Bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới (bao gồm xe mô tô và xe hơi) là một sản phẩm bảo hiểm được đánh giá có tác động sâu rộng nhất ở Việt Nam kể từ khi được áp dụng năm 2008 do liên quan đến hầu như tất cả các hộ gia đình trên cả nước. Do đó, dựa trên thực tiễn, Chính phủ luôn xem xét và hoàn thiện loại hình bảo hiểm này về thể chế và nội dung để mang lại sự thuận tiện cao nhất cho các chủ xe, người bị thiệt hại do xe tham gia giao thông gây ra tai nạn.
Tai nạn giao thông cao, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm còn thấp
Sau hơn 10 năm triển khai áp dụng Bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới, theo báo cáo đánh giá của các cơ quan Nhà nước, tỷ lệ tham gia bảo hiểm của xe máy vẫn còn thấp (khoảng 30%) so với xe ô tô (khoảng 90%).
Trong khi đó, một báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, trong vòng 5 năm qua, cả nước xảy ra 94.024 vụ tai nạn giao thông, làm chết 39.917 người, bị thương 77.477 người. Tức mỗi năm nước ta có gần 8.000 người mất và hơn 15.000 người bị thương.
Tai nạn giao thông không chỉ để lại những hậu quả lớn cho người thân của những nạn nhân mà còn mang đến hệ lụy không nhỏ cho xã hội. Những cái chết thương tâm; những thương tích nặng nề đeo đẳng những nạn nhân cả cuộc đời trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội. Trong đó, người gây tai nạn, vì nhiều lý do khác nhau, không đủ khả năng bồi thường cho nạn nhân để giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định lại cuộc sống.
|
Vì lẽ đó, Chính phủ quy định các chủ xe phải mua bảo hiểm bắt buộc nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng và đảm bảo an sinh xã hội, cho phép người bị tai nạn do xe cơ giới gây ra có ngay một khoản tài chính để chi trả tiền cấp cứu, điều trị, thay thế tài sản hư hại hay quyền lợi khi tử vong.
Tháo gỡ các “nút thắt” quan trọng
Mua bảo hiểm không thuận tiện, thủ tục hồ sơ bồi thường gian nan… là những than phiền phổ biến liên quan đến sản phẩm bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới. Nhằm khắc phục các hạn chế này, tăng cường minh bạch, giảm nhẹ gánh nặng cho bên mua bảo hiểm, chủ xe, lái xe và người chẳng may gặp nạn, Bộ Tài chính đã kiến nghị những sửa đổi, bổ sung đáng chú ý, theo hướng tạo thuận lợi cho người dân.
Theo đó, để tạo điều kiện thuận lợi cao nhất cho việc chi trả cho đối tượng được bồi thường bảo hiểm, trong trường hợp các vụ tai nạn không xảy ra tử vong, doanh nghiệp bảo hiểm được chủ động phối hợp với bên mua bảo hiểm và các bên liên quan thiết lập hồ sơ mà không phải thu thập tài liệu từ phía cơ quan có thẩm quyền, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ bồi thường bảo hiểm.
|
Một chuyên gia bảo hiểm cho rằng đây là một thay đổi đột phá giúp các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động hỗ trợ khách hàng thu thập hồ sơ và ra quyết định bồi thường nhanh chóng. Lâu nay, để làm hồ sơ đòi bồi thường, người tham gia giao thông phải gởi kèm biên bản khám nghiệm hiện trường và phương tiện vụ tai nạn. Đây là việc thường khiến người dân mệt mỏi, tốn nhiều thời gian do trong nhiều trường hợp khi tai nạn xảy ra, công an, cơ quan địa phương vì một số lý do không có thể có mặt để hỗ trợ giải quyết vụ việc.
Dự thảo cũng có nhiều đề xuất đáng chú ý khác như tăng mức trách nhiệm bồi thường lên đến 50%, từ 100 triệu đồng lên 150 triệu đồng cho trường hợp tử vong vì tai nạn giao thông. Đặc biệt, doanh nghiệp có trách nhiệm tạm ứng cho khách hàng khi được thông báo về vụ việc nhằm giúp khách hàng sớm khắc phục hậu quả.
Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định về BH bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới để thay thế cho Nghị định 103/2008/NĐ-CP và Nghị định 214/2013/NĐ-CP. Dự kiến trong tháng 3.2021, nghị định được sửa đổi sẽ bắt đầu có hiệu lực.
8 điểm sửa đổi đáng chú ý nhất
- Giấy chứng nhận bảo hiểm: Doanh nghiệp BH được chủ động thiết kế Giấy chứng nhận bảo hiểm đảm bảo đầy đủ các thông tin theo quy định tại Nghị định (trong đó có số đường dây nóng). Bên cạnh hình thức truyền thống là giấy in theo mẫu quy định, doanh nghiệp được phép cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử.
- Thời gian bảo hiểm: tối thiểu 1 năm, tối đa 3 năm (xe máy); tối thiểu 1 năm, tối đa tương ứng hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (xe ô tô).
- Mức bảo hiểm trách nhiệm: Tăng mức trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại về người lên đến 50%, từ 100 triệu đồng hiện nay lên 150 triệu đồng cho mỗi trường hợp tử vong do xe cơ giới gây ra thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại.
- Doanh nghiệp bảo hiểm đồng chịu trách nhiệm thu thập hồ sơ bồi thường: Trường hợp vụ tai nạn gây tử vong, hồ sơ bồi thường phải bổ sung bản sao các tài liệu liên quan của cơ quan có thẩm quyền, chủ yếu là thu thập từ cơ quan công an. Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm thu thập bản sao các tài liệu liên quan của cơ quan Công an trong các vụ tai nạn gây tử vong đối với bên thứ ba và hành khách.
- Chi trả quyền lợi bảo hiểm: Trong thời gian 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo từ vụ tai nạn, DNBH phải tạm ứng ngay cho người tham gia bảo hiểm. Khi đã xác nhận vụ tai nạn trong phạm vi bồi thường thiệt hại, mức tạm ứng là 70% (tử vong), 50% (tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu); Nếu chưa xác định vụ tai nạn thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường, thì tạm ứng tương ứng 30% và 10%.
- Mức phí mềm cho lái xe an toàn: 66.000 đồng/năm, tức chưa đến 200 đồng/ngày (xe máy) và căn cứ lịch sử tai nạn, năng lực chấp hành rủi ro, doanh nghiệp bảo hiểm có thể tăng tối đa 15%.
- Hỗ trợ nhân đạo: Doanh nghiệp sẽ trích 1% tổng số phí bảo hiểm bắt buộc TNDS để đóng góp vào Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới, tăng mức chi hỗ trợ nhân đạo cho các trường hợp bị tử vong trong các vụ tai nạn giao thông lên đến 30% mức trách nhiệm bảo hiểm cho người bị tử vong (tương ứng 45 triệu đồng) trong trường hợp không xác định được xe gây tai nạn, xe không tham gia bảo hiểm và các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.
- Tăng giám sát của Nhà nước: Định kỳ hằng năm, Bộ Tài chính sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra các DN bảo hiểm, ghi nhận các kiến nghị, phản ánh để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới.
|
Bình luận (0)