Cụ thể, vào thời điểm Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ xả với lưu lượng lớn nhất là 9.400 m3/giây thì Nhà máy thủy điện Sông Hinh cũng xả lũ với lưu lượng hơn 2.000 m3/giây. Tổng lưu lượng xả lũ 11.400 m3/giây đã khiến cả vùng hạ du sông Ba chìm trong biển nước.
Vì sao xả lũ với lưu lượng “khủng” như vậy? Ông Trần Lý, Tổng giám đốc Công ty CP thủy điện Sông Ba Hạ, giải thích do trên vùng lưu vực hồ chứa Sông Ba Hạ lượng mưa khá lớn và các nhà máy thủy điện, hồ chứa nước ở đây đã đồng loạt xả lũ nên lưu lượng nước về hồ chứa thủy điện Sông Ba Hạ quá lớn.
Trước áp lực xả lũ dữ dội từ thượng nguồn về hồ chứa của thủy điện Sông Ba Hạ và có thể mất kiểm soát, ngay trong chiều 30.11, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, phải đến tận nơi để chỉ đạo việc xả lũ. Điều đáng nói, theo ông Thế, trong đợt lũ này UBND tỉnh Phú Yên chỉ nhận được thông báo xả lũ của các thủy điện trên địa bàn tỉnh Phú Yên như: Krông H’Năng, Sông Hinh và Sông Ba Hạ, còn các thủy điện khác trên thượng nguồn sông Ba thì không thấy thông báo.
Lũ trên sông Ba lên nhanh vào tối ngày 30.11.2021 khiến nhiều nơi ở Phú Yên bị ngập nặng |
Trong khi đó, dự báo thủy triều sẽ đạt đỉnh từ 19 giờ ngày 30.11, nên để hạn chế lũ cho hạ du, ngay trong ngày 30.11 UBND tỉnh Phú Yên đã phải trao đổi cấp tốc với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai để đề nghị thực hiện việc hạn chế nước xả về hạ du từ Nhà máy thủy điện Đăk Srông (ở Gia Lai) cùng các hồ thượng nguồn. Nếu không, tính mạng nhiều người dân sẽ bị đe dọa. Nhờ sự can thiệp kịp thời này mà Phú Yên hạn chế được nhiều thiệt hại, nhưng mưa lũ cũng đã khiến hàng chục ngàn hộ dân phải khốn đốn và làm 10 người chết, mất tích.
Trên lưu vực sông Ba (ở 2 tỉnh Phú Yên, Gia Lai) có các hồ chứa: Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Krông H’Năng, Ayun Hạ, An Khê, Ka Nak, Ia M’lá, Đăk Srông, Đăk Srông 2, Đăk Srông 2A, Đăk Srông 3A và Đăk Srông 3B. Từ năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy chế vận hành liên hồ trên lưu vực sông Ba nhằm đảm bảo an toàn cho các công trình và góp phần giảm lũ cho hạ du, nhưng không hiểu vì sao trong đợt lũ vừa rồi, các hồ chứa ở thượng nguồn sông Ba đã không thông báo kịp thời cho UBND tỉnh Phú Yên và hình như cũng chẳng thực hiện “vận hành liên hồ” gì vì lũ về bao nhiêu là xả bấy nhiêu?
Miền Trung năm nào cũng có mưa lũ, vài ba năm lại có một đợt mưa lũ lớn; công tác dự báo thời tiết cũng ngày càng khoa học, chính xác hơn; quy trình vận hành liên hồ đã có, nhưng cứ hễ có lũ thì nhiều thủy điện lại chủ động xả lũ, còn người dân thì bị động rồi cuống cuồng chạy lũ. Đó là một nghịch lý, thậm chí có thể gọi là vấn nạn của người dân miền Trung và rất cần một giải pháp hữu hiệu từ các cấp, các ngành chức năng.
Nếu không, cứ đến mùa mưa lũ thì dân lại phải tháo chạy giữa đêm.
Bình luận (0)