Bảo hiểm sản xuất cho nông dân

29/09/2011 23:33 GMT+7

Sau nhiều lần triển khai chưa đạt hiệu quả như mong muốn, chính sách bảo hiểm sản xuất nông nghiệp, một lần nữa được Chính phủ quyết tâm thực hiện với chương trình thí điểm trên 21 tỉnh, thành.

Quyết liệt triển khai

Ngày 29.9, Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị triển khai đề án thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) giai đoạn 2011-2013.

 
Nông dân nuôi tôm, cá ba sa sẽ được bảo hiểm - Ảnh: D.Đ.M

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hằng năm, để giúp nông dân khắc phục hậu quả thiên tai, ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác đã phải chi hàng nghìn tỉ đồng để hỗ trợ. Mặc dù vậy, khoản hỗ trợ này mới chỉ giúp khôi phục cuộc sống tối thiểu chứ chưa thể giúp nông dân khôi phục và bù đắp chi phí sản xuất nông nghiệp.

Thực tế, trong thời gian qua, một số doanh nghiệp (DN) bảo hiểm như Bảo Việt, Bảo Minh đã thực hiện nghiệp vụ BHNN ở một số địa bàn và một số sản phẩm cây trồng, vật nuôi nhất định trên quy mô nhỏ. Tuy nhiên, do đối tượng tham gia bảo hiểm ít, cùng với đó, phí bảo hiểm cao, tổn thất lại lớn nên hoạt động BHNN trong 3 năm qua chưa đạt kết quả như mong muốn. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp nước ta còn phân tán theo quy mô hộ gia đình, kỹ thuật canh tác nuôi trồng còn lạc hậu, nhận thức của nông dân trong việc đề phòng, hạn chế tổn thất còn chưa cao nên chưa ý thức được lợi ích của việc tham gia bảo hiểm.

Ông Phùng Ngọc Khánh - Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) - cho biết: “Theo Quyết định 315 của Thủ tướng, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% phí BHNN cho hộ, cá nhân nghèo; hỗ trợ 80% phí cho nông dân, cá nhân cận nghèo; hỗ trợ 60% phí cho hộ nông dân không thuộc diện nghèo, cận nghèo sản xuất nông nghiệp. Các tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia bảo hiểm sẽ được hỗ trợ 20% phí”.

Nhiều hình thức bảo hiểm đã được thực hiện

Hiện nay đã có nhiều DN ngành cà phê, cao su, chăn nuôi bò sữa... chủ động thực hiện bảo hiểm cho các dự án sản xuất nông nghiệp. Cụ thể như Nông trường bò sữa Mộc Châu (Sơn La), từ nhiều năm nay đã tự tổ chức BHNN và trở thành một điển hình thành công. Theo đó, mỗi năm các gia đình trong nông trường đóng 250.000 đồng/con bò sữa, khi bò chết, sẽ được hỗ trợ gấp 10 lần. Mới đây, Công ty PVI Insurance và PVFCCo ký hợp đồng triển khai cung cấp dịch vụ Bảo hiểm An nông Việt cho nông dân mua và sử dụng đạm Phú Mỹ. TCT bảo hiểm PVI sẽ bồi thường cho người nông dân được bảo hiểm chi phí mua đạm Phú Mỹ trong trường hợp diện tích cây lúa được bảo hiểm bị thiệt hại do các rủi ro được bảo hiểm gây ra.

Theo đăng ký của các DN bảo hiểm, Bộ Tài chính đã quyết định cho Bảo Việt và Bảo Minh thực hiện thí điểm BHNN. TCT cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia (Vinare) thực hiện thu xếp tái BHNN trên nguyên tắc không vì mục đích lợi nhuận. Cùng với đó, Hiệp hội Bảo hiểm VN đã thành lập tổ tư vấn triển khai thực hiện thí điểm BHNN giai đoạn 2011-2013. Đối tượng được bảo hiểm trong giai đoạn thí điểm là cây lúa ở Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp; trâu, bò, lợn, gia cầm tại Bắc Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Dương, Hà Nội; nuôi trồng thủy sản, cá tra, ba sa, tôm sú, tôm chân trắng tại Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau.

Nhiều nỗi lo

Hiện Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định 315/QĐ-TTg về thực hiện thí điểm BHNN cho giai đoạn này. Bộ cũng đang phối hợp với bộ, ngành liên quan nghiên cứu, ban hành quy định triển khai thực hiện các nội dung của quyết định như: quy tắc, biểu phí bảo hiểm, hoa hồng bảo hiểm, mức trách nhiệm bảo hiểm; hướng dẫn cơ chế tài chính, chính sách hỗ trợ đối với DN bảo hiểm triển khai thí điểm BHNN… Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, việc triển khai đề án bảo hiểm đã chậm tiến độ trong khi phía trước còn rất nhiều việc phải làm để đưa chính sách tiếp cận được với nông dân.

Để thực hiện được đề án, theo Bộ Tài chính, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh là phải chủ trì tham gia cung cấp số liệu, thông tin theo đề nghị của DN bảo hiểm để làm cơ sở xây dựng dự toán, cấp kinh phí hỗ trợ; báo cáo diện tích, năng suất sản lượng trồng lúa theo xã, thống kê giá một số loại lúa chính theo mùa vụ, thống kê diện tích lúa bị thiệt hại... Như vậy, trong quá trình triển khai cũng như thống kê, chứng nhận hộ nghèo, chứng nhận thiệt hại…, UBND cấp tỉnh là đơn vị nhận nhiều trách nhiệm nhất. Tuy nhiên, một số tỉnh cho rằng khối lượng công việc này là quá lớn, và với nguồn nhân sự hạn chế, để triển khai chương trình đến người dân sẽ mất khá nhiều thời gian và khi xảy ra thiệt hại cũng không thể nhanh chóng thống kê đầy đủ để đền bù cho nông dân.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu dự hội nghị cũng băn khoăn về công tác thực hiện bồi thường của các DN bảo hiểm được chọn, bởi lẽ khi kinh doanh không vì mục đích lợi nhuận, các DN bảo hiểm thường không nhiệt tình và tìm cách kéo dài thời gian chi trả.

Về vấn đề này, ông Phùng Ngọc Khánh cho biết: “Thời hạn và phương thức bồi thường đều đã được ghi rõ trong hợp đồng, nếu chi trả chậm hoặc không thỏa đáng, DN bảo hiểm sẽ tự đánh mất uy tín của chính mình và nông dân có quyền lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ khác”. Theo ông Khánh, ngay trong vụ lúa sắp tới, nông dân trồng lúa đã có thể liên hệ với các đại lý để mua bảo hiểm, còn nông dân nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc thì có thể tiếp cận dịch vụ bảo hiểm ngay thời điểm này.

Quang Thuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.