Bảo hiểm mua dễ khó đòi: Bút sa... khách hàng thiệt

12/08/2016 05:29 GMT+7

Các công ty bảo hiểm thường soạn sẵn mẫu hợp đồng có lợi cho họ, người mua lơ mơ ký vào là 'bút sa gà chết'.

Ngày 21.8.2015, Công ty TNHH Dung & Nhi chuyên kinh doanh cám (Tiền Giang) ký hợp đồng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc với Công ty bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công thương VN - chi nhánh Sài Gòn (VBI), giá trị tài sản bảo hiểm là 5 tỉ đồng.
Hai tháng sau, Dung & Nhi xảy ra cháy, thiệt hại gồm một xe ô tô trọng tải 18 tấn, một phần nhà xưởng và hơn 220 tấn cám. VBI chỉ định Công ty giám định Phương Bắc (NORI) giám định và NORI kết luận tổn thất thuộc trách nhiệm bồi thường. Nhưng sau đó VBI lại đổi sang Công ty TNHH giám định và tư vấn kỹ thuật (RACO).
Lần này RACO kết luận ngược lại, là tổn thất không thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường. Dựa vào đó, VBI từ chối bồi thường. Dung & Nhi đã khởi kiện ra tòa.
Giăng sẵn “thòng lọng”
Còn ông V.N.M.Châu (TP.HCM), người đang đòi bồi thường tại Công ty bảo hiểm Quân đội Nam Sài Gòn (MIC), kể vào 1 giờ sáng ngày 7.2.2015, ông lái xe BMW va chạm với vòng xoay tại một ngã tư. Ông yêu cầu MIC bồi thường chi phí sửa xe gần 1 tỉ đồng theo hóa đơn thì bị MIC từ chối, với lý do ông điều khiển xe mà trong máu có nồng độ cồn. “Tôi đã cung cấp xác nhận của bệnh viện kết luận nồng độ cồn trong máu tại thời điểm đó là trị số của người bình thường không sử dụng các chất có nồng độ cồn, nhưng MIC vẫn chây ì bồi thường”, ông bức xúc.
Ông Trương Minh Cát Nguyên, Giám đốc Công ty dịch vụ tư vấn, đại lý bảo hiểm Tila, cho rằng các công ty bảo hiểm giăng sẵn “thòng lọng” trong các điều khoản. Ví dụ, cùng một điều khoản uống rượu bia khi lái xe, nhưng nếu là “uống rượu bia vượt quá nồng độ cho phép”, nghĩa là nhà bảo hiểm chấp nhận bồi thường nếu người lái xe uống có kiểm soát. Nhưng nếu là “không bồi thường nếu lái xe uống rượu bia”, thì dù có uống một giọt, công ty bảo hiểm cũng quay lưng từ chối bồi thường. “Người tiêu dùng ở thế yếu, bởi những điều khoản đã được soạn sẵn theo chủ ý của công ty bảo hiểm”, ông nói.
Theo luật sư Châu Huy Quang, luật sư điều hành Rajah & Tann LCT Lawers, nguyên tắc chung của việc giám định tổn thất là bảo đảm trung thực, khách quan, khoa học, kịp thời, chính xác. Cơ quan giám định chịu trách nhiệm về kết quả giám định của mình. Kết luận của giám định viên độc lập có giá trị bắt buộc đối với các bên. Trong trường hợp Công ty Dung & Nhi, hành động của VBI có dấu hiệu vi phạm nguyên tắc khách quan, trung thực. “Giả định NORI đã được chỉ định hợp lệ là giám định viên độc lập, về nguyên tắc kết luận của NORI sẽ có giá trị bắt buộc đối với các bên”, luật sư Quang phân tích.
Điều khoản mập mờ
Luật sư Châu Huy Quang nhìn nhận các công ty bảo hiểm thường soạn sẵn mẫu hợp đồng bảo hiểm áp dụng chung theo hướng có lợi cho họ, đặc biệt là các quy định về điều kiện bồi thường và loại trừ trách nhiệm. Đối lập lại, bất lợi lớn của người mua bảo hiểm là khả năng hạn chế về chuyên môn bảo hiểm, cũng như vị thế đàm phán điều chỉnh các điều khoản hợp đồng mẫu do công ty bảo hiểm dự thảo sẵn. Trong khi đó, quy định trong hợp đồng bảo hiểm phức tạp so với mức hiểu biết thông thường, người mua bảo hiểm có đọc nhưng cũng không hiểu hết, nhất là các điều khoản “kỹ thuật” dùng để viện dẫn miễn trừ trách nhiệm của công ty bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm phát sinh.
Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty luật Basico, cho hay từ năm 2015, bảo hiểm nhân thọ được bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, cho thấy cơ quan quản lý đã thấy được tính chất phức tạp, nội dung rối rắm của loại hợp đồng này. Mục đích của việc đăng ký là nhằm bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo nhà bảo hiểm không ban hành hợp đồng trái khoáy, không xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Tuy nhiên, trước tình trạng tràn lan hợp đồng chưa minh bạch, điều khoản mập mờ đánh đố khách hàng hiện nay, các cơ quan quản lý cần rà soát trở lại, “bắt thóp” ngôn từ, câu cú mơ hồ dễ khiến cho người tiêu dùng ngộ nhận. Bộ Công thương, nơi quản lý hợp đồng mẫu, cũng cần xem xét lại hợp đồng bảo hiểm đang mang lại lợi thế quá lớn cho công ty bảo hiểm, hạn chế những lắt léo dễ đẩy người tiêu dùng rơi vào tình trạng “bút sa gà chết”.
Công ty TNHH cơ khí - xây dựng & thương mại Tiên Tiến, kinh doanh dịch vụ rửa xe bằng máy tự động, ký hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm công cộng với Công ty bảo hiểm Bưu điện Bình Dương (PTI). Trong quá trình rửa xe tại cơ sở của Tiên Tiến đã xảy ra sự cố chổi trước của máy rửa xe tự động làm gãy 2 kính chiếu hậu của một xe khách. PTI từ chối bồi thường với lý do việc xảy ra khi công nhân của công ty đang kiểm soát, điều hành và gây ra tổn thất, không nằm trong phạm vi bảo hiểm. Công ty Tiên Tiến chỉ còn cách khởi kiện PTI ra TAND tỉnh Bình Dương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.