Bao giờ sông Ba được trả lại nước?

19/08/2024 06:08 GMT+7

Là con sông lớn ở Nam Trung bộ và Tây nguyên, sông Ba chảy qua nhiều huyện, thị của hai tỉnh Gia Lai, Phú Yên, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh này nhưng lại bị 'chia năm xẻ bảy' vì lợi ích kinh tế trước mắt.

BIẾN SÔNG DÀI THÀNH AO TÙ NƯỚC ĐỌNG

Bao đời nay, sông Ba là một trong những mạch ngầm nuôi dưỡng, phát huy những đặc sắc về văn hóa sông nước của người Ba Na, Jrai, Kinh..., gắn liền với bao thế hệ cư dân những nơi con sông chảy qua. Tuy nhiên, từ khi có các dự án thủy điện, sông Ba bị bóp nghẹt, trở nên chẳng khác gì ao tù nước đọng.

Theo tài liệu khảo sát, nghiên cứu của các nhà khoa học, sông Ba bắt nguồn từ dãy núi Ngọc Rô cao 1.549 m ở đông bắc tỉnh Kon Tum, có chiều dài khoảng 388 km chảy qua các địa phương vùng đông, đông nam tỉnh Gia Lai rồi chảy về phía tỉnh Phú Yên trước khi đổ ra cửa biển Đà Rằng. Lưu vực hơn 10.000 km2 của sông Ba tạo nên một vùng đất màu mỡ rộng hàng ngàn héc ta. Hai bên bờ sông hình thành những vùng dân cư trù phú, có lịch sử hàng trăm năm.

Bao giờ sông Ba được trả lại nước?- Ảnh 1.

Cỏ dại, rau muống mọc đầy lòng sông Ba, đoạn chảy qua TX.An Khê (Gia Lai)

Trần Hiếu

Thế nhưng, từ khi có dự án thủy điện An Khê - Ka Nak (khánh thành năm 2011), dòng chảy sông Ba đã bị thay đổi, gây ra nhiều hệ lụy. Để tích nước cho hoạt động dự án thủy điện An Khê - Ka Nak, hầu hết nước sông Ba thay vì chảy qua các tỉnh Gia Lai, Phú Yên, lại bị chuyển dòng về sông Kôn ở H.Tây Sơn (Bình Định). Vì vậy, sông Ba từ TX.An Khê (Gia Lai) đến vùng hạ lưu ở tỉnh Phú Yên chẳng khác nào ao tù nước đọng, nhiều đoạn trơ đáy. Cuộc sống của hơn 1 triệu người dân vùng hạ lưu sông Ba từ đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đoạn sông Ba qua TX.An Khê giờ đây cây bụi, lau lách mọc đầy trong dòng chảy. Bà Nguyễn Thị Hoài, một người dân ở TX.An Khê, kể: "Nước bẩn lắm. Bao năm nay rồi, đâu có nước về nữa mà gọi là sông. Sông giờ chả khác gì cái bàu cạn nước. Bao thứ rác rưởi, cặn bẩn không bị nước cuốn đi, cứ đùn lại hôi thối. Chỉ khi nào mưa lớn vào mùa mưa mới thấy nước về".

QUY HOẠCH TRÁI QUY LUẬT TỰ NHIÊN

An Khê - Ka Nak là công trình thủy điện duy nhất ở VN không trả nước về chính dòng sông nó lấy nước, mà chuyển sang dòng sông khác. Cụ thể, công trình thủy điện này có 2 bậc. Bậc trên là thủy điện Ka Nak trên sông Ba, có hồ chứa dung tích đến 285 triệu m3 nhưng công suất nhà máy chỉ 10 MW. Sau khi chảy qua các tua bin của thủy điện Ka Nak, dòng nước thay vì quay về sông Ba thì lại bị dẫn theo đường ống xuyên đèo An Khê, đổ dựng đứng xuống bậc dưới là thủy điện An Khê (H.Tây Sơn, Bình Định) có hồ chứa chỉ 5,6 triệu m3 nhưng công suất nhà máy lên đến 160 MW. Sau đó, nguồn nước này đổ ra sông Kôn, chảy về hạ lưu phía Bình Định. Chính vì vậy, sông Ba chết dần chết mòn.

Bao giờ sông Ba được trả lại nước?- Ảnh 2.

Đường ống dẫn nước từ sông Ba xuống sông Kôn (Bình Định)

Trần Hiếu

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đinh Văn Cương, Chủ tịch UBND TX.An Khê, nói thẳng: "Việc quy hoạch thủy điện An Khê - Ka Nak là trái với quy luật dòng chảy tự nhiên của sông Ba, can thiệp thô bạo và nghịch thiên, làm thay đổi dòng chảy hoàn toàn. Nguồn nước bị người ta dẫn về sông Kôn thay vì trả về chính sông Ba, nơi mà họ đã lấy nước. Điều đó đã gây nên bao vấn đề về kinh tế - xã hội. Một thị xã mà có dòng sông chảy qua thì quá đẹp nhưng giờ đây sông cạn nước vì thủy điện, gây ảnh hưởng cho biết bao nhiêu người".

CƯ DÂN ĐIÊU ĐỨNG

Vào mùa khô, hàng chục ngàn héc ta cây trồng vùng hạ lưu sông Ba thiếu nước tưới. Nông dân TX.An Khê và các huyện Kon Chro, Krông Pa, Ia Pa (Gia Lai) cũng như ở Phú Yên như ngồi trên lửa.

Từ khi có thủy điện An Khê - Ka Nak, tình hình khô hạn ở vùng đông, đông nam Gia Lai thêm phần khốc liệt. Tại H.Kon Chro (Gia Lai), các công sở, nhà trẻ, trường nội trú và nhiều người dân lâm cảnh thiếu nước sinh hoạt vì nguồn nước máy từ sông Ba không còn bảo đảm. "Không chỉ nước sinh hoạt, nước tưới cho cả trăm héc ta cây trồng hai bên bờ sông cũng thiếu trầm trọng. Đó là chưa kể môi trường, khí hậu ở đây sẽ có thay đổi theo chiều hướng xấu khi sông Ba khô kiệt", một lãnh đạo H.Kon Chro nói.

Bao giờ sông Ba được trả lại nước?- Ảnh 3.

Vào mùa khô, sông Ba chỉ còn là lạch nước nhỏ vì đã bị đổi dòng

Trần Hiếu

Trước đây, lãnh đạo và các ngành chức năng tỉnh Phú Yên không thống nhất việc chuyển nước từ sông Ba sang sông Kôn vì ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng, tác động lớn đến mạch nước ngầm của tỉnh. Thế nhưng trước việc đã rồi, UBND tỉnh Phú Yên đành kiến nghị: "Khi thẩm định dự án, đề nghị các bộ, nhất là bộ NN-PTNT, TN-MT quan tâm đến việc yêu cầu chủ đầu tư phải có biện pháp duy trì dòng chảy kiệt, đảm bảo lưu lượng tối thiểu 3,5 m3/giây với tần suất 90% để đảm bảo môi trường sinh thái và đặc biệt là chống nhiễm mặn ở khu vực hạ lưu. Song song đó, chủ đầu tư phải nghiên cứu phương án xây dựng hồ thủy lợi ở hạ lưu thủy điện Sông Ba Hạ với mục tiêu điều hòa nước cho toàn bộ hạ lưu sông Ba".

Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ là nhà máy cuối cùng trong hệ thống thủy điện bậc thang sông Ba. Vì vậy, khi sông Ba chuyển dòng chảy, nguồn nước bị đổ về sông Kôn khiến thủy điện Sông Ba Hạ phải "nhường" lưu vực cho thủy điện An Khê - Ka Nak.

Thiếu nước, sông Ba đang dần bị bức tử. Người dân khiếu kiện, kiến nghị nhưng không đi tới đâu. Bao giờ sông Ba được trả lại nước? Nỗi buồn ấy thấm vào mỗi cư dân sống nhờ sông từ bao đời nay, khiến họ thêm oằn gánh mưu sinh. Tại diễn đàn Quốc hội vào thời điểm tháng 4.2016, ông Huỳnh Thành, đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu tỉnh Gia Lai khi đó, đã gọi công trình thủy điện An Khê - Ka Nak là "sai lầm thế kỷ".

Đất sản xuất, đường đi bị xâm thực

Không chỉ thủy điện An Khê - Ka Nak, thủy điện Sông Ba Hạ cũng gây nhiều ảnh hưởng đến đời sống của cư dân vùng hạ lưu sông Ba ở tỉnh Phú Yên. Con đường dọc theo sông Ba từ TT.Củng Sơn đến xã Suối Trai (H.Sơn Hòa, Phú Yên) dài gần 10 km đã bị khai tử kể từ khi thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ.

"Trước đây, chúng tôi muốn đi xã Suối Trai thì đi bằng đường này vì quãng đường ngắn hơn. Nhưng mỗi khi thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ là đường bị nước lũ lấn thêm. Và đến nay, nhiều đoạn đường bị nước lũ khoét sâu vào tận chân núi. Mặt đường chỉ vừa đủ để xe máy đi qua. Đường hư hỏng nặng nên việc đi lại rất khó khăn", ông Nguyễn Văn Phận (TT.Củng Sơn) than thở.

Không chỉ vậy, nhiều diện tích đất sản xuất dọc theo sông Ba thuộc các huyện Sơn Hòa, Phú Hòa, Sông Hinh, Tây Hòa và TX.Đông Hòa bị lũ xâm thực ngày càng nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn An (ở KP.Đông Hòa, TT.Củng Sơn) bức xúc: "Trước đây, tình trạng xâm thực đất sản xuất đâu nghiêm trọng như hiện nay. Chỉ trong vòng 3 năm, nước lũ ở sông Ba đã xâm nhập sâu vào đất sản xuất của người dân KP.Đông Hòa từ 4 - 5 m. Cứ đà này, cả làng Đông Hòa có nguy cơ xóa sổ".

Bao giờ sông Ba được trả lại nước?- Ảnh 4.

Thủy điện làm thay đổi dòng chảy nên đất sản xuất của người dân ở TT.Củng Sơn, H.Sơn Hòa, Phú Yên bị xâm thực nghiêm trọng

Đức Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.