh nghiệp Việt Nam theo các tiêu chí của Fortune, nhất là DN nhà nước, đặc biệt là không thể đánh giá được giá trị thị trường của nó, tức là tính giá trị của nó trên thị trường chứng khoán.

Điều cần lưu ý là có nhiều doanh nghiệp lớn đang tìm kiếm lợi nhuận từ các đầu tư mang tính đầu cơ mà bắt đầu lơ là các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. "Vấn đề đáng nói là cơ cấu chính sách có thể đã không đủ sức để hướng các DN đầu tư vào những ngành sản xuất, ngành công nghệ cao, vốn có lợi nhuận bền vững hơn", ông Jonathan Pincus - chuyên gia kinh tế của UNDP nhận xét. Một chuyên gia tài chính khác của UNDP, ông Jago Penrose nói rằng lãi thu được từ đầu tư bất động sản, từ thị trường vốn đang quá hấp dẫn trong môi trường đầu tư hiện tại, đã khiến nhiều DN, nhiều ngành bỏ qua việc tích lũy kỹ năng, công nghệ, kinh nghiệm và thị phần.

Ông Jonathan Pincus còn cho rằng các DN Việt Nam đang phải cạnh tranh với một tay bị trói chặt, đó là giáo dục và đào tạo. "Cải cách giáo dục, đào tạo và quan tâm tới kỹ năng đào tạo từ các trường đại học, dạy nghề sẽ là chìa khóa để DN Việt Nam lớn mạnh hơn trong cạnh tranh và nâng cao hiệu quả kinh doanh", ông Jonathan Pincus khuyến cáo.

N.N

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.