Bao giờ có thị trường điện cạnh tranh?

08/11/2024 05:25 GMT+7

Chiều 7.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Điện lực sửa đổi. Nhiều đại biểu dành sự quan tâm làm thế nào để VN có một thị trường điện cạnh tranh thực sự.

Phải tách bạch 3 yếu tố then chốt

Đại biểu (ĐB) Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) chỉ rõ, thị trường điện cạnh tranh tại VN "có vẻ còn rất mờ nhạt, rất xa vời" ở cả 3 cấp độ. Với phát điện cạnh tranh, hầu hết điện sản xuất ra phải hòa lưới, truyền tải trên lưới điện do tổng công ty có 100% vốn của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) quản lý và vận hành; các nhà đầu tư (NĐT) tư nhân về cơ bản chỉ có thể bán điện cho các tổng công ty này. Với bán buôn điện cạnh tranh, cả 5 đầu mối mua bán buôn hiện tại đều là các tổng công ty 100% vốn EVN. Còn với bán lẻ điện cạnh tranh, tháng 8.2020, Bộ Công thương mới phê duyệt đề án thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, và cho đến nay thì "kết quả còn rất khiêm tốn".

Thực tế cũng cho thấy, "trái tim" của hệ thống điện quốc gia - tức Trung tâm điều độ điện quốc gia - chỉ mới chính thức tách ra khỏi EVN chuyển về Bộ Công thương từ tháng 8.2024, còn đang lo ổn định tổ chức, nhân sự. Trong khi đó, "mạch máu" của hệ thống điện quốc gia là hệ thống truyền tải điện đang thuộc Tổng công ty truyền tải điện quốc gia, trực thuộc EVN.

Bao giờ có thị trường điện cạnh tranh ?- Ảnh 1.

ĐB Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh)

ẢNH: GIA HÂN

Từ thực tiễn nêu trên, ông Hậu cho rằng muốn có một thị trường điện cạnh tranh thực sự thì phải thay đổi triệt để theo hướng tách bạch 3 khâu then chốt của ngành điện, đó là phát điện, truyền tải điện và điều độ hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, dự thảo chưa có những quy định pháp lý đủ mạnh để mang đến sự thay đổi mang tính quyết định, giúp thị trường điện cạnh tranh vận hành thực sự cạnh tranh, công khai, minh bạch và công bằng.

"Nếu thông qua tại kỳ họp này thì chỉ nên tập trung vào những vấn đề thật sự cấp thiết, đã được đánh giá tác động kỹ lưỡng, làm cơ sở thực hiện mục tiêu trước mắt là bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Nếu sửa đổi toàn diện cần có sự nghiên cứu sâu, xem xét kỹ hơn nên cần qua 2 kỳ họp", ông Hậu nêu ý kiến.

ĐB Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) đề nghị dự thảo luật cần quy định lộ trình rõ ràng cho việc chuyển đổi từ cơ chế độc quyền sang thị trường điện cạnh tranh, cũng như các bước thực hiện mở cửa thị trường điện bao gồm bán buôn và bán lẻ điện cạnh tranh. Đồng thời phải quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc giám sát và điều phối thị trường điện nhằm đảm bảo tính công bằng và minh bạch; đưa ra các quy định về kiểm soát độc quyền của các tập đoàn lớn trong ngành điện nhằm bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và các NĐT mới.

"Không có đầu tư sẽ không có điện"

Giải trình trước ý kiến của các ĐB, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, dự thảo luật Điện lực sửa đổi đã bổ sung quy định về những cơ chế, chính sách chủ đạo để xây dựng và phát triển thị trường điện cạnh tranh ở cả 3 cấp độ, theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, nhất là vấn đề sản xuất, kinh doanh điện.

Ông Diên khẳng định đến nay đã phát điện cạnh tranh vì có sự tham gia của 52% các NĐT ngoài nhà nước. Về bán buôn điện cạnh tranh, ông Diên nói đã ban hành chính sách mua, bán điện trực tiếp và quy định không chỉ 5 đơn vị được mua buôn điện. Riêng về bán lẻ điện, các quy định về giá, giá 2 thành phần, khung giá theo giờ… đang được sửa.

Bao giờ có thị trường điện cạnh tranh ?- Ảnh 2.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên

ẢNH: GIA HÂN

Vẫn theo Bộ trưởng Bộ Công thương, VN có điểm khác với các nước khi không thể theo hoàn toàn cơ chế thị trường, vì đằng sau còn có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. "Đầu vào có cao đến bao nhiêu nhưng đầu ra vẫn phải kiểm soát để bảo đảm được ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội", ông Diên cho hay.

Trước băn khoăn thông qua tại một hay 2 kỳ họp, ông Diên cho biết Quy hoạch Điện 8 xác định đến năm 2030, VN phải tăng gấp đôi công suất và đến năm 2050 phải tăng gấp 5 lần công suất hiện nay. Với mục tiêu này, nếu bây giờ không có luật và không có những cơ chế, chính sách cụ thể thì không thể thu hút được đầu tư. Đến năm 2030 là 14 - 16 tỉ USD, sau năm 2030 cần 16 - 18 tỉ USD mỗi năm để bảo đảm an ninh năng lượng điện. "Không có chính sách thì không có đầu tư, không có đầu tư sẽ không có điện. Điện phải đi trước một bước", ông Diên giải trình.

Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định thêm, dự thảo luật Điện lực sửa đổi cơ bản "mở cánh cửa" cho các NĐT về hệ thống truyền tải. Với hệ thống cao áp và siêu cao áp, đương nhiên phải là Nhà nước, vấn đề đang cân nhắc là để NĐT ngoài nhà nước tham gia 220 kV hay là 110 kV trở xuống. "Nếu các ĐB bấm nút thông qua điện áp 220 kV trở xuống là tư nhân có thể đầu tư để có thể huy động được các nguồn năng lượng tái tạo ở rải rác, phân tán khắp nơi trong cả nước thì chúng tôi cũng chấp hành, nhưng rõ ràng đây là vấn đề an ninh năng lượng quốc gia", ông Diên nói.

Kiểm toán để tránh bơm thổi, nâng khống vốn điều lệ

Sáng 7.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án 1 luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán (gồm các luật Chứng khoán, Kế toán, Kiểm toán độc lập, Ngân sách nhà nước, Quản lý, sử dụng tài sản công, Quản lý thuế và luật Dự trữ quốc gia).

ĐB Nguyễn Hữu Toàn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đề nghị quy định hồ sơ chào bán cổ phiếu ra công chúng phải có báo cáo kiểm toán vốn điều lệ trong vòng 10 năm. Dù có ý kiến lo ngại việc này sẽ làm phát sinh thời gian, chi phí, gây tâm lý e ngại cho doanh nghiệp (DN), song xác định vốn điều lệ ban đầu của DN có ý nghĩa rất quan trọng, giúp xác định vốn thực góp và tổng số cổ phần phát hành, giao dịch.

ĐB này cũng nêu dẫn chứng từ Công ty CP Xây dựng FLC Faors có vốn điều lệ ban đầu 1,5 tỉ đồng, chỉ sau 3 năm đã tăng lên 4.300 tỉ đồng, trong đó phần lớn là vốn nâng khống. Vụ án này đã gây hệ lụy rất lớn cho cả thị trường chứng khoán. Hay như mới đây là vụ án liên quan đến Công ty Sài Gòn - Đại Ninh, bị cáo Nguyễn Cao Trí đã sử dụng một số thủ đoạn để chứng minh vốn điều lệ 2.000 tỉ đồng.

Do đó, ông Toàn đề xuất phải có báo cáo kiểm toán vốn điều lệ được thực hiện bởi đơn vị kiểm toán độc lập, giúp thị trường trong sạch và minh bạch hơn.

Đồng tình với các ĐB, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định việc phát hành ra công chúng phải được kiểm toán, nhất là vốn điều lệ ban đầu.

Đề xuất khôi phục lại Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Thảo luận tại hội trường, nhiều ĐB đề cập đến nhu cầu tái phát triển điện hạt nhân. ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị Bộ Công thương đề xuất tham mưu Chính phủ báo cáo cấp thẩm quyền khởi động lại nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong thời gian sớm nhất để đảm bảo an ninh năng lượng. ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận) thì cho rằng câu chuyện nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận có chủ trương triển khai từ 2009, song tới năm 2016 Quốc hội quyết định dừng dự án. "Việc đầu tư phát triển điện hạt nhân cần có chủ trương thống nhất triển khai thực hiện, đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ, hiệu quả, tạo niềm tin cho nhân dân", ĐB Hương nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.