Tám năm kể từ sau Brokeback mountain, người hâm mộ vẫn đang chờ đợi sự trở lại của “hoàng tử Ba Tư” trong danh sách những ứng cử viên của Oscar.
|
Cũng làm về thế giới quyền anh, Southpaw của Antoine Fuqua nếu đặt bên cạnh Ragging bull của Martin Scorsese thì quả thực trông chả khác gì hòn sỏi nhỏ bên cạnh non cao. Thế nhưng, màn trình diễn xuất sắc của Jake Gyllenhaal không thể gọi là thua kém bậc tiền bối Robert de Niro được, và những người hâm mộ anh một lần nữa tin tưởng rằng, Jake Gyllenhaal hoàn toàn xứng đáng để có một đề cử Oscar sắp tới.
Bắt đầu sự nghiệp diễn xuất từ rất sớm và đã có những thành công nhất định, song với quan điểm “sự thật là hầu hết phim làm ra tiền đều chẳng được mấy ai nhớ đến, và tôi không thích thú gì với việc tham gia những bộ phim không đọng lại được gì trong tâm trí người xem”, số lượng phim ảnh mà Jake Gyllenhaal tham gia tính đến nay không quá nhiều. Phải chăng, vì tiêu chuẩn khắt khe như vậy nên khi xét ở góc độ chất lượng thì tên tuổi nam diễn viên sinh năm 1980 này luôn nằm trong top những diễn viên giỏi nhất Hollywood hiện tại? Jake Gyllenhaal thuộc số ít diễn viên biết lạnh lùng từ chối những vai diễn dễ dãi để tìm đến những thử thách mới. Mỗi một sản phẩm mà Jake tham gia đều thể hiện khả năng biến hóa không giới hạn của anh, từ cậu thiếu niên rắc rối, chàng cao bồi đồng tính, hoàng tử Ba Tư cho tới gã săn tin bệnh hoạn. Trong Southpaw, Jake đóng vai võ sĩ quyền anh Billy Hope. Hope đã sống rất vương giả cho đến một ngày, một tai nạn bất ngờ đã cướp lấy Maureen ra khỏi đời anh. Từ đấy, cuộc sống anh ngày càng trượt dốc. Hope gần như mất hết tất cả, và khi sự nghiệp trên bờ vực tiêu tan, Hope đồng thời mất luôn quyền nuôi dưỡng con gái mình. Hope buộc phải đứng trước hai lựa chọn, hoặc buông xuôi và trượt dài trong đau khổ, hoặc phải xốc tinh thần làm lại cuộc đời.
|
Southapaw được làm theo lối ba hồi rất cổ điển và nếu đem so sánh với một tác phẩm khác cũng do Jake Gyllenhaal thủ vai, ra mắt cùng năm 2015 và cũng được đánh giá cao là Everest thì Southpaw thua hẳn trong việc lấy lòng giới phê bình. Tuy nhiên, chính vai diễn võ sĩ quyền anh có tâm lý phức tạp chứ không phải vai diễn nhà thám hiểm Scott Fischer của Jake Gyllenhaal mới được truyền thông dự đoán cho hạng mục Nam diễn viên xuất sắc nhất Oscar 2016. Tại sao ư? Hãy quan sát lối diễn xuất thần và sự hóa thân khiến người xem cũng phải rã rời theo nhân vật của Jake Gyllenhaal trong Southpaw. Ngoài ra, tinh thần luôn muốn thử nghiệm kiểu nhân vật mới bất chấp việc trở nên xấu xí đến đáng sợ hay thậm chí là cơ thể lúc phồng lúc xẹp như chiếc bong bóng đã giúp Jake ghi điểm trong lòng khán giả về hình ảnh một người diễn viên có thái độ làm việc nghiêm túc bậc nhất. Nhìn xem, không bao lâu sau khi vừa phải giảm đến 9 ký để vào vai Louis Bloom trong Nightcrawler, Jake đã buộc mình ngay lập tức tăng 7 kg bằng một lịch tập đáng nể để cho ra dáng võ sĩ quyền anh trong Southpaw. Đạo diễn Antoine Fuqua đã nói về quá trình tập luyện chuyên sâu của Jake Gyllenhaal: “Tôi đã yêu cầu anh ấy tập luyện 2 lần một ngày trên võ đài boxing và anh ấy đã tập 6 tiếng một ngày, 7 ngày một tuần. Tôi đã bỏ ra khá nhiều thời gian tập luyện với anh ấy cùng huấn luyện viên mỗi ngày. Tôi đưa anh ấy đến gần như mọi trận đấu. Chúng tôi muốn biến Jake Gyllenhaal thành một con quái vật theo đúng nghĩa đen".
Với những gì Jake Gyllenhaal đang làm được trong sự nghiệp, quan trọng vẫn là bước tiến không ngừng và phong độ ổn định thì có lẽ không cần phải nhắc lại quá khứ huy hoàng, những Donnie Darko, Brokeback moutain hay Zodiac để ca ngợi khả năng diễn xuất của anh nữa. Nói về những thất bại của anh nghe có vẻ thú vị hơn rất nhiều, như chuyện từng bị rớt vai trong quá trình casting cho những vai diễn nặng ký như Frodo Bagging trong Lord of the rings, Batman trong The dark knight, người nhện trong Spider-man... Song, theo nhận định cá nhân, cú trượt đau đớn nhất phải kể đến chuyện vai diễn Louis Bloom trong Nightcrawler không được xuất hiện ở Oscar 2015, dù vai diễn này đã được giới phê bình lẫn khán giả ca ngợi hết lời. Cứ tưởng rằng, sau Nightcrawler, “hoàng tử” đã có thể lên ngôi vua, hoặc ít nhất là có cơ hội góp mặt trong danh sách đề cử, nào ngờ phút chót “hoàng tử” đã bị Viện Hàn lâm Mỹ ngó lơ. Hẳn rồi, nó rõ ràng là một gáo nước lạnh tạt vào tất cả nỗ lực mà Jake đã dành cho vai diễn tuyệt vời ấy và vào cái sự kỳ vọng của khán giả.
Thực ra, đối với Viện Hàn lâm Mỹ thì lúc nào cũng là còn sớm để nói trước điều gì, bởi lẽ đã có nhiều cú trượt tương tự vai diễn của Jake Gyllenhaal trong Nightcrawler mà trường hợp của tài năng Tom Hanks trong Captain Phillips là một điển hình. Ai cũng biết, Viện Hàn lâm Mỹ đôi khi hơi... thất thường, như cái cách họ đối xử với Leonardo DiCaprio vậy.
Bình luận (0)