Bảo hiểm thú y “trọn gói”

27/09/2012 09:32 GMT+7

Dịch bệnh lan rộng đang bao vây đàn gia súc ở Quảng Nam càng làm lộ rõ “lỗ hổng” của công tác phòng dịch, đặc biệt là khâu tiêm vắc xin ngừa vi rút Lelystad gây bệnh tai xanh. Vì thế, dịch vụ bảo hiểm thú y “trọn gói” đang được kỳ vọng…

>> Quảng Nam tái phát dịch tai xanh trên diện rộng
>> Nguy cơ dịch heo tai xanh lan rộng là rất cao
>> Dịch heo tai xanh tái phát tại nhiều địa phương
>> Bộ NN-PTNT kiểm tra chống dịch heo tai xanh tại Đồng Nai

Hổng bên trong

Công điện khẩn số 06/CĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam ban hành hôm 21.9 về phòng, chống dịch khẩn cấp ở heo (tai xanh) và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác đối với gia súc, gia cầm có yêu cầu: Sở NN-PTNT xuất vắc xin từ nguồn dự trữ để tiêm bao vây ổ dịch tai xanh và tiêu độc khử trùng nơi xảy ra dịch. Nhưng xem ra, việc tiêm phòng bây giờ đã quá trễ, khi dịch đã lan rộng ở 3 xã (Đại Phong, Đại Cường, Bình Trung) tại 2 huyện Đại Lộc, Thăng Bình. Đến chiều qua 25.9, dịch vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại vởi xấp xỉ 600 con heo nhiễm bệnh…

Phun khử trùng 
Phun khử trùng, một giải pháp giảm thiểu sự lây lan chứ không ngăn chặn dịch tai xanh từ bên trong - Ảnh: Văn Sự

 

Chặn bên ngoài

UBND tỉnh Quảng Nam vừa xác nhận, ngoài dịch heo tai xanh đang bùng phát mạnh, cũng đã xuất hiện dịch cúm gia cầm tại xã Điện Thọ (H.Điện Bàn), dịch lở mồm long móng tại xã Phước Đức và thị trấn Khâm Đức (H.Phước Sơn). Để hạn chế lây lan, địa phương vừa ra lệnh kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển gia súc, gia cầm qua địa bàn tỉnh ở Trạm kiểm dịch động vật Dốc Sỏi (H.Núi Thành), giáp ranh tỉnh Quảng Ngãi.

Đến lúc này, những ai quan tâm đến đàn gia súc của Quảng Nam sẽ không thể “ngồi yên” khi biết tin, trong tổng số 560 nghìn con heo thì… hầu hết chưa được tiêm vắc xin phòng dịch tai xanh. Đàn gia súc này chỉ được tiêm phòng dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn, mà vắc xin của 3 bệnh đỏ này không giúp kháng dịch tai xanh. Tại các tâm điểm tái phát dịch tai xanh mới nhất (bắt đầu từ giữa cuối tháng 9) ở Thăng Bình và Đại Lộc, đại diện chính quyền địa phương thừa nhận tình trạng thả nổi khâu tiêm vắc xin phòng dịch. Nghịch lý ở chỗ: nguồn vắc xin không hề khan hiếm, mà do người chăn nuôi không mặn mà tiêm phòng vì… sợ tốn tiền. Đây là thực tế nảy sinh hơn 1 năm nay, kể từ khi Nhà nước không còn hỗ trợ tiêm phòng vắc xin nữa. Đội ngũ thú y cơ sở cũng “thất nghiệp”, dù giá dịch vụ chỉ có 40.000 đồng/liều, cộng với tiền công 2.000 đồng.

Bảo hiểm vật nuôi

Do phía người dân không tự nguyện tiêm vắc xin phòng dịch, nên dù đội ngũ thú y cơ sở được củng cố mạnh đến đâu thì tình hình vẫn không mấy sáng sủa, kể cả các dịch vụ bảo hiểm. Chưa kể, các dịch vụ bảo hiểm vật nuôi đa phần hướng vào đàn bò. Mặc dù vậy, trong thời điểm dịch đe dọa hiện nay, ở một vài địa phương bắt đầu nhắc lại các địa chỉ bảo hiểm vật nuôi khá “lạ” ấy.

Mô hình bảo hiểm đàn bò tại xã Điện Quang (H.Điện Bàn) do HTX Dịch vụ nông nghiệp & sản xuất kinh doanh tổng hợp Điện Quang triển khai vài năm nay đã khiến nông dân yên tâm hơn trước dịch bệnh. Theo cam kết, nếu bò nhiễm bệnh chết thì sẽ được HTX bồi thường ít nhất 80% giá trị theo thị trường. Mô hình này đã trở nên quá quen thuộc, và Thanh Niên đã từng giới thiệu. Đặc biệt hơn, tại vùng núi Tiên Phước, dịch vụ thú y trọn gói của ông Nguyễn Tiến (thôn 5 xã Tiên Sơn) mở rộng phạm vi bảo hiểm hơn cho cả trâu, bò, heo, thậm chí cả gia cầm… với trên 300 hợp đồng, tính đến giữa cuối tháng 9. Người chăn nuôi chỉ cần trả chi phí thú y 1 lần cho mỗi con gia súc, phía dịch vụ sẽ chịu trách nhiệm về dịch bệnh từ lúc nuôi đến khi xuất chuồng. Giá dịch vụ “bảo hiểm” trên đàn heo của ông Tiến không quá đắt, với mức đóng phí 20.000 đồng/con (heo thịt), 40.000 đồng/con (heo nái); ngược lại, người chăn nuôi sẽ được chi trả 250.000 đồng/con (heo thịt), 450.000 đồng/con (heo nái).

Đây được xem là mô hình hạn chế rủi ro đối với nông dân nhưng lại là dịch vụ đầy mạo hiểm đối với ông Tiến, vốn xuất thân từ cán bộ thú y, do diễn biến dịch bệnh khá thất thường. Dù sao, dịch vụ của ông Tiến cũng được giới thiệu ở các xã Tiên Sơn (bao quát toàn xã), Tiên Cẩm, Tiên Hà… gồm hàng trăm khách hàng. Trong khi đó, hợp tác xã chăn nuôi do chính ông vận động thành lập cũng qui tụ hơn 20 xã viên tham gia. Một lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam chia sẻ, công tác tiêm phòng phải được xã hội hóa với sự “hợp tác” đội ngũ thú y tuyến cơ sở và các loại hình bảo hiểm vật nuôi, dịch vụ thú y trọn gói.

Hứa Xuyên Huỳnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.