Công an Q.Hoàng Mai (Hà Nội) đang tạm giữ V.K.C (21 tuổi, trú H.Giao Thủy, Nam Định) để làm rõ nghi vấn người này có hành vi bạo hành trẻ em.
Choáng với số tiền thuê bảo mẫu vụ bé sơ sinh nghi bị bạo hành
Thông tin ban đầu, C. được một gia đình ở khu chung cư HH Linh Đàm Q.Hoàng Mai, Hà Nội) thuê chăm sóc bé trai mới sinh khoảng 1 tháng. Hôm 31.5, gia đình xem camera trong phòng ngủ thì phát hiện C. bạo hành cháu bé nên yêu cầu nữ bảo mẫu đến Công an P.Hoàng Liệt làm việc.
Tại trụ sở công an, gia đình cho hay sức khỏe bé trai anh ổn định, không có thương tích, nên không yêu cầu xử lý hình sự, chỉ muốn răn đe để C. không tái phạm và nhận thức hành vi của mình là sai. Tuy nhiên, trước tính chất sự việc, Công an P.Hoàng Liệt đã báo cáo Công an Q.Hoàng Mai để xác minh, xử lý theo quy định.
Từ vụ việc trên, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi hành vi bạo hành trẻ em sẽ bị xử lý thế nào, trường hợp xác định có hành vi bạo hành nhưng cha mẹ trẻ em bị bạo hành không yêu cầu xử lý thì người bạo hành có thoát tội?
Phạt hành chính hoặc xử hình sự, tùy mức độ gây ra
Luật sư Trần Thị Tĩnh, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cho biết bạo hành trẻ em được hiểu là các hành vi gây tổn hại về cả thể chất lẫn tinh thần đối với trẻ. Trong đó, bạo lực thể chất là việc dùng vũ lực gây thương vong, tổn hại đến sức khỏe như: đánh đập, trói hoặc có hành động khác gây tổn thương cơ thể.
Bạo lực tinh thần là việc sử dụng các hành vi không tác động trực tiếp đến thể chất nhưng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và sự phát triển tâm lý của trẻ, như: chửi mắng, hạ nhục, gây áp lực tâm lý…
Điều 6 luật Trẻ em quy định rõ các hành vi nghiêm cấm đối với trẻ như: hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi…
Như đã nói, việc bạo hành trẻ là hành vi bị cấm, vì vậy nếu thực hiện hành vi sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Tùy tính chất, mức độ, hậu quả, hành vi bạo lực trẻ em có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về phạt hành chính, điều 22 Nghị định 130/2021 quy định mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với các hành vi bắt trẻ nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa; cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ gây tổn hại về thể chất, tinh thần…
Về xử lý hình sự, căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, hành vi bạo hành trẻ em có thể bị truy cứu một trong các tội được quy định tại bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như: tội hành hạ người khác, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác, tội vô ý làm chết người, tội giết người.
Xem nhanh 20h ngày 1.6: Cha bé 1 tuổi xin cho bảo mẫu cơ hội làm lại | Diễn biến mới vụ 4 nữ tiếp viên xách ma túy
Có thoát tội nếu gia đình không yêu cầu xử lý?
Theo luật sư Hà Công Tâm, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, quy phạm pháp luật hành chính là một dạng cụ thể của quy phạm pháp luật, được ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình quản lý hành chính nhà nước theo phương pháp mệnh lệnh - đơn phương.
Vì thế, với xử phạt hành chính, khi phát hiện hành vi vi phạm, người có thẩm quyền phải xử phạt nghiêm minh để đảm bảo tính răn đe người vi phạm, đồng thời giáo dục chung đối với xã hội, không phụ thuộc vào yêu cầu của bên thứ ba.
Với xử lý hình sự, điều 155 bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2021) quy định: chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của bộ luật Hình sự năm 2015 khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
Đối chiếu quy định trên và nhóm tội danh mà người thực hiện hành vi bạo hành trẻ em có thể bị truy cứu hình sự, chỉ có tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác (điều 134) là thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu bị hại.
Đồng nghĩa, nếu xác định hành vi bạo hành trẻ có dấu hiệu phạm tội cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 1 điều 134 thì cơ quan tố tụng chỉ khởi tố vụ án khi gia đình trẻ có yêu cầu xử lý.
Các tội danh còn lại như hành hạ người khác (điều 140), tội vô ý làm chết người (điều 128), tội giết người (điều 123), nếu có đủ căn cứ xác định hành vi phạm tội, cơ quan tố tụng có thể ra quyết định khởi tố mà không phụ thuộc vào phía bị hại có yêu cầu hay không.
Bình luận (0)