Phải công nhận một điều, truyền thông Hàn Quốc luôn làm cho nước họ tươi sáng hơn so với thực tế.
Người lên phim thì phải đẹp mê tơi. Ngôi sao ca nhạc thì phải làm cho đám trẻ hú hét.
Ai đã từng sống hoặc đi du lịch ở Hàn Quốc đều thấy, ngoài đời, người của họ không đẹp như phim.
Thịt chó vẫn là món khoái khẩu.
Thanh niên Hàn không ít người trốn nghĩa vụ quân sự, binh sĩ thời nay ối người nhát như cáy (đã có hẳn một bài viết đưa ra con số thống kê nhưng không cần thiết dẫn ra đây vì đó là một phạm trù khác). Thế nhưng trong phim, họ lại trở thành người hùng, đóng vai trò chủ đạo trong lực lượng Liên Hiệp Quốc tại Afghanistan, oánh nhau tay bo thắng cả Tây lẫn “cộng hòa” (Phim Hậu duệ mặt trời đang gây sốt ở châu Á).
Đàn ông trong thực tế không đẹp nếu không nói là nhiều người từ xấu đến rất xấu (vì những người này không qua thẩm mỹ viện), cũng lắm kẻ vô học, hành hạ vợ con đến chết nhưng vẫn là “điểm đến” của con gái Việt Nam. Vì sao? Là vì coi phim Hàn và mơ Hàn.
Đến nỗi, người Việt Nam khen ai đẹp thì phải đẹp như Hàn Quốc; cảnh đẹp thì so sánh như phim Hàn Quốc; ăn mặc thời trang thì ví như người Hàn Quốc; con trai cắt một kiểu tóc, con gái làm tóc mới thì ví model như Hàn Quốc…
Hồi trước, nhà thơ Bùi Chí Vinh đã phải thốt lên: Chào một ngày giống hệt mọi ngày/ Sóng truyền hình phủ toàn phim Trung Quốc, bây giờ (xin lỗi nhà thơ), sóng truyền hình đã phủ toàn phim Hàn Quốc.
Họ đã rất thành công khi truyền bá văn hóa của họ sang Việt Nam.
*
Ta thì sao?
Trên các tờ báo mạng nhan nhãn chuyện đâm chém, cướp, giết, hiếp, bắt bớ, oan sai, đặt mìn, nổ bom, xe tông người, xe tông xe…
Có một nhân vật nào đó “sáng” lên là nhờ người đó chỉ ra cái xấu.
Màn ảnh, truyền hình tràn ngập phim hài, show hài. Hài, hầu hết là mang thói hư tật xấu ra để cười.
Các tờ báo mạng đang bận câu view. Nhiều view mới “sống” được.
Phim ảnh thì hầu hết “làm không tới nơi”, dở xanh dở chín.
Xem truyền hình có cảm giác như cả đất nước đi thi hết cuộc này đến cuộc khác, từ già đến trẻ đều mơ bước chân vào showbiz.
Có cảm giác hầu như chúng ta không có cái nhìn tích cực. Cái gì cũng nhìn nhận theo khía cạnh tiêu cực.
Trong một khóa tập huấn báo chí, giảng viên Lars Moeller đến từ Viện báo chí FOJO (Thụy Điển) đã phải thốt lên, sao người Việt Nam toàn tìm cái xấu của nhau để chê? Từ đó ông đề ra nguyên tắc, buộc mọi người như người nước ông, chỉ “phản hồi tích cực”, tức là tìm cái tốt của bạn để khen.
Các cơ quan tư tưởng, quản lý nhà nước, các hội nghề nghiệp… không ít lần nhắc đến, yêu cầu phản ánh “về điểm sáng” về “nhân tố tích cực”… nhưng vì sao thực trạng lại không như ý muốn?
Công bằng mà nói, nhiều cơ quan truyền thông nước ta cũng thiên về ngợi ca cái tốt, cái đẹp, nhưng có vẻ như những tác phẩm báo chí đó đã không chạm đến trái tim bạn đọc.
Bạn đọc, cũng như tôi, sẽ không đọc bài: “Qua ba năm xây dựng nông thôn mới ở tỉnh X” mà cần đọc bài qua ba năm đó thì có một gia đình nào đó nghèo khổ nhất tỉnh đã thoát nghèo, đơn giản vậy thôi.
*
Cách đây vài năm, tôi có đọc một bài viết về cách Trung Quốc “quy hoạch báo chí”, nhà nước ra thông báo nếu cơ quan truyền thông nào (kể cả của đảng và chính quyền) không tự hạch toán được thì đóng cửa. Chỉ trong một tháng có đến 470 tờ báo nộp đơn xin thôi xuất bản.
Trong bối cảnh đó, một tờ bào đảng của một tỉnh ngồi họp lại và quyết định thay đổi cách làm. Tiếp đó, họ cho đăng loạt phóng sự trên trang nhất nói về một bí thư chi bộ thôn ở vùng cao suốt 5 năm gánh nước lên đồi (chừng 7 km leo dốc) cho các gia đình neo đơn. Số báo cải tiến đầu tiên phát hành trên thị trường được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt, số lượng phát hành tăng đến mức không tưởng. Và tờ báo “sống” đẹp!
Mới thấy, không phải đâm chém, cướp, giết, hiếp mới câu được view,
chuyện tốt làm lay động lòng người còn câu được view (là nói theo ngôn ngữ mạng) nhiều hơn khi con người đã quá nhàm chán với những tin tức mà từ đó có thể suy ra xã hội không mấy tươi sáng.
*
Ai đã từng xem phim tài liệu Bí mật (The Secret) đều biết, theo luật hấp dẫn, chúng ta sẽ hấp dẫn tất cả những gì chúng ta tập trung nghĩ về nó. Và bất cứ việc gì dành công sức vào đều quay trở lại với chúng ta.
Vì thế, nếu tập trung vào những điều tốt đẹp và tích cực, chúng ta sẽ thu hút được thêm thật nhiều những điều tốt đẹp và tích cực vào cuộc sống. Một khi suy nghĩ tích cực, não bộ khỏe mạnh sẽ giúp tăng cao khả năng tập trung giải quyết công việc. Còn nếu chỉ quan tâm đến những điều thiếu thốn và tiêu cực, nó sẽ là những thứ được “hút” vào cuộc sống của chính chúng ta.
Người Việt cũng có câu “Ghét của nào trời trao của ấy” là vậy.
Đám trẻ không phải bỗng dưng khóc rưng rức vì cô Hàn vừa xinh vừa tốt lại không lấy được anh Hàn vừa tốt vừa xinh, không phải bỗng dưng chờ đợi đến tập nào thì anh ấy mới hôn cô ấy… Là vì câu chuyện đã chạm vào trái tim của họ.
Tôi cũng thích coi phim Hàn, ưa mặc đẹp như trai Hàn, và đôi khi cũng tự hỏi, bao giờ ta đẹp như Hàn? Thế mới đau!
Bình luận (0)