Chúng ta đã có thể xếp lại quá khứ để tha thứ cho người Pháp, người Mỹ... lẽ nào chúng ta không thể tha thứ cho chính mình và những đồng bào của mình?
"Bao giờ cho đến tháng Mười
Lúa chín trên cánh đồng giông bão
Ta để lại sau lưng những ngày dài mong đợi
Những mất mát, hy sinh, chịu đựng, khổ đau
Khi trời thu vẫn xanh mãi trên đầu..."
(Trích trong phim Bao giờ cho đến tháng Mười của đạo diễn Đặng Nhật Minh)
|
Tôi đã khóc khi xem bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười, để rồi ngồi bần thần sau khi bộ phim kết thúc. Đây có lẽ là một trong những bộ phim xúc động nhất mà tôi từng được xem...
Thế hệ chúng tôi sinh ra không biết đến bom đạn chiến tranh. Tôi chỉ hình dung về quá khứ dân tộc qua lời kể của ba tôi - một cựu chiến binh trong kháng chiến chống Mỹ và những bài học lịch sử ở trường. Những con số về mất mát, thương vong, hy sinh... chúng tôi phải học thuộc lòng cho những bài kiểm tra, những kỳ thi.
Nhưng có lẽ nhiều bạn trẻ như tôi không cảm nhận được gì nhiều đằng sau những con số đó. Phải đến khi đọc những cuốn sách như Mãi mãi tuổi 20 của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, hay Nhật ký Đặng Thùy Trâm, phải đến khi xem những bộ phim như Đừng đốt hay Bao giờ cho đến tháng Mười, thì tôi mới cảm nhận thật rõ ràng rằng chúng tôi đã may mắn biết bao khi được sinh ra và lớn lên trong hòa bình. Và để lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió, đã có biết bao nhiêu mất mát, hy sinh, chịu đựng, khổ đau...
Nhưng những mất mát, hy sinh, chịu đựng, khổ đau ấy nào có phải chỉ có ở một phía? Vượt lên tất cả những khái niệm "ngụy quyền", "kẻ địch"..., chúng ta đều là con người. Vì chiến tranh, dù là phe nào cũng có cảnh vợ mất chồng, con mất cha, những người lính mất đồng đội... Bài học quý giá nhất mà những cuộc chiến tranh đã qua để lại chính là giá trị vô giá của hòa bình!
Trong bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười, có một đoạn đối thoại khiến tôi nhớ mãi. Đó là đoạn đối thoại giữa cô Duyên và "vong hồn" người chồng đã hy sinh trong chiến đấu của cô vào phiên chợ âm - dương đêm rằm tháng bảy.
Người chồng: "Anh chỉ muốn những người sống được hạnh phúc. Chỉ có những người đang sống mới làm được điều đó. Anh đã làm xong phần việc của mình rồi".
Cô Duyên: "Không, anh vẫn luôn ở bên cạnh em. Và em lúc nào cũng nhìn thấy anh".
Người chồng: "Cái còn lại mãi mãi là cái không thể nhìn thấy được".
Phải, sức sống mãnh liệt vượt lên tất cả những mất mát, đau thương, tình yêu thương bao la, lòng chung thủy, đức hy sinh... chính là những điều không thể nhìn thấy được nhưng còn lại mãi mãi ấy. Và tôi coi lời người lính nói: "Anh chỉ muốn những người sống được hạnh phúc. Chỉ có những người đang sống mới làm được điều đó" là lời thúc giục cho thế hệ trẻ Việt Nam chúng ta nói chung, dù ngày xưa có thể cha ông chúng ta đã từng ở hai bên chiến tuyến. Nhưng hôm nay chúng ta, những người-đang-sống, chúng ta có trách nhiệm phải sống thật hạnh phúc và làm cho thật nhiều đồng bào chúng ta được hạnh phúc. Đó là trách nhiệm mà thế hệ đi trước đã trao truyền lại cho chúng ta. Và sau này chúng ta cũng sẽ trao truyền lại cho những thế hệ kế tiếp.
"Bầu ơi thương lấy bí cùng...". Chúng ta đã có thể xếp lại quá khứ để tha thứ cho người Pháp, người Mỹ... lẽ nào chúng ta không thể tha thứ cho chính mình và những đồng bào của mình?
Các bạn trẻ Việt Nam khắp năm châu, dù trước đây cha ông chúng ta từng là những người đối địch, thì giờ đây tất cả chúng ta là bạn, là đồng bào của nhau. Dòng máu Việt đang chảy trong người bạn, cũng giống như đang chảy trong người tôi. Và chúng ta có một mục tiêu chung đó là cùng nhau gìn giữ nền hòa bình quý giá đã được đánh đổi bằng máu xương của cha ông chúng ta, cùng nhau làm cho càng nhiều đồng bào Việt của chúng ta được sống hạnh phúc, để cái tên Việt Nam sáng đẹp mãi muôn đời. Vì tôi tin chúng ta là thế hệ được lựa chọn và vì trong chúng ta là sự có mặt của biết bao thế hệ đã qua...
Bùi Thị Minh Châu
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả, thạc sĩ Quản lý phát triển (Đại học Ruhr-University Bochum, CHLB Đức)
Bình luận (0)