Bao giờ có bình đẳng giới? (bài 2)

Nữ quyền về thực chất là "nhân quyền", "bình đẳng giới" về thực chất là "bình đẳng cơ hội". Nó khiến mọi người đều được đặt vào tay những cơ hội ngang bằng, được khát khao và chạm tới một cuộc sống do chính mình lựa chọn.

Nữ quyền về thực chất là "nhân quyền", "bình đẳng giới" về thực chất là "bình đẳng cơ hội". Nó khiến mọi người đều được đặt vào tay những cơ hội ngang bằng, được khát khao và chạm tới một cuộc sống do chính mình lựa chọn. 

Ảnh minh họa: ShutterstockẢnh minh họa: Shutterstock
Bài 2: Những lời khen là dây trói vô hình
Có hai từ mà tôi hoàn toàn không thể và không muốn dịch sang tiếng Anh, đó là từ "hiền" và "ngoan", giải pháp nào cũng có nghĩa tiêu cực. Tuy nhiên, trong tiếng Việt nó lại hàm ý tích cực, dù bản chất là một sự trớ trêu của định kiến xã hội. Nó vừa thể hiện những rào cản về giới (vợ hiền) lẫn cả những rào cản về thế hệ (con ngoan), với hàm ý rõ ràng về sự khuất phục và cam chịu. Khi được nhắc đi nhắc lại hàng trăm nghìn lần trong suốt quãng đời thơ ấu thì chúng trở thành những tố chất định vị chất lượng và mục tiêu của cuộc sống.
Vợ hiền con ngoan trở thành một thước đo thành công của người đàn ông, thậm chí đến mức sự nghiệp của người vợ trở thành mối đe doạ với cái tôi khủng khiếp của đàn ông. Đơn giản vì giá trị của họ đã được khẳng định từ khi còn trong nôi kia mà: đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm; đàn ông lo việc lớn cứu rỗi thế giới, đàn bà nấu cơm quét nhà; đàn ông ăn to nói lớn, đàn bà lặng lẽ khiêm nhường; đàn ông kiếm tiền, đàn bà đẻ con; đàn ông dẫu có nông nổi thì tri thức nhìn cũng hút cả mắt như cái giếng khơi, đàn bà dẫu có sâu sắc thì rốt cục cũng chỉ nông choèn choẹt như cái cơi đựng trầu.
Như một viên đạn bọc đường, những lời khen sắc đẹp là thủ phạm khiến phụ nữ quên rằng họ xứng đáng được nhìn nhận ở một tầm vóc sâu sắc hơn, thực chất hơn, công bằng hơn.
Hơn thế, với phụ nữ, "hiền" thôi chưa đủ, phải đẹp nữa. Chúng ta khen phụ nữ đẹp như một thói quen, và vô thức mặc định nó như một tiêu chuẩn, biến nó thành áp lực và gánh nặng, tôn vinh nó thành một tố chất đương nhiên "phải có" của phụ nữ. Điều này không chỉ bất công với đàn ông - những nguời hoàn toàn cũng có quyền được làm đẹp như ai, mà còn thay đổi cách chính những người phụ nữ tự đánh giá bản thân mình. Danh sách tiêu chuẩn chất lượng của phụ nữ luôn có chữ sắc, ngầm mặc định giá trị của cô ta nằm ở chỗ cô ta là "gái", là thực thể nhục tính (sex object). Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu, mục đích tồn tại của phụ nữ là để phục vụ cho nhục tính của đàn ông. Điều này khiến cho những giá trị tài năng khác bị lu mờ, trở thành thứ yếu trong bậc thang đánh giá phẩm chất, thậm chí trở thành rào cản (đàn bà học cao khó lấy chồng, đàn bà giỏi khiến đàn ông sợ, đàn bà tham vọng thì phải trả giá...). Khả năng của phụ nữ được công nhận khi nó không làm tổn hại đến đàn ông, nhưng khi nó trở thành điều đe doạ ngôi vị thống soái của của đàn ông thì phụ nữ sẽ được nhắc nhở rằng sắc đẹp và sự ngoan hiền mới là tiêu chuẩn đánh giá cô ta có đáng mặt đàn bà hay không.
Như một viên đạn bọc đường, những lời khen sắc đẹp là thủ phạm khiến phụ nữ quên rằng họ xứng đáng được nhìn nhận ở một tầm vóc sâu sắc hơn, thực chất hơn, công bằng hơn. Đơn giản vì sắc đẹp đó không đến từ sự tự thoả mãn nhu cầu đẹp nội tại mà là đẹp như một thực thể nhục tính cho đàn ông. Ngày xưa, bàn chân bị bẻ gẫy xương và bó thành “gót sen ba tấc” của phụ nữ Trung Hoa cổ là tín hiệu nói rằng chồng hoặc cha cô ta đủ giàu có để nuôi một kẻ chỉ đi lại loanh quanh trong nhà. Một chiếc eo thon nhỏ hay vòng ba đầy đặn là tín hiệu của nguời phụ nữ khéo chiều chồng nuôi con. Người ta khen phụ nữ mặc áo dài đẹp có thể vì nó tôn lên thân hình của một thực thể nhục tính. Tương tự, người ta khen phụ nữ đảm đang để họ lại tiếp tục là ô-sin mà không than vãn, khen phụ nữ giỏi việc nước đảm việc nhà để họ làm công việc gấp hai đàn ông mà lại còn lấy thế làm tự hào (!); khen phụ nữ tiết hạnh để đàn ông có thể năm thê bảy thiếp như một thứ quyền không ai nỡ phán xét; khen phụ nữ công dung ngôn hạnh để đàn ông có thể thoả chí vùng vẫy tang bồng. Tác giả Đoàn Công Lê Huy trong một bài viết về vấn đề này đã đặt tên cho thói quen đó là "những lời khen chứa một phần xấu xí".
Tại các nước tiên tiến, đàn ông được nhà nước, thông qua các chính sách xã hội,  khuyến khích tham gia nuôi con Tại các nước tiên tiến, đàn ông được nhà nước, thông qua các chính sách xã hội,  khuyến khích tham gia nuôi con 
Tại phương Tây, đây là vấn đề lớn, nhất là khi những đất nước đi đầu như Thuỵ Điển, Ireland và Canada liên tục làm thế giới sửng sốt bởi những thành công của họ trong việc thúc đẩy nền kinh tế và chính trị của cả đất nước đi lên bằng những chính sách công bằng cơ hội mạnh mẽ. Marketing trong những năm vừa qua chứng kiến một trào lưu các công ty lồng thông điệp bình đẳng cơ hội vào quảng cáo, chủ động hướng tới các bậc cha mẹ và nam giới trong việc xoá bỏ định kiến vô thức về giới. Một trong những khoá đào tạo tôi được các công ty yêu cầu nhiều nhất là làm sao để nâng tỷ lệ nữ giới trong bộ máy quản lý công ty. Tại sao, đơn giản vì sự hiện diện của mỗi phụ nữ trong ban lãnh đạo trung bình dẫn tới 3% tăng trưởng.
Điều quan trọng nhất mà chính sách bình quyền của các quốc gia đi đầu đã chỉ ra, đó là việc nhìn nhận một cách rõ ràng sự thiệt thòi của những ngưòi đàn ông trong một xã hội bất công giới tính. Đó không chỉ là những bé trai bị tước khỏi tay thứ đồ chơi mà em thích hay sự bỏ bê của giáo viên với các môn học mà họ mặc định là em đằng nào cũng dốt. Hơn thế nữa, một nghiên cứu khoa học mới đây đưa ra giả thuyết khá mới, lý giải việc phần lớn đàn ông vùi đầu hoặc mơ tưởng quá nhiều đến sex so với phụ nữ là hệ quả của việc những bé trai sớm bị tước khỏi tay hơi ấm của thịt da và sự vỗ về của bàn tay âu yếm.
Đàn ông văn minh ai cũng hiểu rằng, giải thoát cho phụ nữ cũng chính là giải thoát cho chính mình, để chính mình không bị áp lực phải thành người tài, và nguời phụ nữ bên mình không bị đánh giá chỉ bằng thước đo của cái sắc đẹp bên ngoài phù du. 
Xã hội thiếu bình quyền cơ hội cũng là một xã hội mà đàn ông phải chịu đựng nhiều áp lực không thể dễ dàng bày tỏ: áp lực phải mạnh mẽ, phải kiếm tiền, phải làm chủ gia đình, phải lo được cho vợ con, phải sống kiểu nam vô tửu như cờ vô phong, phải vinh thân, phì gia, đó là chưa kể phải có con nối dõi tông đường nếu không muốn phạm tội bất hiếu. Trớ trêu thay, những áp lực đó chính là hệ quả của những áp lực với phụ nữ. Đàn ông văn minh ai cũng hiểu rằng, giải thoát cho phụ nữ cũng chính là giải thoát cho chính mình, để chính mình không bị áp lực phải thành người tài, và nguời phụ nữ bên mình không bị đánh giá chỉ bằng thước đo của cái sắc đẹp bên ngoài phù du. Chính vì thế, nữ quyền về thực chất là "nhân quyền", "bình đẳng giới" về thực chất là "bình đẳng cơ hội". Đó là là một cách nhìn nhận nhân văn và khoan dung hơn. Nó là quyền mà mỗi người, bất kể nam nữ hay một giới tính nào khác, được đặt vào tay những cơ hội ngang bằng, được khát khao và chạm tới một cuộc sống do chính mình lựa chọn.
Khi tiếp xúc với đồng loại, ai cũng muốn được nhìn nhận trước tiên với tư cách một cá nhân với đầy đủ những giá trị và tài năng riêng biệt, không ngay lập tức bị dán mác một thực thể nhục tính trong hệ quy chiếu hạn hẹp và giản đơn của hai khái niệm "đàn ông" hay "đàn bà". Ngày 8-3 này, chúng ta hãy thử tôn vinh những nguời thân thiết xung quanh mình bằng những tố chất sâu sắc hơn sự xinh xắn của thịt da, bằng những lời khen không bị kiềm toả bởi hàng rào giới tính, bằng những lời chúc phúc xuất phát từ một tâm thế khách quan công bằng. Bởi bạn biết không, những lời khen dù chân thành vô tư vẫn rất có thể là sợi dây vô hình trói buộc chúng ta vào những định kiến mệt mỏi nặng nề.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.