Phải hỏi vậy thôi, chứ ngư dân thì làm sao hết khổ, muôn đời vậy!
Niềm vui ngày nhận tàu nay... còn đâu - Ảnh: Hiền Lương |
Tôi viết những dòng này nhân chuyện báo chí liên tục đưa tin việc ngư dân hoàn trả tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67 của Thủ tướng Chính phủ, sau một thời gian ngắn hoạt động.
Trước những hình ảnh tàn tạ của những chiếc tàu này, bạn đọc bình luận rằng, tàu mới sử dụng 2 năm mà y như 20 năm vậy.
Và đằng sau những hoen gỉ ấy, là nỗi thất vọng của các chủ tàu khi những hư hỏng xuất hiện liên lục, và tất nhiên, là thua lỗ. Tất cả như cú đấm thép, làm giấc mơ yên tâm bám biển, làm giàu từ chính con tàu mơ ước nhanh chóng vụn vỡ.
Thật ra, điều này chẳng có gì lạ và nó đã được tiên đoán từ trước.
Tôi nhớ cách đây không lâu, khi chương trình đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 bắt đầu triển khai, tôi có chuyến tác nghiệp ở xưởng đóng tàu tại Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, Bình Định). Tại đây, tôi gặp 2 ngư dân đang đóng mới 2 chiếc tàu vỏ gỗ có công suất lớn nhất tỉnh Bình Định từ trước tới nay. Tôi đã hỏi 2 ngư dân này sao không đóng tàu vỏ thép với nhiều ưu đãi, hỗ trợ.
Họ đáp rằng đó là điều đặng chẳng đành. “Truy” nữa, thì rõ hơn: “Nếu đóng tàu vỏ thép thì chúng tôi không can thiệp được gì, từ máy móc đến thiết kế của tàu”. Nghĩa là khi ấy, họ thừa hiểu thiết kế cứng nhắc mà các kỹ sư của các công ty đóng tàu đưa ra là không hiệu quả, thậm chí là dễ gây nguy hiểm cho ngư dân hơn nếu như hoạt động trong thời tiết xấu. Nên bỏ, đi đóng tàu vỏ gỗ.
Thứ nhất, cabin khá cao, trong khi đáy tàu lại nhỏ nên chỉ cần biển động cấp 6, là tàu rung lắc mạnh; nếu có gió, thì càng dữ dội hơn. Họ muốn cabin thấp hơn, cao tầm khoảng 1m; đáy tàu to hơn…, nhưng ý muốn ấy hình như làm tổn thương lòng tự trọng của các vị kỹ sư đáng kính, nên không được chấp nhận.
Tưởng rằng chỉ có những điều nhãn tiền ấy. Khi đưa tàu ra hoạt động thì một loạt bất cập khác xuất hiện. Như tời quá cao, lại không đúng hướng nên gãy liên tục; thành tàu quá cao, khiến cho các tàu thu mua bằng vỏ gỗ không thế áp sát để giao dịch…
Nhưng đáng nói nhất là việc sử dụng máy móc, linh kiện cũ. Thế mới có chuyện, tàu của ngư dân Lê Văn Sang (TP.Đà Nẵng) đi 10 chuyến, có 6 chuyến “yên ổn” và thu lãi được hơn 700 triệu đồng; 4 chuyến còn lại liên tục trục trặc, lỗ hơn 900 triệu đồng. Đếm cả ngón tay nhón chân, anh lỗ hơn 200 triệu đồng, đó là chưa kể chi phí nhu yếu phẩm trang bị cho mỗi chuyến đi biển.
Mà đâu chỉ có riêng anh Sang gặp khổ với tàu vỏ thép.
Khi việc đã rồi, đại diện một số đơn vị đóng tàu mới nói rằng đang lắng nghe ý kiến của ngư dân để thay đổi thiết kế cho phù hợp, và những tàu đóng mới sẽ dùng máy móc, linh kiện mới của Mỹ.
Phát biểu trên có khi nào để xoa dịu dư luận? Sao không lắng nghe ngư dân ngay từ đầu? Hay là các vị mang tư duy ngư dân thì biết quái gì mà thiết với chả kế. Hình như, mảnh bằng kỹ sư mỏng dính đã ngăn cách sướng vui của ngư dân với chương trình đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67.
Nên mới hỏi lại, bao giờ thì ngư dân bớt khổ?
Bình luận (0)